|
Sáng chủ nhật nên tiệm đông khách. Có người lấy điện thoại ra bấm bấm. Có người lơ đãng với tờ báo trên tay. Có người hí hoáy móc tay vào mũi, quẹt nhẹ lên tường... Khách kín đáo liếc Muỗi thêm lần nữa, trước khi hất mặt hỏi cô gái chủ tiệm, dĩ nhiên là khá thân quen mặt mũi nhau rồi:
- Đào mới à?
- Dạ, con nhỏ ở miền Tây mới lên, có gì anh Hai nhớ ủng hộ em út với nghen!
Tiệm cắt tóc gội đầu lấy ráy tai mà khẩu khí chẳng thua gì quán bia ôm. Khách hơi khó chịu trong lòng, không phải vì bị gọi là anh Hai, mà bởi hình như cô gái mới đến kia không hiểu hết nội dung câu trao đổi vừa rồi, vẫn ngước lên nửa đàn bà nửa ngơ ngác…
Muỗi có đôi bàn tay với những cái ngón dài hơi ram ráp chứ không được mềm rượi như của các cô gái ở đây. Phân nửa các cô thợ trong tiệm này, khách đã từng thử qua. “Thử” theo nghĩa nào, thì dĩ nhiên chỉ khách và thợ hiểu. Khách không có thói quen hỏi tên thợ, ngay cả khi tại tiệm hay ở địa điểm nào khác. Nhưng lần này, khách thấy mình phá lệ:
- Tên Muỗi vậy có biết chích hay không đây?!
Muỗi không bất ngờ trước câu trêu chọc khá quen thuộc đó. Muỗi cũng chẳng biết vì đâu mình mang cái tên ít đụng hàng này. Cô không nói gì, cũng chẳng phác một cử chỉ mỉm cười như lẽ thường sẽ thế. Muỗi tập trung vào những công đoạn phục vụ thượng đế của mình.
Thượng đế gội đầu. Cạo mặt. Không lấy ráy tai. Ý nghĩ là mình sẽ nằm im thin thít cho một cô gái như Muỗi rọi đèn, khều khều móc móc, quét quét quệt quệt cái ngóc ngách nhỏ bé và bí ẩn của mình làm khách không mấy hào hứng. Bù lại, khách yêu cầu được Muỗi đấm bóp vai và đầu cho mình.
Không hẳn là quá thuần thục, nhưng cảm giác vừa ý và dễ chịu thấy rõ. Khách thoải mái nằm dài trên cái ghế êm mượt, tận hưởng những giờ khắc thư giãn sung sướng của mình:
- Học nghề hồi nào đó Muỗi?
- Dạ, hôm qua.
Khách nhìn thẳng vào khuôn mặt cô gái mang tên một thứ sinh vật đáng ghét, như thể tìm trong đó bao nhiêu phần trăm là xỏ lá nói đùa. Muỗi miết hai đầu ngón tay, ấn xuống hõm vai có phần rắn cứng của khách, chịu đựng ánh mắt xoi xói đó không chút nửa vời.
Muỗi không nói xạo. Chiều ngày hôm kia, khi bà cò việc làm ở bến xe dắt Muỗi “gả” cho chị chủ tiệm cắt tóc gội đầu máy lạnh, Muỗi chỉ biết đơn thuần gội đầu có nghĩa là cúi xuống, xõa mái tóc dài ra đằng trước, rồi múc từng gáo nước đổ lên mà gội. Hoặc ẵm trên tay rồi dùng cái khăn sữa nhỏ xíu bằng vải mùng mà xoa nhè nhẹ nhè nhẹ lên cái đầu loe ngoe ít sợi tóc của một đứa trẻ, chẳng hạn. Chứ cầm bình xịt lên tóc của một người đàn ông khỏe mạnh đang nằm dài ra đợi mình phục vụ một việc thuộc dạng cơ bản, sau đó thoa dầu gội, rồi cào, rồi miết, rồi bóp rồi xoa hơn ba mươi phút, thì quả là, Muỗi chưa bao giờ tưởng tượng ra.
