Ngành phần cứng năm 2020 sẽ trông đợi gì?

Tôn Bảo
Tôn Bảo
26/02/2020 08:40 GMT+7

Đáng trông đợi nhất của ngành phần cứng năm 2020 có lẽ là các vi xử lý trên tiến trình 10nm của Intel, nhưng xe hơi bay thì vẫn còn khá xa vời.

Mười hai tháng qua đã chứng kiến những phát triển thú vị của ngành công nghệ phần cứng, đặc biệt là mảng máy tính, như dải sản phẩm VGA của AMD được ra đời trên tiến trình 7nm, với kiến trúc Navi chẳng hạn.

Ngoài ra, mức giá ổ cứng SSD giảm đi, kèm theo tăng cường dung lượng, cũng như số lượng thiết bị hỗ trợ PCIe 4.0 ngày càng nhiều, là những thay đổi đáng kể khác trong ngành phần cứng. Vi xử lý Ryzen thế hệ thứ ba ra mắt, RAM DDR4 giảm giá đem lại cho năm 2019 một cuộc đua thú vị ở tất cả các mảng linh kiện. Vậy thì năm 2020 này sẽ có gì hấp dẫn?

Không có gì là rõ ràng, nhưng có thể thấy ít nhất mảng phần cứng cho game sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2020 khi so với phần còn lại của máy tính. Sau đây là những gì  chúng ta chờ đón.

AMD có ray tracing theo thời gian thực

Năm 2019 là một năm thành công của Nvidia, với việc trang bị tính năng ray tracing theo thời gian thực trên các VGA GeForce RTX. Những VGA thuộc dòng GTX, về mặt kỹ thuật, đã có hỗ trợ ray tracing, nhưng chúng không có các nhân RT ở phần cứng để xử lý theo thời gian thực. Dù gì đi chăng nữa, Nvidia đang độc bước trên con đường này, nhưng mọi thứ có lẽ sẽ thay đổi trong năm 2020.

Tại sao lại “có lẽ”, bởi vì có thể phải đến đầu năm 2021 thì AMD mới ra được phần cứng Navi có hỗ trợ ray tracing, tùy thuộc vào các nhà cung cấp cũng như đơn vị sản xuất. Tuy nhiên, điều chắc chắn là, Navi sẽ được tích hợp ray tracing. Điều này được bảo chứng là bởi vì Sony xác nhận rằng GPU Navi được tùy biến riêng cho PlayStation 5 sẽ hỗ trợ tính năng ray tracing. Và nếu điều đó là chưa đủ chứng cứ, thì CEO của AMD Lisa Su có nói trong tháng 1/2019 rằng, các phần cứng ray tracing dành cho máy tính đang “được phát triển rất sâu”.

Tuy nhiên, có thể an toàn dự đoán rằng phần cứng của Navi sẽ được trang bị ray tracing trong năm 2020, bởi không có lý do gì các VGA dành cho máy tính cá nhân lại không đi trước phiên bản GPU được tùy biến trên hệ máy chơi game cá nhân.

Nvidia sẽ ra mắt các GPU 7nm

Đến thời điểm này, Nvidia chưa cần phải đẩy mạnh phát triển phần cứng ở trong cả quy trình, bởi AMD vẫn chưa thể giật lấy vị thế số 1 về hiệu năng – GeForce RTX 2080 Ti vẫn là chiếc VGA mạnh nhất tính đến thời điểm này, và nếu GeForce RTX 2080 Ti ra mắt, Nvidia sẽ còn giữ vị trí đó trong một thời gian dài. Dù sao, Nvidia vẫn cần phải ra mắt các sản phẩm trên tiến trình 7nm trong năm 2020.

AMD không phải là một đối thủ chỉ biết chịu trận. Dù Radeon RX 5700XT không phải là chiếc VGA nhanh nhất trên thị trường, nhưng nó vẫn giữ đúng chất của đội đỏ, giá thành/hiệu năng tốt. Phiên bản kế tiếp của Navi sẽ đẩy mạnh mọi thứ lên, và Nvidia sẽ phải hồi đáp bằng một chiếc VGA mới. Với việc chuyển qua tiến trình 7nm, Nvidia sẽ có thể tích hợp thêm nhiều tính năng và sức mạnh vào các GPU Ampere thế hệ mới.

