Trong đời, tôi đã đi dự nhiều đám tang của đồng nghiệp. Thương tâm nhất có thể kể đến là cái chết của kép Hà Bửu Tân năm 1976. Vì đam mê hút chích, anh thân tàn ma dại. Sau này, vì quá nghèo, Hà Bửu Tân phải mua thuốc dỏm chích cho đỡ cơn ghiền, không ngờ bị vật chết trước chung cư Cô Bắc. Sáng ra, bà con lối xóm lấy chiếu đắp thân, còn bài ca Cô Thắm về làng của tôi (in trước năm 1975) thì đắp mặt cho anh. Tôi xót thương anh quá.
Đám tang thứ hai mà tôi bật khóc là của nghệ sĩ (NS) Kim Ngọc đầu năm 2011.
“Nữ quái kiệt” chân thành
|
Hồi còn trẻ, NS Kim Ngọc có giọng ca lảnh lót, ngân dài trong vắt. Tính nết của cô vui vẻ, thích trào lộng nhưng không quá trớn mà luôn tạo được cảm tình với người đối diện. Tôi mời Kim Ngọc thu bài ca cổ cho hãng dĩa Việt Nam. Với bài Hoa trôi dòng nước bạc, cô được khán - thính giả cổ vũ nồng nhiệt. Hôm đám tang Kim Ngọc, nghe con gái của cô là Kim Ngân ca lại Hoa trôi dòng nước bạc, tôi lạnh cả tâm hồn.
Tôi viết vai Mai Đình trong kịch bản Hàn Mặc Tử để Kim Ngọc diễn với Hùng Cường, Mộng Cầm là Bạch Tuyết. Khán giả càng thương cô hơn. Từ thành công của vai Mai Đình, đi đâu gặp Kim Ngọc, tôi cũng nói “Mai Đình của tôi”; còn cô thì hồ hởi: “Chú Bảy ơi, con có được ngày nay một phần công lao rất lớn là của chú”. Tôi gạt ngang: “Cái chính là cách sống của Mai Đình”. Kim Ngọc cười giòn giã, tiếng cười không mang một sự hơn thua, sân si nào trong cuộc đời NS.
Từ lúc tôi biết cô bé Kim Ngọc cho tới khi cô được Báo Đen Trắng trao giải Kim Khánh năm 1972 với danh hiệu “Nữ quái kiệt” (sau lần thế vai Tùng Lâm diễn Tiểu Đồng theo hầu Kim Trọng trong tuồng Trăng thề vườn Thúy của soạn giả Quy Sắc, gánh Hùng Cường - Bạch Tuyết), được khán giả yêu mến với sở trường hài lẳng nhưng Kim Ngọc vẫn vậy, vẫn chân thành, mộc mạc, hết lòng với bạn bè. Cô còn rất hiếu thảo với cha mẹ, thương yêu đàn em và có nghĩa với thầy.
Năm 1978, đời sống kinh tế còn khó khăn, nhiều người phải ăn cơm độn khoai, thịt cá là thứ xa xỉ. Nhà Kim Ngọc bán thịt heo ở chợ Giồng Ông Tố, nay thuộc quận 2 - TPHCM. Sạp thịt đó nuôi lớn Kim Ngọc và đàn em 16 người đến khi cô làm đào hát, mang tiền về lo cho các em ăn học. Một buổi trưa hè nóng như đổ lửa, Kim Ngọc đạp xe tới nhà tôi biếu 1 kg thịt đùi. Vợ tôi xúc động đón nhận mà không biết nói sao. Kim Ngọc nhẹ nhàng: “Thím Bảy kho để chú và các em ăn. Nhà con bán thịt mà, hôm nào đi ngang, con sẽ biếu nữa”. Đó là kỷ niệm tôi nhớ nhất về Kim Ngọc.
Trong lần tái dựng Tình mẫu tử do NSND Lệ Thủy - NSƯT Minh Vương chủ xướng năm 2005, tôi đã đề nghị Kim Ngọc đóng vai Điểu. Tuy vai xuất hiện ít nhưng không ai diễn hay hơn Kim Ngọc về thân phận của nhân vật này.
