Không còn là kẻ đứng ngoài cuộc chơi nữa, vài tháng gần đây trò chơi trực tuyến (game online) do Việt Nam sản xuất đã bắt đầu xuất ngoại.
Cái khó ló con đường
Không thể phát huy lợi thế trên sân nhà khi thị trường game online bị trói chặt bởi các quy định ngặt nghèo của cơ quan quản lý, nhiều doanh nghiệp đã nghĩ đến việc tự làm game và xuất khẩu sang nước ngoài. Khi Công ty VNG (Việt Nam) chính thức ký kết hợp tác với DeNA, một trong những công ty cung cấp dịch vụ trực tuyến hàng đầu tại Nhật Bản thì chất lượng trò chơi của Việt Nam mới được nhiều người quan tâm. Cho đến nay, DeNA và VNG đã triển khai việc chuyển Nhật ngữ cho trò chơi Khu vườn trên mây (Sky Garden) của VNG. Đây là trò chơi trực tuyến do chính studio của VNG thực hiện lấy đề tài nông trại nhưng có cách chơi cải tiến hơn so với các game cùng thể loại. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của DeNA, VNG cũng lên kế hoạch cung cấp các sản phẩm trò chơi điện thoại di động trên nền tảng Yahoo! Mobage tại Nhật Bản và một số thị trường khác.
Trước đó, một trò chơi trên mạng xã hội khác do VNG sản xuất là Ủn ỉn (tên quốc tế: Pig Farm) cũng đã được DeNA cho ra mắt tại Nhật Bản thông qua dịch vụ Yahoo! Mobage. Ủn ỉn do studio GSS của VNG phát triển lấy đề tài chăn nuôi heo. Ông Lê Hồng Minh - Tổng giám đốc VNG - chia sẻ: "Việc hợp tác với DeNA đánh dấu cột mốc quan trọng đối với VNG cũng như toàn bộ doanh nghiệp đang đầu tư vào việc sản xuất phần mềm giải trí điện tử tại Việt Nam. Việc phần mềm game của Việt Nam có thể xuất khẩu sang một thị trường lớn như Nhật Bản là thành quả đáng ghi nhận của các nhà phát triển trò chơi Việt. VNG và DeNA chỉ mất khoảng một tháng làm quen để đi đến hợp tác do sự phù hợp, gần gũi trong thói quen, văn hóa của người Nhật và Việt Nam".
|
Một trò chơi trực tuyến của Việt Nam cũng đang chuẩn bị xuất ngoại dù chưa xuất hiện ở thị trường trong nước, đó là dự án game thuần Việt SQUAD được khởi động từ năm 2010, một game bắn súng được VTC Game đầu tư và có sự giúp đỡ của các chuyên gia Hàn Quốc. Đây là trò chơi được đánh giá cao với những chi tiết đồ họa, kịch bản, tính năng không thua kém gì các game bắn súng của nước ngoài như Ðột kích, Counter Strike, Biệt đội thần tốc… Càng nổi bật hơn, khi trong SQUAD còn được VTC Game đưa vào nhiều khung cảnh và hình ảnh về Việt Nam nhằm tạo sự quen thuộc và thích thú cho người chơi. Tuy nhiên, vì nằm ở thể loại bắn súng, có nhiều yếu tố bạo lực nên một thời gian dài SQUAD vẫn không được cấp phép tại thị trường trong nước. Trước tình cảnh trắc trở này, VTC đã quyết định phát hành tại nước ngoài trước. Đại diện VTC Game cho biết: "Chúng tôi đã nỗ lực để tạo một game thuần Việt cho cộng đồng người chơi trong nước, tuy nhiên, sau một thời gian dài không có tín hiệu tốt, buộc lòng VTC phải bán cho đối tác nước ngoài phát hành ở thị trường của họ. Hiện nay công ty đã thực hiện các hợp đồng với đối tác nước ngoài để game xuất hiện tại các khu vực Trung Đông, châu u và Singapore. Nhiều khả năng game sẽ ra mắt tại các khu vực này trong khoảng tháng 4 hoặc tháng 5 tới".
Đầy triển vọng
Có thể nói, thành công bước đầu trong việc đưa trò chơi Việt ra các thị trường nước ngoài là một tín hiệu vui và sẽ là bước tạo đà cho các sản phẩm sau này. Tuy nhiên, đó chưa hẳn là lời khẳng định cho việc thương hiệu game Việt đã thực sự đạt "đỉnh". Theo một số chuyên gia trong ngành, SQUAD là một game có sự đầu tư rất tốt, có chiều sâu và xuất ngoại trước khi phát hành trong nước là một bước đi hợp lý. Còn Ủn ỉn và Khu vườn trên mây dù cho đã đánh dấu được bước tiến đầu tiên, thì cũng chỉ là các game dạng flash, thiết kế dễ, không tốn quá nhiều công sức như các trò chơi trực tuyến chính hiệu.
Một điều chắc chắn là xu hướng xuất ngoại của trò chơi trực tuyến Việt Nam sẽ không dừng lại ở đó. Ông Lê Hồng Minh cho biết: "Việc xuất khẩu game đã được VNG tiến hành từ 2011 và hai thị trường trọng điểm là Nhật và Trung Quốc với 3 sản phẩm. Doanh thu còn khiêm tốn, nhưng đã có một lượng khách hàng nhất định. Riêng trong năm 2012, VNG sẽ phát hành thêm 5 sản phẩm ở hai thị trường cực lớn này. VNG sẽ tập trung vào hai mảng là trò chơi trên mạng xã hội và trên thiết bị di động với mức doanh thu mong muốn tại thị trường Nhật Bản sẽ đạt được con số 10 triệu USD, tức là khoảng 0,2% mức doanh thu 5 tỉ USD của phân khúc trò chơi mạng xã hội và di động tại thị trường Nhật Bản". Ngoài VNG, các doanh nghiệp khác của Việt Nam như FPT, VTC cũng đều có các phòng nghiên cứu phát triển trò chơi trực tuyến và cũng đã đặt ra nhiệm vụ xuất khẩu trong thời gian tới.
Đinh Đang
Bình luận (0)