- Làm kỹ làm lâu đặng kiếm tiền bo hen?!
Cô gái sở hữu đôi mắt to và sắc dưới hàng mi nối cong vút đi ngang qua, tiện thể buông một câu nhẹ bâng, chủ ý rõ ràng là hướng về phía Muỗi. Chủ tiệm khẽ liếc qua, bắt gặp cái nhìn của khách quen đang tê mê dưới đôi bàn tay của Muỗi. Chủ chỉ có thể mỉm cười hài lòng.
Đôi mắt to dưới hàng mi nối đó nhiều lần dành cho Muỗi cái nhìn thiếu thiện cảm không giấu giếm. Thứ đồ nhà quê xấu xí cục mịch. Thứ mới mò mẫm học nghề mà bày đặt chảnh chó. Thứ ngu dại thế nào cũng phải tha hồ trả giá. Những ngôn từ lồ lộ ấy Muỗi đọc thấy nhưng tảng lờ như không hiểu.
Câu nói xỏ xiên của mi nối tất nhiên không lọt qua khỏi đôi tai chẳng cần lấy ráy vẫn tinh anh tốt tướng của khách. Khách dường như cố tình trêu ngươi, lúc chìa tờ giấy một trăm ngàn ra bo cho Muỗi, có vẻ như đã phất phơ nó ra quá mức cần thiết cho mi nối nhìn thấy. Muỗi sững sờ nhìn tờ tiền. Muỗi chưa hiểu hết, bo nghĩa là sao, khi chị chủ tiệm tính hết mọi khoản tiền công cũng chỉ trăm ngàn. Thêm một trăm ngàn cho riêng Muỗi, thật à?
Thợ ở lại thì ngủ chung trên cái gác suốt trải gỗ cứng quèo. Không nệm, nhưng có chiếu. Đêm, Muỗi trở mình quần quật, xa xót nhớ một hơi ấm bé nhỏ quen thuộc... Vẻ thờ thẫn của Muỗi trở thành cái gai cho tóc nửa vàng nửa đen càu nhàu. Tóc nâu nhuộm tông số bốn và mi nối cũng ngủ lại. Mi nối thường nằm quay lưng lại với Muỗi, và chẳng hiểu sao, Muỗi cứ cho rằng, những khuya như thế, mi nối đang khóc. Khóc thầm khóc lén không ra tiếng. Cái dáng nằm khổ sở ấy chẳng phải là đang đau buồn đó sao? Muốn hỏi han hay chí ít là chạm vào mi nối, Muỗi lừng khừng sợ cái ánh nhìn tròn và sắc lẻm, sợ cả những câu nói chẳng biết vì đâu mà đầy cay nghiệt. “Tính chị ấy như vậy, Muỗi đừng để ý. Chắc vì chị ấy có nhiều tâm sự riêng nên buồn”. Trước câu an ủi có vẻ hiểu biết của tóc nâu nhuộm tông số bốn, Muỗi vẫn không sao nguôi được thắc mắc, người ta ai cũng phải có những bí mật đau đáu nào đó khi làm cái nghề hớt tóc máy lạnh này, thật sao?
Sau tám giờ, là tiệm đóng cửa, nhưng còn khách thì vẫn làm. Mi nối bâng quơ bảo, lúc Muỗi xì xụp bưng tô hủ tiếu gõ, làm cho cố, nhịn ăn nhịn mặc để nuôi giai à? Muỗi ngạc nhiên chẳng dám thể hiện sự chua xót ra mặt. Cái câu chửi đổng của “đồng nghiệp” ấy, chắc vô tình thôi, mà làm Muỗi đau biết chừng nào.