Hiếu Hiền - Phước hậu của “Mai Đình”
Ở đời, không ai tránh khỏi cuộc bể dâu, lên voi rồi xuống chó. Câu này gần như trong các vở tuồng mỉa mai sự đen bạc của trò đời, những vai hề dù nam hay nữ đều nói để răn mình. Thế nhưng, với Kim Ngọc, cô sống nhân nghĩa, tử tế nên khi gặp bất trắc trong đời đều có ân nhân cứu nạn.
Có lần, Kim Ngọc gặp tôi kể về chuyện tình đổ vỡ giữa cô và kép Hoàng Long. Tôi khuyên nếu hết duyên, hết nợ thì cố mà quên nhưng Kim Ngọc đa sầu lắm. Ngoài đời, cô cười nói vui vẻ nhưng vãn hát thì giọt sầu pha giọt hận. Sau đó, Kim Ngọc gặp nhạc sĩ Đức Lang, người đã có một đời vợ, gá nghĩa và sinh ra Hiếu Hiền.
Gần đây, xem phim Bỗng dưng muốn khóc, Hotboy nổi loạn…, thấy Hiếu Hiền đã xứng đáng là hậu duệ của “Nữ quái kiệt” Kim Ngọc, tôi rất mừng. Hiếu Hiền từng mấy lần thưa chuyện với tôi: “Ông Bảy, con mê ca mà sao hơi của con kỳ quá”. Tôi dạy: “NS đâu phải chỉ cần hơi ca”. Hiếu Hiền theo mẹ làm diễn viên hài, kịch ngắn, kịch dài, vai quần chúng, vai quân sĩ… đều hăng hái. Nhờ vậy mà Hiếu Hiền học hỏi nhiều kinh nghiệm để tả xung hữu đột bên cạnh mẹ.
Mượn chuyện trái tim nhân nghĩa ở đời của “Mai Đình” - Kim Ngọc để nói về sự thăng trầm của cải lương, âu cũng là một thoáng chủ quan mà tôi muốn nhắn gửi lớp diễn viên trẻ: Hãy sống hết lòng và sống tốt, để nhận được những lộc nghề như Kim Ngọc đã có. Riêng với diễn viên Hiếu Hiền, tôi khuyên: “Cháu không đi lên nhờ vào giọng ca như mẹ mà tài diễn đã có được vai hợp với nhân dáng, tính cách. Hình thể tạo được cái lạ cho phim nhưng nó là con dao hai lưỡi một khi cháu lặp lại chính mình”.
Tôi chợt nhớ hàm râu quặp của NS Kim Ngọc cứ rớt lên rớt xuống một cách cố tình khi diễn vai giả trai Tiểu Đồng. Sự cố tình có tính toán đó là ưu thế để Kim Ngọc lạ hơn NS Tùng Lâm. Chỉ vậy thôi đã cho thấy sự quyền biến của người NS.
Không dễ rạng danh
Điểm lại, tôi chỉ thấy nhánh cải lương tuồng cổ của hai gia tộc lớn ở Sài Gòn: Vĩnh Xuân, bầu Thắng, Minh Tơ, Thanh Tòng và Huỳnh Long, Bạch Mai, Thanh Bạch mới thực sự “cha truyền con nối”; để thế hệ sau với: Trinh Trinh, Tú Sương, Quế Trân, Lê Thanh Thảo (nhánh Minh Tơ), Chinh Nhân, Bình Tinh (nhánh Huỳnh Long) làm rạng rỡ nghề hát bằng các vai diễn hay. Trong đó, một số NS đã tiếp nối thế hệ Giải Thanh Tâm để đường hoàng nhận HCV Giải Trần Hữu Trang.
Trong số các HCV trưởng thành sau năm 1975, không ít tên tuổi đã thọ giáo phong cách ca diễn của Thanh Tòng, Bạch Mai, để ngày nay họ vẫn là những ngôi sao sáng. Như vậy mới thấy hiếm có con nối nghiệp cha mẹ mà làm rạng danh như trường hợp diễn viên Hiếu Hiền.
Theo Người Lao Động
>> Gã si tình nặng nghiệp cầm ca: Lệ Thủy - Đào chánh ngoại lệ
>> Gã si tình nặng nghiệp cầm ca: Mối tình Út Bạch Lan - Thành Được
>> Gã si tình nặng nghiệp cầm ca: Lăng xê Thanh Nga
>> Gã si tình nặng nghiệp cầm ca: Kho báu đầu đời
Bình luận (0)