Gác 2 bằng đại học, về quê làm cho đất hoang hóa 'đẻ ra tiền'

15/07/2022 18:34 GMT+7

Gác 2 bằng đại học sư phạm tin học và kỹ sư trồng trọt, anh Nep Rino (31 tuổi, ngụ xã Núi Tô, H.Tri Tôn, An Giang ) về quê phát triển vườn rừng, làm cho khu đất hoang hóa 'đẻ ra tiền'.

Mạnh dạn khởi nghiệp trên đất hoang hóa

Dẫn chúng tôi đến khu đất đồi rộng gần 5 hecta dưới tán rừng phòng hộ, chỉ tay về những giàn nho rừng, cây ăn trái ngắn ngày như đu đủ, chuối sáp… sum xuê trái, anh Rino hào hứng cho biết với sự nỗ lực của bản thân, khu đất hoang hóa ngày nào nay đã “đẻ ra tiền”.

Khách nước ngoài tham quan mô hình làm vườn rừng theo hướng thuận tự nhiên của anh Rino

DUY TÂN

Anh Rino kể, năm 2014, sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm tin học và kỹ sư trồng trọt tại Trường ĐH An Giang, anh ly hương, làm việc văn phòng với mức thu nhập ổn định. Đến 2019, nhận thấy công việc văn phòng không hợp với bản thân, anh quyết định trở về quê nhà và bắt tay cải tạo khu đất rộng 5 hecta nằm dưới tán rừng phòng hộ núi Tà Pạ.

Thời gian đầu, anh Rino gặp nhiều thử thách bởi khu đất bỏ hoang lâu ngày, cây cỏ mọc um tùm và chưa chủ động được nguồn nước tưới. Đặc biệt, nguồn tài chính hạn chế và chi phí bù lỗ cho giai đoạn đầu khởi nghiệp khiến anh mất ăn, mất ngủ.

Sau giờ làm việc mệt nhọc, anh Rino có những phút thư giãn bên khu vườn

DUY TÂN

Nhờ kiên trì, quyết tâm khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương, anh Rino chọn những loại cây thích hợp thổ nhưỡng, áp dụng kỹ thuật chăm sóc cây đậu trái trên vùng đồi núi. Anh cải tạo đất, xuống giống đúng thời điểm để đón nước mưa giúp cây phát triển tốt.

Anh Rino phát triển trồng vườn rừng, trồng cây ăn trái theo hướng thuận tự nhiên, hoàn toàn không sử dụng thuốc hóa học để bảo vệ rừng. Nguồn vốn hạn chế, anh anh lấy ngắn nuôi dài, trồng các loại cây ngắn ngày như: chuối sáp, đu đủ, ổi…

Những cây ngắn ngày như chuối sáp, đu đủ đem lại thu nhập khá

DUY TÂN

Sau 3 năm phát triển mô hình, nhờ hiệu quả từ cây ăn trái ngắn ngày mang lại, anh có đủ vốn để mua cây giống sầu riêng, bưởi, xoài keo, chúc, chanh… về trồng và đang phát triển tốt tươi.

Thu nhập trăm triệu mỗi năm

Nho rừng được khai thác bán trái

DUY TÂN

Hiện tại, khu vườn của anh Rino cho cho thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm từ các loại nông sản. Để đầu ra rộng mở và ổn định, anh không chỉ bán tại chợ địa phương mà còn bán trực tuyến và cung cấp cho các cửa hàng nông sản sạch. “Hiện các loại cây ăn trái đặc sản đang phát triển tốt, hứa hẹn thời gian tới sẽ cho vụ mùa bội thu, nhờ đó thu nhập sẽ tăng cao hơn”, anh Rino kỳ vọng.

Chuối sáp cho trái sum xuê

DUY TÂN

Sắp tới, anh hướng đến phát triển khu vườn trở thành nơi nghỉ dưỡng, nông trại để du khách có thể thưởng thức trái cây hữu cơ và trải nghiệm không khí trong lành tại hồ Tà Pạ.

Mô hình vườn của anh Rino lan tỏa, thu hút nhiều nông dân trở lại canh tác đất hoang

DUY TÂN

Nhờ mô hình hiệu quả, anh Rino được xem là thanh niên trẻ tuổi tiêu biểu ở địa phương khởi nghiệp bằng phương châm vừa giữ rừng vừa khai thác giá trị kinh tế. Anh đã truyền cảm hứng và cách làm để bà con bắt tay trở lại làm nông nghiệp sạch từ những khu đất hoang hóa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.