Gà trống nuôi con - Kỳ 2: Quét rác nuôi con vào đại học

05/02/2009 10:10 GMT+7

“Cá này bán sao chị?” - người đàn ông cao 1,58m, nặng chưa tới 40kg, xách chiếc giỏ rỗng, trả giá hai giỏ cá hấp. Ông mua tiếp mấy cọng hành. Người ta thối lại tờ 1.000đ rách, ông đổi tờ khác. Đi ngang chỗ bán trái cây, ông dựng xe đạp, tần ngần đứng nhìn.

Sáng mai 29 tết, ông mới đi mua trái cây, bánh mứt và ít thịt đón tết. Ông mua một ít thịt rồi ghé vào chỗ bán hoa chọn bó cúc vàng. “Lần đầu tiên ra chợ, tui bị mua hớ quá chừng. Mới đầu trả giá ngại lắm nhưng tập riết rồi quen. Mình tiết kiệm mỗi ngày được mấy ngàn đồng, dồn lại cả tháng nhiều lắm chớ”, ông nói. Người đàn ông ấy tên Diệp Văn Thạnh.

13 năm trước

Vợ ông Thạnh bỏ đi vào một chiều tháng 4-1996, đột ngột và khó hiểu. Ông hốt hoảng về quê ngoại ở Đồng Nai, đến họ hàng bên nội, bạn bè, những nơi vợ mình hay lui tới. Không ai biết vợ ông đi đâu. Mấy ngày sau ông lại ra chợ Phan Văn Trị, nơi vợ ông làm công nhân quét rác hi vọng tìm thêm tin tức. Người ta nói vợ ông quen một người đàn ông nào đó. Vợ ông bặt tin từ đó. Người đàn ông 40 tuổi hụt hẫng và đau đớn.

Bắt đầu những đêm thức trắng, rồi phải gượng dậy kiếm tiền từ việc đóng than bỏ mối cho quán cà phê. Ông Thạnh nhớ lại: “Tui thấy gánh nặng của mình lớn quá, đến mức có lúc phát sợ. Cũng may bà đội trưởng đội vệ sinh thương tình cảnh tui khó khăn mà nhận vào làm, thế chân chỗ vợ. Lương lúc đó chỉ gần 1 triệu đồng/tháng nhưng là nguồn thu nhập lớn nhất. Tui phải gói ghém, tính toán mọi chi tiêu trong nhà. Đau đầu lắm!”.

Ông Thạnh kể: “Vợ tui bỏ đi hơn một tháng thì cô giáo của thằng út ra đề văn tả về người mẹ yêu thương. Nó không biết phải viết làm sao. Tui nói con cứ viết về mẹ như người mẹ mà con yêu quý trước đây. Nhưng đau lòng và thương thằng nhỏ quá”.

Mỗi lần dọn vệ sinh ở chợ Phan Văn Trị (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), hình ảnh người vợ xưa lại làm ông nhói đau. “Tui ráng không nhớ để lo mần ăn nuôi con. Nghĩ nhiều, nhớ nhiều làm gì. Buồn lắm”, ông nói. Dù nói vậy nhưng cả hơn năm trời sau đó ông mới nguôi ngoai. “Bả đi để lại mấy bộ quần áo, tui vẫn còn giữ trong tủ”, ông Thạnh trầm ngâm.

Thỉnh thoảng ông lại lấy ra vuốt ve, phủi bụi. Mấy tấm hình cưới trắng đen loang lổ vẫn còn. Lâu lâu ông lại lấy ra xem. “Nhiều lúc đi trên đường, đi chợ, đi làm, thấy gia đình người ta có vợ có chồng hạnh phúc, tui không dám nhìn lâu mà chỉ lướt qua”, ông Thạnh nhìn xuống ly trà nóng đang xoay xoay trong đôi bàn tay gầy.

Căn nhà 12m2 lọt thỏm trong con hẻm quanh co. 6g sáng, ông đã hâm xong đồ ăn cho thằng út rồi chở con đi học thêm. Về nhà, ông lật đật thu dọn nhà cửa, đi chợ, nấu nướng, giặt giũ... Ông nấu đồ ăn cho buổi trưa và cả chiều tối. Đêm nào cũng hơn 12g, ông Thạnh lại lặng lẽ, một mình với chiếc xe đạp trên những con đường vắng trở về nhà sau một ngày quét rác, giặt đồng phục, tắm rửa rồi ăn cơm cũng đã hơn 1g. Đám nhỏ thấy cha đi làm về liền xuống trò chuyện. Đó là khoảng thời gian hiếm hoi quý giá trong một ngày để ba cha con tỉ tê.

