Game có thật sự gây nghiện như nhiều người vẫn nghĩ hay không? những game thủ bị cho là "nghiện game" cuộc sống của họ diễn ra như thế nào ?
"Nghiện game" đã từng được đánh giá là ngang hàng với nghiện cờ bạc hay thậm chí là nghiện ma túy, đó là thông tin mà đa phần những bậc phụ huynh tin tưởng, vì thế họ ra sức ngăn cản con cái mình tiếp xúc với game. Vào những năm 2012 hay 2013, điều này diễn ra tiêu cực hơn rất nhiều lần, cha mẹ chỉ cần thấy con cái của mình hiện diện ở trong những quán internet là họ đã sợ hãi rằng... con mình sẽ bị nghiện game.
Ngày nay, khi mà thời đại của internet lên ngôi, tình trạng gắt gao ở mức độ kinh khủng đó dường như không còn nữa. Tuy nhiên vào một ngày đẹp trời bữa cơm gia đình đang diễn ra vui vẻ, bỗng dưng tivi lại đưa tin về việc học sinh nghiện game bỏ học, nghiện game giết người, nghiện game trộm cắp,... thì mọi ánh mắt lại đổ dồn về thằng con trai duy nhất trong gia đình. Rõ hơn về vấn đề này, những trường hợp chơi game đến mức mụ mẫm đầu óc mà làm điều điên rồ như báo chí đưa tin thật sự chỉ là một trường hợp ngoại lệ rất rất nhỏ trong cộng đồng người chơi game. Những hành vi như thế bắt nguồn từ việc họ thấy game còn quan trọng hơn cả cuộc đời của mình, họ ruồng bỏ tất cả ở thế giới thực để lao đầu vào thế giới ảo
Tuy là như thế, nhưng đối với các chuyên gia, họ chưa thể gọi đó là "nghiện game", mặc dù game có thể gây nghiện thật và chơi game quá mức có thể dẫn tới nhiều vấn đề về tâm thần, ảnh hưởng tới hành vi xã hội của người chơi game. Có một khoảng thời gian mà việc bổ sung " hội chứng nghiện game" vào danh sách các loại bệnh quốc tế đã gây tranh cãi trên rất nhiều khía cạnh trong nội bộ của tổ chức y tế thế giới WHO.
Cho đến tận gần đây, từ "nghiện" mới được áp dụng cho hành vi chơi game quá mức và mất kiểm soát. "Nghiện" vốn là một thuật ngữ được dành cho việc lạm dụng heroin, cocain, hay những thứ hữu hình mà làm cho cơ thể phản hồi lại một cách điên cuồng. Nghiện còn có nghĩa là "nghiện ngập hành vi", như việc hút thuốc lá, nicotine gây nghiện là có cơ sở của nó, một khi đã quen với việc chìm trong khói thuốc, bạn sẽ nghiện nó, mặc dù biết sức khỏe mình đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trong khi đó, đại đa số game thủ bỏ thời gian ra chơi Fortnite đều đặn mỗi ngày, nhưng lại không ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng cuộc sống của họ, liệu đó có được coi là nghiện.
Hiện nay, WHO đã đưa định nghĩa mới cho việc nghiện game: "Nghiện game là hành vi ưu tiên game một cách vô điều kiện hơn các lợi ích và hoạt động thường ngày khác, cùng với việc hành vi đó liên tục leo thang theo thời gian". WHO cũng cho biết thêm, để được gọi là "nghiện game" theo như một loại bệnh, người nghiện game phải bị tác động rất lớn từ việc chơi game, bị ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội, học tập và nghề nghiệp của họ trong khoảng thời gian ít nhất là một năm.
Tổng kết, game thật sự có gây nghiện, nhưng là người chơi để nó làm chính bản thân mình mắc phải, một số ít người chơi đã để game kiểm soát hoàn toàn cuộc sống của mình. Theo như một cuộc thăm dò gần đây với sự tham gia của 19.000 game thủ, gần như chỉ có 3% trong số đó là có nguy cơ bị mất kiểm soát hành vi chơi game của bản thân. Vì thế, bị nghiện hay không là do chính bản thân người chơi game, lời khuyên đó là khi bị bất ổn về mặt tâm lí thì tốt nhất đừng nên cắm mặt vào game vội. Những lúc đấy trò chơi điện tử không giúp chúng ta giải trí hay xả stress mà nó chỉ làm chúng ta dần mất đi khả năng tự kiểm soát bản thân. Giống như một câu nói vui nhưng cũng đầy ý nghĩa về việc nghiện game: "Hãy điều khiển game chứ đừng để game điều khiển bạn".
Bình luận (0)