Sức nóng từ thị trường Game
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của internet và mobile, kinh doanh trò chơi trực tuyến đang là một trong những mảng phát triển nóng. Việt Nam với quy mô dân số trẻ và đầy năng động trở thành thị trường hấp dẫn với các đơn vị kinh doanh game trên thế giới.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng tuân thủ pháp luật, có đến hơn 30% các tựa Game lớn phát hành trái phép tới người dùng Việt Nam và gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó là những bất cập về quản lý nội dung, phù hợp về văn hóa cũng như những đảm bảo quyền lợi cho người dùng.
Từ tháng 3 năm nay, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH - TTĐT) đã liên kết với các cơ quan quản lý bằng nhiều biện pháp buộc các kho tải lớn như Appstore và Google Play gỡ bỏ những game không giấy phép theo yêu cầu của luật pháp Việt Nam.
Bên cạnh đó là xu hướng phát triển mạnh mẽ của mô hình hợp tác giữa các Nhà phát hành (NPH) Game trong nước và quốc tế. Thị trường Việt Nam hiện có hơn 100 công ty có giấy phép phát hành Game G1, không ít những công ty này như VNG, Gamota, Garena… đã có những ví dụ thành công với việc đưa Pubg Mobile, Liên Quân, Lords Mobile vào thị trường.
Hợp tác và tuân thủ luật sẽ mang lại nhiều lợi ích
Các mô hình phát hành thông qua một công ty nội địa đã minh chứng rõ ràng về mặt lợi ích cho các bên. Đối với các bên sở hữu Game, họ không phải trải qua các bước như tìm hiểu thị trường, thị hiếu mà hoàn toàn có thể dựa vào cơ sở vật chất và kinh nghiệm của các NPH trong nước. Đối với các cơ quan quản lý có đầy đủ chế tài và quy định để buộc các đơn vị kinh doanh trò chơi này tuân thủ đầy đủ pháp luật Việt Nam. Và đặc biệt người tiêu dùng sẽ là nhóm người được hưởng lợi nhiều nhất khi quyền lợi của họ được đảm bảo khi sử dụng các dịch vụ trò chơi trực tuyến.
|
|
|
Một số thách thức đặt ra
Trao đổi về những thách thức khi phát hành game quốc tế, ông Đinh Thanh Hải - CEO Gamota cho biết các khó khăn sẽ đến từ 3 vấn đề chính. Việc đầu tiên là tựa game đó phải có nội dung phù hợp với thuần phong mỹ tục và qui định từ Việt Nam. Vấn đề thứ hai là hạ tầng - kỹ thuật: các công ty game sẽ phải xây dựng riêng một phiên bản cho thị trường nội địa, điều này đồng nghĩa việc cần đầu tư thêm server, xây dựng một hệ thống quản lý người dùng mới, đấu nối thanh toán, xây dựng công cụ lọc từ khóa. Khó khăn cuối cùng đến tư sự đồng bộ về mặt vận hành giữa phiên bản Việt Nam và phiên bản quốc tế, để làm sao “nền kinh tế trong Game” được vận hành một cách trơn tru và người sử dụng tại Việt Nam không bị chậm trễ so với phiên bản nước ngoài sau mỗi lần cập nhật.
Việt Nam sẽ tiến tới không còn game phát hành xuyên biên giới trái phép
Với chủ chương đến từ Bộ TTTT: “Doanh nghiệp dù là trong nước hay nước ngoài đều phải tuân thủ luật pháp, thượng tôn pháp luật nước sở tại” cho thấy các cơ quan pháp luật Việt Nam sẽ quyết tâm đến cùng trong việc ngăn chặn các nội dung phát hành xuyên biên giới trái phép. Việc kiểm soát game chặt chẽ hơn sẽ giúp các doanh nghiệp game Việt Nam được cạnh tranh công bằng hơn với các doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng bên cạnh đó các doanh nghiệp nội địa cần đoàn kết với nhau để tránh tình trạng bị các doanh nghiệp nước ngoài ép ngược và đẩy lại vào tình trạng doanh nghiệp Việt Nam tranh mua tranh bán với nhau gây ra những cạnh tranh không lành mạnh.
Cuối cùng, trong quá trình giải quyết và rà soát các đề án phát hành, chúng ta cần linh hoạt trong công tác quản lý để có thể đáp ứng mọi tiêu chí theo qui định pháp luật Việt Nam. Điểm tích cực hiện nay là các nhà kinh doanh Game nước ngoài đã nhìn thấy lợi ích từ mô hình và theo thời gian chúng ta sẽ dần xây dựng được một thị trường “không Game lậu”, an toàn và mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan.
Bình luận (0)