Game thủ chuyên nghiệp: Có danh tiếng, lương cao nhưng đánh đổi cũng không ít

16/01/2024 06:38 GMT+7

Chơi game không chỉ giải trí mà hiện còn có thể mang lại thu nhập cao, sự nổi tiếng, nhiều người hâm mộ... Nhưng để trở thành game thủ chuyên nghiệp liệu có dễ dàng?

Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Khánh Hiệp, quản lý cấp cao của GAM eSports, đội tuyển giàu thành tích nhất ở tựa game "Liên minh huyền thoại" tại VN thời điểm hiện tại với 9 lần vô địch giải VCS (Vietnam Championship Series).

Đãi ngộ hấp dẫn

Theo anh Hiệp, tuyển thủ game chuyên nghiệp là người được tập luyện, hoạt động trong tổ chức vận hành chuyên nghiệp, nằm trong hệ thống các giải đấu từ VN đến thế giới, được thi đấu và trả lương. Tính riêng trong tựa game "Liên minh huyền thoại", ước lượng hiện có khoảng 50 game thủ chuyên nghiệp thi đấu chính thức cho các đội tuyển ở VN hiện nay.

Game thủ chuyên nghiệp: Có danh tiếng, lương cao nhưng đánh đổi cũng không ít- Ảnh 1.

Game thủ chuyên nghiệp VN trong một buổi tập huấn tổ chức tại Hàn Quốc

VIRESA

Anh Hiệp cho biết đây hiện là một trong những công việc mơ ước với khá nhiều người trẻ. Đầu tiên phải kể đến đãi ngộ cho tuyển thủ. Nếu tính lương trung bình của người VN vào khoảng 10 triệu đồng/tháng, thì game thủ sẽ nhận được đãi ngộ tốt hơn mặt bằng chung các công việc hiện nay khi còn rất trẻ. Đó là chưa kể nếu thi đấu thành công, nằm trong tốp 10, 20 tại VN thì mức đãi ngộ sẽ nhiều hơn, đi kèm là sự nổi tiếng, có nhiều người hâm mộ theo dõi.

Tuy nhiên, để làm game thủ không đơn giản, buộc phải có năng khiếu ở bộ môn này. Với số lượng người chơi game rất đông đảo, bạn phải trở nên nổi bật, có khát khao đứng đầu trong tựa game đó, duy trì phong độ ổn định, được tuyển trạch viên của các đội eSports tìm đến, hướng dẫn luyện tập và đưa vào con đường thi đấu chuyên nghiệp.

"Hầu như sự nghiệp của tuyển thủ chuyên nghiệp khởi đầu từ năm 17 tuổi, thi đấu trong vòng 5 - 7 năm", anh Hiệp cho biết.

Theo vị quản lý này, VN hiện chưa có mô hình đào tạo game thủ chuyên nghiệp quá cụ thể. Tuy nhiên ở các đội eSports, bạn trẻ sẽ được huấn luyện, rèn luyện về sức khỏe, tư duy, kỹ năng để trở thành game thủ thực thụ. Có sức khỏe bền bỉ mới có thể theo đuổi công việc lâu dài còn kỹ năng sẽ được trui rèn qua việc luyện tập hằng ngày.

Quản lý cấp cao của GAM eSports nói rằng yếu tố quan trọng nhất với tuyển thủ chuyên nghiệp là "trí nhớ cơ bắp". Tức là trong thi đấu, khi cần xử lý tướng hoặc thể hiện kỹ thuật nào đó, đôi tay bạn có thể nhấn tổ hợp phím với tốc độ nhanh mà không cần mất thời gian suy nghĩ quá nhiều. Để đạt được trình độ này, mỗi game thủ cần tập luyện liên tục nhằm trui rèn và duy trì phản xạ, phản ứng cực nhạy trong suốt sự nghiệp, bạn phải đáp ứng số trận chơi hằng ngày, luyện tập hằng tuần, tháng với yêu cầu cụ thể.

Hào quang không dành cho tất cả

Cũng như nhiều môn thể thao khác, hai khái niệm chơi game giải trí và chơi game như một công việc rất khác nhau. Đầu tiên, game thủ chuyên nghiệp phải luyện tập từ 6 - 7 ngày/tuần, mỗi ngày từ 13 - 15 tiếng đồng hồ trong suốt mùa giải. Điều này có thể khiến người mới bị sốc hoặc vướng chấn thương, gặp vấn đề về mắt, lưng, cổ, vai gáy, thậm chí thoát vị đĩa đệm do ngồi lâu trên máy tính, dẫn đến nghỉ thi đấu trong một thời gian dài.

