Gã giang hồ hoàn lương 6 năm đi phát cơm từ thiện ở Bệnh viện Ung bướu

Phạm Hữu
Phạm Hữu
13/06/2019 12:15 GMT+7

Với quá khứ không mấy tốt đẹp, gã giang hồ đã hoàn lương Cường Ba Cu mỗi ngày lại cặm cụi đánh xe tải ra trước bệnh viện Ung Bướu TP.HCM để phát tiền, cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo.

Từng 4 lần vào tù ra tội

Ở Bệnh viện Ung Bướu (TP.HCM) hẳn những bệnh nhân nghèo không ai không biết người đàn ông có nước da ngâm đen, tay hay cầm chiếc loa liên tục réo mọi người xếp hàng để nhận cơm. Đó là ông Nguyễn Thanh Cường (49 tuổi, ngụ Q.3) với biệt danh khét tiếng trong giới giang hồ cuối thập niên 1980 là Cường Ba Cu.
Mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông chỉ nói về những câu chuyện hiện tại, về công việc từ thiện hay làm. Nhiều lúc ông muốn quên đi, ít khi nhắc đến quá khứ đầy tội lỗi của mình.  
Ông Cường kể lại, những năm tháng tuổi trẻ của ông đầy háo thắng, đi ăn cướp để chứng tỏ mình có gan. Ban đầu ông có suy nghĩ mình như một hiệp sĩ, thấy chuyện bất bình lập tức ra tay đi bắt cướp. Nhưng những lần đánh cướp, cướp bỏ lại xe tang vật, ông không cầm lòng mang ra ngoài bán lại kiếm tiền. Dần dần, ông chuyên “đi rình” những tên cướp để cướp lại của chúng. Thế là từ người tốt, cuộc đời ông bắt đầu nhuốm màu tù tội.
Khoảng năm 1987, ông Cường bắt đầu đi cướp của người khác. Sau đó những trận đâm chém, bảo kê cờ bạc diễn ra thường xuyên hơn.
Mỗi ngày, ông Cường lại đánh xe chở cơm ra trước Bệnh viện Ung Bướu để phát miễn phí cho người nghèo Phạm Hữu
“Tôi bỏ học, gia đình chửi bới rất nhiều. Tôi trả lời tôi không thích đi học nữa, tôi thích đi cướp. Ông già đánh tôi gãy ngón tay sau đó bỏ tôi luôn. Năm 17 tuổi, tôi đi cướp đủ tiền mua nhà luôn. Lúc đó nghĩ, tiền kiếm dễ quá mà, tôi đi học để làm gì cho khổ”, ông Cường nhớ lại.
Cũng năm 17 tuổi, ông bị bắt ở tù vì tội cướp giật tài sản. Ra tù, không nghề nghiệp, ông tìm đủ cách để kiếm sống. Trong lần gặp bạn cũ được rủ rê rồi ông bắt đầu nghề cờ bạc. Nghề mới này cho ông dư dã tiền bạc, chơi bời nhưng cũng buộc ông không dưới 3 lần phải ra vào tù liên tiếp. Đến thời điểm khoảng năm 2000 ông lấy vợ, hoàn lương và quyết làm lại cuộc đời.
“Không ai bước ra đường muốn làm người xấu, ai cũng muốn làm người tốt. Sau này tôi tu tâm dưỡng tính. Tôi lo lấy vợ, làm ăn đàng hoàng. Lúc tôi lấy vợ, gia đình 8 anh chị em ruột mà chỉ có mình mẹ và thằng em ruột đi đám. Lúc ông già trăn trối, nói tôi ráng làm người đừng tù tội nữa. Tôi khóc 3 ngày 3 đêm rồi quyết định buông bỏ”, ông chia sẻ.

Làm từ thiện vì người bạn chết vì ung thư

Ông Cường kể, ông có rất nhiều người bạn chết vì bệnh ung thư. Trong đó có người bạn thân nhất cũng bị mất vì căn bệnh quái ác. Hôm ngồi trong Bệnh viện Ung Bướu, sau khi bạn mất, ông tự hứa với bạn nguyện làm từ thiện ở bệnh viện trong 49 ngày để tiễn biệt.
Tuy nhiên, sau 49 ngày ông ngừng phát, nhiều người vẫn đứng chờ ông với hy vọng tiếp tục nhận cơm từ thiện. Không cầm lòng, ông ra chợ mua bánh mì, sữa… về lại phát cho bà con nghèo khổ. Thế là mỗi ngày ông lại chở cơm ra trước bệnh viện phát miễn phí cho bà con cũng được 6 năm trời.
Ông cho biết: “Gần tới giờ tôi mà không ra bệnh viện phát cơm là nó bồn chồn khó chịu" Phạm Hữu
Trong những người phụ ông phát cơm, có nhiều người sống lang thang Phạm Hữu
“Gần tới giờ tôi mà không ra bệnh viện phát cơm là nó bồn chồn khó chịu. Giống như tôi có lỗi với ai vậy đó. Mà ra tới nơi thấy bệnh nhân là người ta xếp hàng chờ đợi như muốn rớt nước mắt”, ông Cường nói thêm.
Hồi ông mới ra phát cơm, những người sống lang thang ở trước bệnh viện thường xuyên giành giật, chen lấn móc túi. Dần dà vài người lại thấy ông phát cơm họ cũng hăng hái xắn tay vào phụ ông.
Ông nói tiếp: “Người đó là người xấu nhưng thấy tôi làm từ thiện riết rồi hình như cũng hiền theo, không muốn xấu nữa”.
Tuy vậy, ông cũng thừa nhận, tình trạng tham vặt, cố ý chen lấn cố ý gây rối ở bệnh viện mỗi khi ông phát cơm là có. Chuyện giang hồ đi đánh người làm từ thiện thì ông chưa bao giờ chứng kiến ở Bệnh viện Ung Bướu này.
“Tôi cũng mở quán cơm cách bệnh viện này khoảng 500 mét. Những chủ quán cơm ở gần bệnh viện này cũng có khách riêng của họ. Mỗi tháng ngày rằm hay mùng 1, họ cũng làm cơm phát miễn phí cho người bệnh nghèo đó. Nói quán cơm ra đánh người giành giựt khách thì tội cho người ta quá, không bao giờ có chuyện đó xảy ra”, ông phân trần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.