Tài sản quý nhất

Mái tóc ông Thạnh đã lấm tấm bạc nhưng gương mặt còn rất trẻ so với tuổi 53 của mình. Hỏi sao ông không đi thêm bước nữa để có người đỡ đần việc nhà rồi nương tựa về sau, ông Thạnh cười đôn hậu: “Khi mẹ sắp nhỏ bỏ đi, tụi nó đã hụt hẫng lắm rồi. Bây giờ mình lại lấy vợ, tình cảm phải san sẻ, con mình sẽ thiếu tình thương rồi không tập trung học được. Thực tình có lúc tui cũng thoáng nghĩ qua chuyện này nhưng nghĩ sâu hơn lại thôi”. “Cha dặn hai chị em vẫn phải tôn trọng và đừng ghét bỏ mẹ. Cha nói mẹ muốn đi tìm hạnh phúc cho riêng mình thì đó là lựa chọn của mẹ”, Xuân Hồng, sinh năm 1982, con gái lớn của ông Thạnh, kể.

Với ông, niềm vui lớn nhất và cũng là tài sản quý nhất bây giờ là sự trưởng thành của hai con. Người cha gầy guộc ấy làm hết việc nhà để con có thời gian học. Ông nói nhẹ nhàng nhưng kiên quyết: “Năm sau tui sẽ không cho Xuân Hồng đi làm thêm nữa. Năm đó nó thi tốt nghiệp rồi”. Ông Thạnh tâm niệm: Đời mình đã khổ, đời con mình nhất định phải khác. “Nghèo đến đâu cũng phải cho con học hành đàng hoàng. Xã hội bây giờ không có học làm sao thành công được?”, ông Thạnh nói chắc nịch.

 
Ông Thạnh (ngồi, bên phải) cùng mẹ và hai con - Ảnh: TT

Gặp khi khó khăn tiền nong quá, ông mới nói loáng thoáng cho hai con hiểu mà đồng cảm với mình. Nói kỹ quá ông lại sợ con lo lắng, phân tâm không học được. Xuân Hồng kể: “Cha không bao giờ than thở với chị em mình chuyện thiếu tiền bạc. Mấy bữa gần đây thấy giá cả tăng cao quá, hỏi thì cha mới nói, nhưng nói sơ sơ thôi”.

Xuân Hồng đang là sinh viên năm 3 khoa kế toán Đại học dân lập Hùng Vương. Hồng đợi em trai vô đại học mới an tâm thi đại học. “Cha vẫn lo cho mình học phí. Còn tiền mua tài liệu, photo sách học, quần áo, xăng xe… mình lấy tiền đi làm thêm”, Hồng kể. Em trai của Hồng, Diệp Văn An Lạc (sinh năm 1985), đậu một lúc hai trường đại học: Luật và Sư phạm TP.HCM. Anh đang là giáo viên dạy toán Trường THPT Thủ Thiêm, quận 2.

Trên bức tường vôi loang lổ vẫn còn treo chiếc bảng mà ông Thạnh đã mua gỗ về rồi tỉ mỉ đóng thành tấm bảng để hai con học. Chiếc bàn kê sát bếp, vừa là bàn ăn, bàn tiếp khách, vừa là bàn học của hai con. Hồi đó tháng nào ông cũng xem cẩn thận phiếu liên lạc của con. “Tui đọc kỹ lắm, thấy yếu môn nào là phải lo tiền cho đi học thêm môn đó liền. Được cái tụi nhỏ học rất chăm, tới 12g-1g đêm mới đi ngủ. Có bữa tui xuống uống nước thấy tụi nhỏ nằm dưới nền đất ngủ. Thương quá”, đôi mắt người cha đầy xúc cảm khi nhớ lại.

Được mấy cô bên nội giúp, ông Thạnh vét hết số tiền chắt chiu hơn chục năm mua xe, dàn máy vi tính cho con. Còn quần áo của ông chừng nào rách quá không mặc được nữa mới dám mua đồ mới. Có khi ông vá lại mấy bộ đồ rách hoặc khâu lại đôi dép đứt quai. “Tết nào mình cũng nói cha mua đồ mới nhưng cha không chịu.

Cha bảo đồ cha còn mới lắm, dành tiền mua cho tụi con chứ đồ hai đứa cũ hết rồi - Xuân Hồng xúc động kể - Đến bây giờ cha vẫn nhường thức ăn cho hai chị em Hồng. Cha hiền lắm, chưa bao giờ nóng giận, lớn tiếng. Mình lỡ làm sai cái gì, cha chỉ im lặng là mình đã sợ chết khiếp rồi”. Đôi mắt Hồng thoáng nhướng lên căn gác lửng nhỏ xíu, chật chội. Đó là phòng ngủ của ba cha con Hồng hơn chục năm nay, ấm áp biết chừng nào.

Theo My Lăng/ Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.