Gacha game: Thú vui giải trí hay bẫy chi tiêu thời đại số?

Khải Minh
Khải Minh
05/01/2025 17:55 GMT+7

Dựa vào cơ chế quay số để nhận phần thưởng, gacha game không chỉ mang lại niềm vui mà còn gây lo ngại về chi tiêu của người chơi.

Trong những năm gần đây, gacha game đã trở thành một hiện tượng nổi bật trong làng game thế giới. Với cơ chế "quay gacha" để nhận phần thưởng ngẫu nhiên, dòng game này thu hút hàng triệu người chơi với hy vọng sở hữu các vật phẩm hiếm. Tuy nhiên, gacha game không chỉ mang lại sự giải trí mà còn đặt ra những câu hỏi lớn về tài chính và tính minh bạch.

Gacha game và yếu tố may rủi

Thuật ngữ "gacha" bắt nguồn từ Nhật Bản, ám chỉ các trò chơi sử dụng cơ chế tương tự máy gachapon – nơi người chơi bỏ tiền để nhận đồ chơi ngẫu nhiên. Trong gacha game, người chơi dùng tiền thật hoặc tiền ảo để quay số nhằm nhận phần thưởng, từ nhân vật đặc biệt, vũ khí hiếm đến các vật phẩm trang trí.

Gacha game: Thú vui giải trí hay bẫy chi tiêu thời đại số?- Ảnh 1.

Từ một trò chơi thông thường, gacha đã phát triển thành cơ chế sở hữu vật phẩm, nhân vật một cách ngẫu nhiên trong các tựa game hiện đại

Tuy nhiên, tỷ lệ nhận được các vật phẩm hiếm trong gacha game thường rất thấp. Các tựa game như Genshin Impact, Honkai: Star Rail hay Blue Archive đều sử dụng hệ thống này để giữ chân người chơi và thúc đẩy chi tiêu. Những nhân vật 5 sao hoặc vũ khí hiếm thường chỉ có tỷ lệ xuất hiện dưới 1%, khiến người chơi dễ dàng rơi vào vòng xoáy "quay gacha" liên tục để đạt được mục tiêu mong muốn.

Tâm lý chi tiêu trong gacha game

Gacha game khéo léo khai thác tâm lý người chơi thông qua các hiệu ứng như "đầu tư đã bỏ ra" (sunk cost fallacy). Khi đã đầu tư một khoản tiền hoặc thời gian nhất định, người chơi thường khó từ bỏ vì cho rằng việc tiếp tục quay sẽ mang lại kết quả mong muốn. Điều này tạo nên một vòng lặp chi tiêu không kiểm soát.

Gacha game: Thú vui giải trí hay bẫy chi tiêu thời đại số?- Ảnh 2.

Minh họa về cơ chế banner trong game Genshin Impact, người chơi chỉ có thể sở hữu các nhân vật hiếm bằng hình thức gacha

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Ngoài ra, cơ chế phần thưởng giới hạn thời gian như banner cũng tạo áp lực lớn. Trong Genshin Impact, các nhân vật hiếm chỉ xuất hiện trong vài tuần. Nếu bỏ lỡ, người chơi sẽ phải chờ rất lâu để có cơ hội quay lại. Áp lực từ thời gian và cơ chế này khiến nhiều người cảm thấy "bị ép buộc" phải nạp tiền.

Hệ thống pity system (bảo hiểm thất bại) cũng là một con dao hai lưỡi. Dù nó đảm bảo người chơi nhận được vật phẩm hiếm sau một số lượt quay nhất định, nhưng đồng thời cũng khuyến khích họ tiếp tục chi tiền để đạt đến ngưỡng này thay vì dừng lại.

Niềm vui hay áp lực tài chính?

Mặc dù gacha game mang lại niềm vui cho hàng triệu người chơi, nhưng chúng cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng lo ngại. Một mặt, việc quay gacha tạo cảm giác phấn khích khi người chơi không biết mình sẽ nhận được gì, giống như mở một món quà bất ngờ. Mặt khác, yếu tố may rủi lại trở thành áp lực tài chính đối với nhiều người, đặc biệt là những người chơi trẻ tuổi.

Gacha game: Thú vui giải trí hay bẫy chi tiêu thời đại số?- Ảnh 3.

Số liệu thứ hạng và doanh thu các tựa game di động trên toàn cầu tháng 10.2024

ẢNH: APPMAGIC

Theo báo cáo của Sensor Tower, các tựa game như Honor of Kings đã đạt doanh thu hàng trăm triệu USD chỉ trong tháng 10.2024. Một phần lớn doanh thu này đến từ các sự kiện trong game, nơi người chơi được khuyến khích chi tiêu mạnh tay để sở hữu các vật phẩm hoặc nhân vật giới hạn thời gian. Cơ chế này không chỉ tạo ra sức hút mà còn khiến nhiều người chơi cảm thấy bị "ép buộc" phải chi tiêu để không bị bỏ lại phía sau.