Thợ dọn dẹp, tắm rửa xong là đã mệt nhoài. Chỉ có đi chơi mới mong lại sức. Tóc nâu nhuộm tông số bốn nói thế. Nên khuya nào, gác gỗ cũng vắng teo, thi thoảng có khi đến sáng mới có đứa lò dò về. Mặt mũi phờ phạc như thể cả đêm thức trắng. Nửa vàng nửa đen hất hàm hỏi, nhận lại câu trả lời thực đến tê người:
- Hồi đêm ngủ với thằng hôm bữa bo năm chục ngàn đó!
- Mẹ nó, tao chúa ghét cái thứ đã thô bạo lại còn ky bo ấy. Mày ngu vừa thôi. Tưởng mình được đối xử khác à?
- Kệ cha tao. Tháng này chưa có tiền gửi về cho bà già nữa. Hẻo quá!
Muỗi giả vờ không hiểu hết đoạn trao đổi đó. Chỉ thấy nửa vàng nửa đen bĩu môi làm động tác kinh tởm, còn đứa vừa đi qua đêm thì vừa ấm ức như bị lừa, lại vừa tỏ ra quê độ như thể ăn phải của ôi thiên hạ đã nếm thử.
***
Khách còn bo cho Muỗi thêm nhiều bận nữa, mỗi lần đều là tờ một trăm phất phới. Khách năng tới tiệm, hầu như tuần nào cũng ghé. Khách trở thành một trong những mối ruột hiếm hoi của Muỗi. Những cái tin nhắn kín đáo túc tắc qua lại, đủ để Muỗi biết sơ lược rằng, khách nhà cũng gần tiệm thôi, làm “nghề tự do”, có vợ có con rồi. Khách chẳng hỏi, nên Muỗi cũng không phải thổ lộ những điều mà thâm tâm cô muốn giấu kín.
Mưa tầm tã xuống cái mái tôn. Lộp độp, thê thiết. Mi nối tối nay cũng ở nhà. Nó nói phong long mà không nhìn Muỗi:
- Đừng có thấy lấp lánh mà tưởng là vàng.
Thấy ai nấy im lặng, ngay cả cô gái tóc nửa đen nửa vàng cũng làm như đang chú tâm vào việc dùng cọ vẽ từng cái móng cầu kỳ, mi nối nói tiếp, đầy miệt thị:
- Có ngon thì đừng có làm cái nghề này. Đã dấn thân vô thì đứa nào rồi cũng như nhau thôi, cảnh vẻ gì. Khóc hận cũng là bình thường!
Đó là khi Muỗi vừa bấm cái tin từ chối. Khách rủ Muỗi đi cà phê. Hẹn sẽ qua đón. Muỗi lúng túng với cái điện thoại, tưởng như mi nối có thể đọc được nội dung trên cái màn hình kia vậy. Càng bối rối bởi cái câu văn vẻ nhiều ngụ ý kia được thốt ra từ miệng của mi nối, kẻ chuyên gây hấn với chị em chung tiệm, dù với khách hàng, mi nối cũng ngọt ngào lả lơi hiếm ai bằng. Chẳng hiểu sao, Muỗi thấy mi nối có vẻ ghét mình nhiều nhất. Khách từng là “hàng thải” của mi nối, lẽ nào?
