Gạch nung… hết thời

12/06/2013 11:10 GMT+7

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có khoảng 2.284 lò gạch nung từ đất sét, mỗi năm cung ứng cho thị trường trên 700 triệu viên. Việc cấm sử dụng gạch nung khiến cho các làng nghề sản xuất gạch gốm tồn tại hàng trăm năm qua ở Vĩnh Long đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có khoảng 2.284 lò gạch nung từ đất sét, mỗi năm cung ứng cho thị trường trên 700 triệu viên. Việc cấm sử dụng gạch nung khiến cho các làng nghề sản xuất gạch gốm tồn tại hàng trăm năm qua ở Vĩnh Long đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Gạch nung sẽ bị khai tử

Vào những ngày này, những ngọn lò sừng sững dọc theo bờ sông Cổ Chiên (H.Mang Thít) không còn phả khói nghi ngút vào không trung nữa. Nhiều ngọn lò cỏ mọc um tùm. Những lán trại trống vắng, rách nát và nhiều máy móc đang rỉ sét…

Gạch nung… hết thời 
Lò tròn truyền thống gây ô nhiễm sẽ bị xóa bỏ trong vài năm tới

Theo ông Vũ Ngọc Tú, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long, ngày 28.4.2010, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 567 phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020. Theo đó, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước bắt buộc phải sử dụng vật liệu không nung theo lộ trình. Tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu không nung kể từ ngày 15.1.2013. Các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu không nung đến hết năm 2015, sau năm 2020 phải sử dụng 100% gạch không nung. Nghĩa là theo lộ trình này thì đến năm 2020, những lò gạch nung sẽ bị xóa sổ.

Trước mắt, để giảm bớt phần nào thiệt hại của làng nghề, UBND tỉnh Vĩnh Long vừa có tờ trình gửi Bộ Xây dựng về lộ trình hạn chế, xóa bỏ sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công ở địa phương. Theo đó, từ nay đến 2015, sẽ tháo dỡ, xóa bỏ 26 miệng lò thủ công tại khu vực thành phố, thị trấn; từ 2016 - 2020 tháo dỡ, xóa bỏ 459 miệng lò ngoài cụm tuyến quy hoạch; sau năm 2020 tháo dỡ, xóa bỏ 1.799 miệng lò trong cụm tuyến quy hoạch; đồng thời đề xuất cho phép giữ lại các lò đã được cải tạo, ít gây ô nhiễm môi trường theo công nghệ sản xuất tiêu chuẩn Việt Nam.

Gạch nung… hết thời 2 
Người thợ này sẽ làm gì khi lò gạch không còn hoạt động?

Sở dĩ có đề xuất này vì hiện nay, trên địa bàn đã và đang hình thành nhiều loại lò cải tiến, như: lò tuynel, lò vòng (lò Hoffman). Trong đó, Công ty TNHH Tân Mai (xã Chánh An, H.Mang Thít) đã đầu tư nguồn vốn khá lớn để xây dựng lò theo công nghệ Hoffman, tiết kiệm  trên 60% lượng chất đốt là trấu, năng suất cao, lượng khí thải ra môi trường đạt yêu cầu. Mỗi dãy lò có thể có nhiều miệng lò, sử dụng lửa đảo, thời gian nung chỉ còn 24 giờ nhờ tận thu nhiệt giữa các lò. Đặc biệt những lò này có thể tận dụng vật liệu xây dựng từ việc tháo dỡ lò truyền thống nên chi phí thấp, giảm giá thành gạch ống xuống còn 270 đồng/viên. “Dù được cải tiến theo công nghệ hiện đại, chất lượng gạch cao, nhưng theo quy định thì sản phẩm của loại lò này vẫn xem là gạch nung, sẽ cấm xây dựng”, ông Bùi Hữu Mai, Giám đốc Công ty TNHH Tân Mai, lo lắng.

Hàng chục ngàn lao động về đâu?

Để duy trì và phát triển làng nghề gạch gốm đã tồn tại hàng trăm năm nay, tỉnh Vĩnh Long đã có dự thảo xây dựng lộ trình chuyển đổi từ lò gạch đất sét nung sang gạch không nung. Theo đó, từ nay đến năm 2015 có 6 dây chuyền sản xuất gạch không nung, với số vốn đầu tư 14 tỉ đồng/dây chuyển và đến năm 2020 sẽ xây dựng hoàn chỉnh 10 dây chuyền sản xuất gạch không nung, với tổng kinh phí 140 tỉ đồng.

Ông Trương Thành Phi, Phó chủ tịch UBND H.Mang Thít, lo lắng:  “Vấn đề chúng tôi lo nhất là công ăn việc làm cho người lao động. Nếu như năm 2010 toàn huyện có gần 16.000 lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất gạch gốm, thì hiện tại chỉ còn khoảng 5.500 lao động làm việc trên lĩnh vực này. Nguyên nhân chủ yếu là các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, nên chỉ sản xuất cầm chừng hoặc ngưng sản xuất. Nếu xóa bỏ lò gạch nung thì việc tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nữa”. Cũng theo lời ông Phi, qua thăm dò ý kiến của các doanh nghiệp về số vốn đầu tư  14 tỉ đồng cho mỗi dây chuyền sản xuất gạch không nung, tất cả đều lắc đầu ngao ngán.

 “Vĩnh Long hiện có 7 làng nghề sản xuất gạch, ngói, gốm mỹ nghệ được công nhận là làng nghề truyền thống. Nếu quyết định xóa bỏ gạch nung thì những làng nghề này cũng sẽ bị xóa trắng”, ông Phi nuối tiếc.   

Thanh Đức

>> Lò gạch “hun khói” QL1A
>> Đóng cửa 8 lò gạch thủ công
>> Hàng loạt lò gạch gây ô nhiễm
>> Nhọc nhằn phu gạch
>> Sống trong khói lò gạch
>> Ngộ độc khí lò gạch, 3 người tử vong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.