Gác nhỏ, ngõ nhỏ... cà phê ở đó!

06/05/2018 09:05 GMT+7

Những quán cà phê trên gác trong ngõ nhỏ ở Hà Nội, theo họa sĩ Lê Thiết Cương, chính là nơi ôm ấp tinh thần văn hóa của Hà Nội xưa.

Khi cà phê Giảng ở Hàng Gai (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) không còn nữa, họa sĩ Hà Nội gốc - Lê Thiết Cương lại tìm quán cùng tên trên phố Nguyễn Hữu Huân. Sau khi bán căn nhà xưa để chia thừa kế, ông Hòa, người em trai trong gia đình cà phê Giảng đã mua nhà mới.
Ông cũng không chuyển đi quá xa con phố cũ mà chỉ dịch chuyển một chút thôi, đủ để vẫn gần hồ Hoàn Kiếm. “Cà phê Giảng ở Nguyễn Hữu Huân, tôi vừa đến đã có bạn rất ân cần hỏi anh vào uống cà phê à để em dắt xe. Rồi bạn ấy dắt xe đi gửi ở đâu không biết. Tôi đi vào ngõ bé xíu tưởng quán ở trong sân hóa ra là lên gác 2”, ông Cương nhớ lại.
Ở Hà Nội, có nhiều quán cà phê phải chui vào ngõ, leo lên thang như thế. Thậm chí, nó cho cảm giác bất ngờ không thể tưởng tượng nổi khi không gian của quán ùa ra. Bar Betta ở Cao Bá Quát là một quán như vậy. Đường lên quán khá dốc và hẹp, hai người tránh nhau còn khó. Nhưng khi tới nơi là rất nhiều không gian nhỏ thông nhau, với phong cách nội thất đáng yêu.
Từng chiếc ghế, từng chiếc ghế đều với kiểu dáng và vải bọc được đặt riêng cho không gian này. Cà phê Cộng cũng có một địa điểm trên phố Nguyễn Xí. Ở đó, có thể nhìn xuống phố Tràng Tiền, con phố đẹp nối thẳng đến Nhà hát Lớn. Cùng trục đường đó, phố Tràng Thi cũng có nhiều quán xinh xắn trên gác cao nhìn xuống hồ Gươm…
Một người anh em khác của cà phê Giảng Nguyễn Hữu Huân là cà phê Đinh trên phố Đinh Tiên Hoàng. Khách quen của quán hẳn không thể quên cảm giác va vào ba lô, túi của cửa hàng tầng một khi len vào ngõ để lên tầng hai. Ở trên đó, có cà phê ngon và cả một không gian đẹp mở ra hồ Gươm nữa.
“Tôi vẫn nhớ mình thích nhất là được ngồi ban công. Nếu không cũng ngồi gần ban công. Còn phía trong thì không thích bằng nhưng cũng rất thích. Cảm giác về Hà Nội xưa thật xưa”, chị Hương Lan, thế hệ 7X, chia sẻ.
Chủ quán và không gian hoài cổ
Nhà văn Nguyễn Việt Hà, người nhiều năm viết tản văn về Hà Nội, cho rằng việc những quán trên cao trong ngõ đông khách không hẳn do cà phê ngon không chịu nổi. “Ông Giảng ngày xưa có cà phê trứng nhưng giờ nó có capuchino cũng nhang nhác vị. Nên theo tôi cuối cùng quán đông vẫn là chuyện không gian, giữ gìn được không gian xưa đấy. Làm thế nào để ai cũng cảm nhận thấy không gian hoài cổ đó”, ông Hà nói.
Căn gác nổi tiếng nhìn ra hồ Gươm của cà phê Đinh Tiên Hoàng Ảnh: Ngọc Thắng
Chính vì thế, ông Hà cho rằng, nếu đã có được phong vị phố cổ, thì quán có thể cũng chẳng cần phải ở phố cổ. “Tôi đã từng vào những quán rất xa ở Trung Hòa Nhân Chính (Q.Cầu Giấy, Hà Nội). Tôi thấy cũng có cảm tình với nó. Đó là quán do người ở phố cổ làm. Cái chính là không gian tạo ra, và chủ quán giữ gìn quán ra sao. Chứ nếu giữ được không gian kiểu bố truyền cho con, con truyền đến cháu thì không nhất thiết nó phải đóng đinh ở phố cổ.

Tóm lại là không khí, chủ quán rất quan trọng”, ông Hà nói. Tuy nhiên, ông cũng công nhận cảm giác leo thang hun hút ở các quán trong ngõ trên gác nổi tiếng rất hấp dẫn khách quen, như một thứ bùa mê.
Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng các quán cà phê ở sâu trong ngõ rồi đi lên tầng hai ở Hà Nội, nó là đặc trưng văn hóa Hà Nội. “Có lẽ bởi vì Hà Nội cũng nhiều ngõ ngách, nhiều gác. Thứ nữa là lối sống ở đây vẫn tĩnh hơn, ít nhất là so với Sài Gòn hoặc các thành phố du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng… Hà Nội có nhiều căn gác cổ hoặc cũ chứ không chỉ trong phố cổ đâu. Ngay cả phố Tây cũng có cà phê gác. Có thể ở Đà Nẵng họ cũng muốn có cà phê trên gác như thế nhưng thành phố nó quá sôi động, lại toàn mới thôi. Nên chất của Hà Nội nó rất đặc trưng, cảm nhận trong không khí”, ông Cương nói.
Để thu hút, theo ông, các quán này luôn có không khí riêng. “Muốn kinh doanh khi có mặt tiền cũng đã phải có không khí riêng thì kinh doanh trên gác càng phải có không khí riêng hơn. Càng trong ngõ, càng trên gác càng cần đặc trưng đó. Chủ quán thường cũng tự ý thức về điều đó rồi. Có cà phê chuyên bày đồ gốm. Có cà phê chuyên để sẵn guitar cho mọi người đến hát. Có cà phê theo lối cổ theo cách thuộc địa xưa. Như đối diện nhà tôi - cà phê Laca (phố Lý Quốc Sư) thì kết hợp sân khấu, đèn đóm. Piano trống để sẵn đó, guitar để khách có thể chơi nhạc với nhau. Và các quán cũng đều rất nhẹ nhàng, ân cần với khách”, ông Cương nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.