Nhiều người mỗi khi nhớ bài thơ Bạn đến chơi nhà đều cười tủm tỉm bởi cụ Nguyễn Khuyến... hà tiện quá. Đồ ăn thức uống trong nhà thoạt nghe cái gì cũng có, nhưng đón bạn rồi gãi đầu phân bua kiếm ra món nào cũng khó.
Cụ Nguyễn Khuyến có lẽ đùa với bạn cho vui, song với chuyện vườn rộng khó nỗi bắt gà thì rất thật.
Ở quê tôi, gà vườn được nuôi nhốt theo kiểu như sau: tầm năm giờ chiều đàn gà thủng thỉnh vào chuồng và tối đa tới sáu giờ, cửa chuồng khép lại. Qua đêm, sáng chủ nhà dậy lúc nào thả gà ra lúc đó. Thường người nông dân dậy rất sớm nên gà cũng được rời chuồng từ lúc hừng đông.
Gà vườn đúng nghĩa, suốt ngày sẽ tự kiếm ăn trong vườn rộng. Ban ngày, gà rất tinh mắt, chúng nhìn thấy hầu hết côn trùng có thể ăn. Nếu được thêm rào thưa càng thoải mái, bầy gà tràn sang “tấn công” vườn hàng xóm. Cứ thế, gà đi bươi suốt ngày, nhiều lúc cả chủ gà lẫn hàng xóm muốn điên cái đầu. Luống cải mới gieo, những hạt giống như bắp, đậu vừa bám đất sau đêm mưa, thậm chí hũ gạo đậy sơ sài trong chái bếp, hở ra một chút là bọn gà... làm láng.
Nói rằng khó đuổi (bắt) gà mỗi khi khách đến đột ngột là có lý. Ban ngày gà đi tứ tán khó truy lùng, chỉ đến buổi tối mới tụ tập đầy đủ về chuồng. Ở quê tràn đầy tình nghĩa với nhau, chẳng ai xấu bụng đến nỗi “chôm” một con gà hàng xóm đem nấu cháo. Phần nữa, gà ai cũng có, vườn ai cũng có, trong chuồng nhà mình đã đủ không ngó sang chuồng hàng xóm làm chi.
Nhớ thuở ấu thơ, căn nhà nhỏ của chúng tôi có “con đường” rất nên thơ dẫn vào, ai đã bước đi trên đó thật khó lòng quên được. Hai hàng me non xanh mướt được ba tôi cắt tỉa chút đỉnh tạo dáng, từng lá me run run trong gió thổi quanh năm. Nồi canh chua gà vườn nấu lá me non nóng hổi, món ăn bình dị “không đáng để ý” ngày nào, lại trở thành món đặc sản mà sau này đi đến đâu cũng nghe người ta nói. Ngẩn ngơ, nhớ, xuýt xoa, và chảy nước mắt trong một chiều mưa lạnh chỉ vì... thèm.
Lại nói về món gà xé trộn rau răm mà hồi xa xưa một tí, con gà trống luộc thường trực mâm cơm cúng tất niên của nhà tôi. Nói mâm cơm nhưng thực ra là mâm xôi với thịt gà luộc là chủ yếu. Thuở ấy chúng tôi có nhà máy xay lúa nho nhỏ ở làng, cúng tất niên trong việc kinh doanh với “quy mô” gia đình, nên khá đơn giản. Thường thì ngoài con gà được chọn cúng, cái rổ ở bếp cũng sẵn vài con khác, để cúng kiếng xong xuôi đâu đó thì ra tay làm món gà xé trộn rau răm, ăn kèm xôi nếp mới, tô nước mắm gừng ớt vừa thơm vừa cay xé lưỡi.
Ăn gà luộc mới cảm nhận được hết vị thơm ngon, hơi dai thịt, nhai miếng thịt nạc nước béo tứa chân răng dù không hề bám mỡ (gà đi bộ quanh năm làm sao có mỡ!). Trên bếp lửa liu riu, nồi cháo gạo rang nấu với nước gà luộc cứ sôi từ từ. Đàn ông dùng chén cháo vào cuối bữa tiệc để giải cảm giã rượu. Phụ nữ ít ăn xôi, dành bụng ăn cả một tô cháo vì cháo dễ tiêu. Trẻ con được người lớn ưu ái múc thêm vào chén chùm trứng gà non béo ngậy...
Bạn, tôi, và những ai đã từng ăn thịt gà vườn thứ thiệt, sẽ rất dễ dàng bỏ qua những tiệm gà rán nơi thành phố. Nó có thể rất “Tây”, nó thừa sang trọng, có điều món gà bở thấm đẫm gia vị không thể làm nên lời phân bua dí dỏm: “Vườn rộng rào thưa...”.
Đăng Khôi
>> Thịt gà xé phay lá hẹ
>> Cứu hộ con gà
>> Thuốc quý từ gà ác
Bình luận (0)