G20 thúc giục đối thoại để giải quyết căng thẳng thương mại

Thu Thảo
Thu Thảo
23/07/2018 19:09 GMT+7

Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của 20 nước thuộc khối G20 hôm 22.7 kêu gọi tăng cường đối thoại để xoa dịu căng thẳng thương mại vốn đang leo thang.

Theo AFP, căng thẳng thương mại leo thang có thể gây nhiều trở ngại cho tăng trưởng kinh tế thế giới. Vì thế, bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới vừa kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày ở Buenos Aires (Argentina) bằng cảnh báo: Căng thẳng thương mại và địa chính trị leo thang đang đe dọa tăng trưởng kinh tế.
G20 nhóm họp giữa lúc các chính sách bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến nhiều đồng minh truyền thống của Mỹ như Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico phật lòng, khiến nhiều nước phải có biện pháp trả đũa.
Tuyên bố cuối cuộc họp G20 nhấn mạnh sự cần thiết phải đối thoại và hành động để giảm thiểu rủi ro và tăng cường niềm tin, trong bối cảnh nỗi lo về cuộc chiến thương mại toàn cầu ngày càng lên cao. Dù tuyên bố trên không nhắc đến Mỹ, nước đang là trung tâm trong căng thẳng thương mại với các thành viên G20 như Trung Quốc, EU và nhiều nước khác, nó thể hiện lo ngại mạnh mẽ hơn so với tuyên bố đưa ra hồi tháng 3. Khi đó, G20 tránh nhắc đến vấn đề này.
Bộ trưởng Kinh tế Argentina Nicolas Dujovne cho hay G20 không đủ khả năng xoay sở trước chuyện tranh chấp thương mại. Ông Dujovne cho rằng các chính phủ nên giải quyết trực tiếp với nhau, hoặc giải quyết thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) các vấn đề thương mại. Quan chức Argentina còn nhắc đến việc trong thời khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, G20 đã chú ý đến việc ngăn chặn hậu quả tồi tệ hơn và cứu hàng triệu việc làm. Ông cho rằng thời điểm xấu khiến mọi người nhận ra chuyện hợp tác, đồng thuận với nhau quan trọng đến thế nào.
Dù vậy, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhắc lại tuyên bố trước đó của ông, rằng Mỹ chỉ muốn “thương mại công bằng hơn” với các nước khác. Ông Mnuchin cũng bác bỏ tác động kinh tế của việc tăng thuế quan và các khoản thuế quan trả đũa, cho biết đến nay, chúng chỉ ảnh hưởng rất nhỏ đến nước Mỹ. “Xét theo quan điểm vĩ mô, chúng tôi chưa thấy bất kỳ mô hình nghiêm trọng nào xảy ra với nền kinh tế”, ông Mnuchin nói.
Giới doanh nghiệp Mỹ bị tác động bởi một loạt biện pháp trừng phạt của Trung Quốc, EU, Canada và Mexico, trong đó có thuế quan áp lên đậu tương, xe mô tô, bourbon và nhiều loại hàng hóa khác. Trong khi đó, các nhà sản xuất than phiền về chuyện giá nhiều nguyên liệu và vật tư chính tăng vì thuế quan của Mỹ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo trong kịch bản xấu nhất, 430 tỉ USD GDP toàn cầu, tương đương 0,5 điểm phần trăm, sẽ mất đi vì thuế quan trả đũa giữa các nước đến năm 2020. Giám đốc IMF Christine Lagarde cảnh báo rằng kinh tế Mỹ đặc biệt dễ bị tổn thương vì xung đột thương mại do quá nhiều hoạt động thương mại toàn cầu sẽ bị vướng vào các loại thuế quan trả đũa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.