Khách cao ráo lịch lãm, chưa từng cố tình đụng chạm vào Muỗi lần nào, dù có khi trong căn phòng kín đáo phía sau, nơi khách nằm dài cho Muỗi xả sạch dầu gội trên đầu xuống, chỉ có hai người. Khách làm Muỗi yên tâm và có chút cảm tình. Dù sau dăm ba tháng làm ở tiệm, Muỗi thừa biết, cái công việc chính ban ngày ở đây chỉ là phương tiện để những người đàn ông đi cắt tóc ráy tai gặp gỡ và hẹn hò với những cô gái như Muỗi. Tóc nửa đen nửa vàng, tóc nâu tông số bốn… và có lẽ cả mi nối nữa, đều tích cóp khoản tiền về quê chủ yếu vào những buổi tối về khuya, thậm chí về sớm đây mà…
Vậy mà, Muỗi cuối cùng cũng ra ngoài gặp khách. Hôm ấy, Muỗi điện thoại về nhà và không gặp được người muốn gặp, dù chỉ để nghe mấy tiếng u ơ, bập bẹ. Người nhà bảo, bố đứa trẻ đã qua tìm, ẵm nó bỏ đi đâu rồi, không rõ. Muỗi bần thần ngắt điện thoại, chỉ muốn về quê ngay tức khắc. Thế nhưng, khi thu dọn mớ đồ ít ỏi bỏ vào trong cái giỏ xách cũ kỹ đi mượn lúc lên đây, Muỗi chợt nhớ tới những cơn dằn hắt vì thiếu ăn thiếu mặc, những cạnh khóe ngu đần dại dột hư hỏng dành cho mình ngày cũ, và biết rằng, dù có chịu thêm tủi nhục ở đây mà có thể kiếm được tiền gửi về, vẫn còn tốt hơn gấp bội phần so với việc quay lại tay trắng. Trẻ con có tội tình gì mà phải chịu đói rách, Muỗi ơi!
- Em có một đứa con nhỏ ở quê. Em cần tiền để lo cho nó. Nếu anh có thể cho em vay một ít, em về tìm gặp con rồi sẽ lên ngay…
Muỗi bỏ lửng câu nói. Muỗi tin là khách hiểu. Quán về khuya khá vắng, và Muỗi, sau khi hỏi thẳng, “Anh thích em phải không?” để nhận được cái gật đầu thú vị, đã bày tỏ chút lòng nhờ cậy chân thật.
Khách nhìn Muỗi, tưởng chừng như đang ước lượng xem trong câu kể lể kia có mấy mươi phần trăm là sự thật. Rồi chậm rãi thư thái, khách hỏi:
- Hồng bày cho em mấy câu vừa rồi để kiếm tiền à?
Hồng là tên của mi nối. Ngay lúc ấy, Muỗi chợt hiểu ra, vì đâu mi nối có vẻ ghét mình. Vì sao mấy câu tưởng như cay nghiệt kia, mi nối chẳng dành cho ai khác, mà lại nhăm nhăm đánh động với riêng mình Muỗi.
Muỗi về khi cánh cửa tiệm còn chưa đóng hẳn. Bên ngoài đã hiu hắt lắm rồi, nhưng trong căn gác, mọi thứ tưởng như chẳng còn giống như lúc Muỗi quyết định đi khuya lần đầu. Mi nối lảng vảng lên xuống, dường như sốt ruột chờ ai đó. Thấy Muỗi về, mi nối cũng khóa cửa rồi theo chân Muỗi leo lên. Dù không nhìn lại, Muỗi cũng thừa biết, mi nối đang quan sát mình.
- Con tui ở quê mới bị ba nó qua bắt lại. Hồi đó phía bên họ không nhận con, nhận cháu. Nhà kẹt quá, mới theo bà cò việc làm lên đây kiếm chút đỉnh gửi về.
Ngưng lại một chút để thở, Muỗi nói tiếp, dường như với chính mình. Bất chấp ánh đôi mắt tròn và to dưới làn mi nối sững lại vì bất ngờ bị Muỗi “lật bài”. Bởi vì gác gỗ tối nay chỉ có mình Muỗi. Tóc nửa vàng nửa đen, tóc nâu tông số bốn đều đi vắng cả. Chỉ còn lại mi nối. Mà mi nối, thì nghĩ mà coi, đã bao giờ tỏ ra ưa Muỗi đâu nào!
- Đàn bà con gái như tụi mình, không học hành nghề nghiệp, lại ngu ngốc cả tin, ai cũng khổ như ai hết, phải không Hồng?
Mi nối khóc. Lần đầu tiên không ri rỉ giấu giếm, mà thỏa thuê tràn nước mắt. Ngay trước mặt Muỗi.
Truyện ngắn của Hoàng My
>> Lần này, lần trước - Truyện ngắn của Hoàng My
>> Tối lạ" - Truyện ngắn của Hoàng My
Bình luận (0)