Góc nhìn từ game thủ

Phương Thanh (1998) – Chuyên viên phần mềm chia sẻ: “Tôi thường nạp khoảng 1.5 triệu đồng mỗi lần quay gacha. Khi nhận được vật phẩm mong muốn, cảm giác rất phấn khích nhưng cũng tiếc tiền. Còn khi không nhận được, tôi bực bội và thường nạp thêm với hy vọng ‘gỡ gạc’. Tuy nhiên, sau này tôi đã từ bỏ gacha game vì cần thời gian cho công việc.”

Thanh Hải (1995) – Nhân viên thiết kế thì có cách tiếp cận khác: “Tôi từng chi hơn 3 triệu đồng trong một lần để nhận nhân vật yêu thích. Nhưng tôi luôn tính toán cẩn thận trước khi nạp. Nếu không chắc chắn nhận được, tôi sẽ không chi. Banner giới hạn thời gian dễ khiến người chơi không có kế hoạch dễ bị hiệu ứng sợ bỏ lỡ (FOMO), nhưng với tôi, việc quản lý tài nguyên giúp tránh chi tiêu không cần thiết.”

Gacha game: Thú vui giải trí hay bẫy chi tiêu thời đại số?- Ảnh 4.

Bài viết đăng tải niềm vui khi quay được nhân vật cao cấp – minh chứng cho sự cuốn hút của gacha game.

ẢNH: NVCC

Cơ chế bảo hiểm có thể dẫn đến việc nạp thêm tiền khi gần đạt đủ số lượt quay cần thiết. Việc quản lý tài nguyên và giữ vững mục tiêu là chìa khóa để tránh bẫy chi tiêu.

Game thủ có kinh nghiệm như Thanh Hải đưa ra lời khuyên: “Khi chơi gacha game, hãy xác định mục tiêu rõ ràng để có kế hoạch sử dụng tài nguyên hợp lý, cần hiểu rõ chơi vì sức mạnh nhân vật (meta) hay chỉ để sưu tầm. Đừng bị cuốn vào tâm lý ‘xoay thêm vài lần nữa chắc sẽ trúng’, nếu không đủ tài nguyên, tốt nhất là chờ đợi.” Phương Thanh nhấn mạnh: “Đặt ngân sách rõ ràng và tuân thủ. Đừng để cảm xúc chi phối, nếu không bạn sẽ rơi vào vòng xoáy chi tiêu không hồi kết.”

Cả hai góc nhìn và dẫn chứng đều chỉ ra rằng, gacha game không đơn thuần là một hình thức giải trí, mà còn có thể là là một "bẫy tài chính" nếu người chơi không biết kiểm soát bản thân. Trách nhiệm không chỉ thuộc về người chơi, mà còn đòi hỏi sự minh bạch và trách nhiệm từ phía nhà phát triển game.

Các biện pháp kiểm soát gacha game trên toàn cầu

Trước những tác động tiêu cực, nhiều quốc gia đã ban hành các quy định quản lý nghiêm ngặt nhằm giảm thiểu rủi ro cho người chơi gacha game:

  • Bỉ và Hà Lan: Hai quốc gia này đã cấm hoàn toàn cơ chế mở hộp (loot box) vì xem đây là một dạng cờ bạc. Những tựa game như FIFA buộc phải thay đổi nội dung hoặc loại bỏ cơ chế này khi phát hành tại các thị trường này.
  • Nhật Bản: Đã cấm hình thức yêu cầu thu thập đủ bộ vật phẩm để nhận phần thưởng lớn từ năm 2012 . Tuy nhiên, các hình thức gacha khác vẫn được cho phép với điều kiện công khai rõ ràng tỷ lệ trúng thưởng.
  • Trung Quốc: Bắt đầu từ năm 2017, Trung Quốc yêu cầu các nhà phát triển phải công khai tỷ lệ nhận thưởng và áp dụng giới hạn chi tiêu đối với người chơi dưới 18 tuổi. Thêm vào đó, các cơ chế như "bảo hiểm thất bại" được yêu cầu để đảm bảo người chơi nhận được phần thưởng sau một số lượt quay nhất định.

Tương lai của gacha game

Gacha game vẫn là một xu hướng quan trọng trong ngành công nghiệp game, nhưng sự tranh cãi về mặt tài chính và tính minh bạch sẽ tiếp tục định hình tương lai của thể loại trò chơi này. Để trở thành một hình mẫu kinh doanh bền vững, các nhà phát triển cần minh bạch hơn trong cơ chế và cam kết bảo vệ quyền lợi của người chơi. Với những người tham gia, việc tỉnh táo và kiểm soát tài chính là cách tốt nhất để biến gacha game thành một thú vui giải trí thay vì bẫy chi tiêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.