Gác kèo ong ở rừng U Minh Hạ

19/07/2012 08:40 GMT+7

Mật ong là một loại sản vật quý giá mà rừng ban tặng cho con người. Để có những giọt mật ngọt lịm, thơm ngon bổ dưỡng, đòi hỏi người thợ rừng phải mất nhiều thời gian, công sức cũng như kinh nghiệm.

Nhiều thợ “ăn ong” ở rừng U Minh Hạ cho biết, vào tháng 11 - 12 hằng năm là lúc bông tràm nở rộ, các loài ong bay về chọn những nhánh tràm nằm xiên để đóng tổ. Biết quy luật này, cư dân rừng tràm nghĩ ra cách dẫn dụ ong làm tổ lấy mật, gọi là gác kèo ong. Kèo được làm đơn giản, người thợ rừng chặt một đoạn cây tràm thẳng, to cỡ bắp chân người lớn, dài chừng 2 – 3 m, phơi khô. Trước khi mang vào rừng kèo, thường thoa một lớp sáp ong để mời gọi ong trinh sát. Người thợ chọn hướng gió, ánh nắng mặt trời, đường bay của ong, gác kèo chếch cỡ tầm đầu người. Đặc biệt, gác phải đúng kỹ thuật ong mới chịu làm tổ và cho mật nhiều. Nơi làm tổ thường là những vạt đất cao ráo, gần mép nước, không có cây cối um tùm, xung quanh phải có cây tràm xanh tốt để ong lấy mật. Sau khi chuẩn bị xong mọi thứ, thợ “ăn ong” phải xóa hết dấu vết, vì bị động, ong sẽ không đến “ốp” (làm tổ). Với người thợ dày dạn kinh nghiệm, gác kèo xong là họ có thể đoán được khi nào ong đến ốp và thời gian nào quay lại để “ăn ong”.

Ong vừa là nhà kiến trúc, vừa là nhà thiên văn, địa lý, khoa học. Ong thường xây tổ với chiều cao thích hợp. Tổ được xây hình lục giác, diện tích vừa đủ để ở. Ong chúa thường ở nơi cao nhất, mục đích là giữ bí mật và cảnh giới kẻ thù. Gia đình ong tổ chức hoạt động rất quy củ, phân công rõ ràng. Tất cả các thành viên đều làm việc cần mẫn, ong nào việc nấy, không chồng chéo, trách nhiệm được giao phải hoàn thành. Đây có thể được xem là bộ máy hoàn chỉnh của một xã hội thu nhỏ.

 u minh
Thợ “ăn ong” đang dùng bùi nhùi xua đàn ong để lấy mật - Ảnh: Huỳnh Lâm

Ông Lê Văn Phán, thành viên của tập đoàn phong ngạn kể về kinh nghiệm lấy mật ong: “Thường thì sau 15 ngày kể từ khi ong xuống làm tổ sẽ cho đợt mật đầu tiên (mỗi lần lấy mật gọi là một dao). Sau đó, cứ khoảng 10 ngày lấy được dao kế tiếp. Nếu biết chăm sóc tốt, có thể cắt 3 - 4 dao”. Theo ông Phán, cách lấy mật không khó. Chỉ cần một chiếc gùi, cái hộp quẹt, nhúm bùi nhùi bằng xơ dừa, hay vỏ tràm khô, một con dao (bằng thanh tre) và chiếc mạng che mặt. Kinh nghiệm cho thấy, dùng dao bằng kim loại ong sẽ bỏ tổ. Sau đó, người thợ chọn vị trí thuận tiện, phía đầu gió mà đốt đuốc, đôi khi dùng sào dài đưa đến gần tổ. Gặp khói cay, ong túa ra bay theo chiều gió xuôi làm trơ ra khúc mức chứa đầy mật, căng phồng treo lủng lẳng phía dưới kèo. Thợ dùng dao xăm thông tổ ong cho mật chảy ra, rồi dùng chiếc thùng nhựa (thúng ong) hứng phía dưới. Mật ong nguyên chất, đặc sệt vàng óng tuôn ra đến khi nào hết mật mới thôi. Bấy giờ, chỉ còn lại cái tổ đầy ong non nằm đều đặn trong mỗi lỗ hình lục giác. Lúc lấy mật, bao giờ người thợ cũng chừa hậu (để lại một ít sáp trên kèo).

Nhằm tránh sự bất cẩn có thể làm cháy rừng do tàn lửa rơi, hiện giờ người thợ rừng đã cải tiến bình hun khói, giống như chiếc khèn lá của người Tây Nguyên làm bằng thiếc, có thể điều chỉnh lượng khói vừa đủ để xua ong bay khỏi tổ. Khi khói tỏa ra, thợ chỉ việc dùng dao cắt một nhát thật gọn từ đầu khúc mức kéo dài xuống tấm tàng chừng 5 tấc, rồi lẩy dao theo hình chữ L để lấy trọn khúc mức cho vào gùi đeo sau lưng. Thợ dùng dao cắt tiếp tấm tàng có ong non trắng phếu để làm thức ăn đãi khách. Món ong non chấm mật ong vừa béo, vừa ngọt hay món ong non chiên dòn, chiên bột, làm gỏi củ hũ dừa… nhấm nháp cùng vài ly rượu đế thượng hạng sẽ làm “say” lòng khách.

Một tổ ong bình quân cho từ 4 - 6 lít mật, đặc biệt có những tổ to cho hàng chục lít. Mỗi thợ “ăn ong” sau mùa gác kèo thu về hàng trăm lít mật. Mật ong mang hương vị đặc trưng của hoa tràm, được sử dụng rất nhiều trong y học. Mật ong là đặc sản quý giá nhất của rừng U Minh, được nhiều người tin dùng và ưa thích. Hiện nay, với giá bình quân khoảng 100.000 đồng/lít tại rừng, mỗi gia đình thu về sau mùa gác kèo ong hàng chục triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập không nhỏ đối với cư dân rừng tràm U Minh Hạ.  

Chí Hạ

>> Rừng U Minh Hạ lại cháy
>> Cháy trên 40 ha rừng ở Phú Quốc, U Minh Hạ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.