Ngoài ra, áp lực khi thi đấu chuyên nghiệp cũng rất nặng nề, đến từ khát khao chiến thắng và sự kỳ vọng của người hâm mộ. "Với những đội thắng thì không sao, còn khi thua, áp lực trong phòng thay đồ là cực kỳ lớn. Nó sẽ khiến những bạn trẻ 18, 19 tuổi chưa có kinh nghiệm, mới vào đời bị sốc, cảm giác mọi thứ rất nặng nề và có thể dễ dàng bỏ cuộc", anh Khánh Hiệp nói.

Ngoài ra, hào quang của nghề game thủ không dành cho tất cả mọi người, mà chỉ cho những ai nằm trong tốp đầu. Khi theo đuổi công việc này, bạn luôn trong tâm thế mình phải vô địch hoặc không là gì cả. Vì khi ở đỉnh cao hoặc thành công, bạn được nhiều thứ từ: hình ảnh, thu nhập "khủng", cơ hội thi đấu, đi nước ngoài giao lưu, cọ xát với các tuyển thủ xuất sắc trên thế giới… Nếu không có những điều đó, bạn đồng nghĩa với thất bại.

"Ở những nghề khác, bạn không bị áp lực phải luôn là nhất, chỉ cần làm được, làm tốt việc thì đã đạt yêu cầu. Nhưng game thủ chuyên nghiệp lại khác, bạn phải là người giỏi nhất ở vị trí đó", quản lý cấp cao của GAM eSports nhấn mạnh.

Anh Hiệp cũng nói thêm xét trình độ giữa các tuyển thủ hàng đầu và ở mức trung bình có sự chênh lệch rất lớn về đãi ngộ, không chỉ là 10 lần, mà còn là những con số lớn hơn rất nhiều. "Bạn không hẳn có áp lực phải tỏa sáng, nhưng áp lực của bạn là thực hiện ước mơ trở thành game thủ tốp 1, vì nếu đạt được điều đó, cuộc đời của bạn sẽ thay đổi hoàn toàn", anh nhận định.

Tuyển thủ game chuyên nghiệp Trần Duy Sang (nickname Kiaya), người đoạt huy chương vàng eSports ở tựa game "Liên minh huyền thoại" tại SEA Games 31, chia sẻ việc trở thành game thủ chuyên nghiệp đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời anh. Từ một người phải nghỉ học từ năm lớp 1 vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nay Sang trở thành trụ cột chính trong nhà, có thể lo mọi thứ cho cha mẹ.

"Gia đình mình ngày trước có được một bữa cơm đã là rất quý, nhưng hiện mình có công việc ổn định và sự nghiệp thi đấu khá hài lòng, có thể phụng dưỡng và lo cho cha mẹ", Duy Sang nói.

Chàng trai cho biết nghề game thủ tại VN rất khắc nghiệt và cạnh tranh. Độ tuổi đạt đỉnh cao phong độ rơi vào 19 - 21 tuổi. Sau đó, họ có thể không giữ được đôi tay nhanh nhẹn và phản xạ linh hoạt như ban đầu. Nếu không có kỷ luật và sự chăm chỉ luyện tập liên tục, bạn có thể tụt phong độ và hoàn toàn bị thay thế bất cứ lúc nào. Đây cũng là lý do Trần Duy Sang luôn chăm chỉ luyện tập không ngừng nghỉ trong suốt nhiều năm.

Tuy nhiên, có thời gian tuyển thủ này đã phải dừng thi đấu 2 - 3 lần vì căn bệnh liên quan đến thận. "Ngày trước, lịch sinh hoạt và cách sống của mình rất bừa bãi, thức khuya, uống nhiều nước ngọt, ngồi máy tính liên tục, ít vận động, từ đó sinh bệnh mà không hay. Sau này khi thi đấu chuyên nghiệp, mình đã có ý thức giữ gìn sức khỏe của bản thân hơn", Sang chia sẻ.

Đưa ra lời khuyên cho thế hệ sau, Duy Sang nói bạn cần suy nghĩ thật kỹ khi muốn trở thành tuyển thủ game chuyên nghiệp vì con đường này không phải màu hồng. "Nghề này khắc nghiệt, đặt sự cạnh tranh lên cao, vừa không có thời gian cho gia đình vì lịch luyện tập rất khắt khe. Nếu bỏ bê dù chỉ một ngày, bạn chắc chắn bị tụt lại phía sau và người khác qua mặt ngay lập tức", chàng trai chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.