Dù có nhiều tin đồn, nhưng chưa ai biết được thông số cụ thể của GeForce RTX 3080. Tất cả những thông số rò rỉ cho đến thời điểm này chỉ là dựa trên phỏng đoán, và là các con số tự dựng nên. Tuy nhiên, chúng ta có thể trông đợi vào việc tăng cường số lượng các nhân RT, nhiều nhân CUDA cho các nhu cầu đồ họa thông thường, và nhiều nhân Tensor hơn cho máy học. Tốc độ xung nhịp cao hơn cũng sẽ khả thi, có lẽ người dùng sẽ thấy các VGA Nvidia đầu tiên đạt tốc độ cao hơn 2GHz.

PCIe 4.0 vẫn chưa gây ảnh hưởng nhiều lên máy tính

Rõ ràng PCIe 4.0 vẫn chưa có được tầm ảnh hưởng thực sự lên mảng máy tính trong năm 2020. AMD đã và đang tự hào về phần cứng này với các vi xử lý Ryzen thế hệ ba và chipset X570 trên các bo mạch chủ. Lợi thế lớn nhất của PCIe 4.0 là có nhiều làn tốc độ cao hơn, giúp người dùng kết hợp nhiều SSD cùng lúc, và có nhiều băng thông cho VGA hơn. Tuy nhiên, PCIe không phải là nguyên nhân gây ra nghẽn cổ chai ở đồ họa, và các SSD nhanh hơn, cũng không đem lại sự khác biệt quá nhiều trong game, kể cả khi sử dụng các SSD có tốc độ 580MB/giây so với 2.200MB/giây.

Có lẽ, Intel sẽ tích hợp PCIe 4.0 vào các vi xử lý 10nm của mình trong thời gian tới, nhưng đó không phải là sự thay đổi đáng kể cho ngành phần cứng, ít nhất là trong năm 2020.

Intel có vi xử lý 10nm

Hãy nhớ thời điểm ra mắt của Cannon Lake, vốn được dự đoán sẽ là kỷ nguyên 10nm của Intel, và rồi mọi thứ lại bị đình trệ. Dù cho dự án Cannon Lake chết từ trong trứng nước, nhưng việc Intel ra mắt vi xử lý 10nm trong năm 2020 là có thật. Thực tế, chúng ta đã có những nguồn đáng tin cậy cho thấy Intel sẽ chắc chắn trong lần này, và đó sẽ là các vi xử lý khủng.

Intel đã sử dụng tiến trình 14nm trong rất lâu rồi, nhưng cuối cùng thì cũng đã có các vi xử lý Intel 10nm dành cho máy tính xách tay, với tên mã Ice Lake.

Tuy nhiên, thời điểm ra mắt sẽ là lúc nào? Hi vọng rằng chúng ta sẽ có những sản phẩn thực tế vào giữa năm nay. Trong lúc đó, Comet Lake-S sẽ tiếp tục tận dung tiến trình 14nm thêm một lúc nữa.

AMD sẽ ra mắt vi xử lý Zen 3 trên tiến trình 7nm+

Trong khi Intel vẫn đang tìm đường đến với các sản phẩm 10nm trong năm 2020, AMD sẽ ra mắt Ryzen thế hệ thứ tư với tên mã 4000 series, dựa trên kiến trúc Zen 3 trước khi kết thúc năm. Những vi xử lý này sẽ được phát triển dựa trên quy trình sản xuát 7nm+, và có tốc độ xun gnhieepj nhanh hơn, tiêu thụ điện năng tốt hơn, và có lẽ là nhiều nhân hơn (dù Zen 2 đã đem lại các sản phẩm tiêu dùng phổ thông các vi xử lý 16 nhân/32 luồng).

Sau đó, AMD sẽ ra mắt các vi xử lý Zen 4, dựa trên tiến trình 6nm hoặc 5nm. Chúng ta sẽ biết được nhiều hơn khi tiến về gần cuối năm 2020, mặc dù có thể chúng sẽ chưa lên kệ cho tới năm 2021.

Các ổ cứng SSD có tốc độ và dung lượng cao hơn

Năm 2020 sẽ ra mắt nhiều SSD hơn, với tốc độ nhanh hơn và dung lượng cao hơn. Chúng cũng sẽ có mức giá thành hợp lý hơn, đặc biệt là ở phân khúc cao cấp. Ở nhóm cao nhất, các hãng sản xuất SSD sẽ ra mắt những sản phẩm tương thích với PCIe 4.0 – toàn bộ các mã PCIe hiện tại đều sử dụng bộ điều khiển PS5016-E16 của Phison, và Phison cho biết bộ điều khiển tiếp theo của hãng sẽ đạt được tốc độ 6.500MB/giây.

Đây có lẽ là mảng phần cứng đáng được trông đợi nhất trong năm 2020. Dù dung lượng 2TB vẫn đang là đắt đỏ nhất hiện nay, nhưng chúng ta hi vọng sẽ thấy các ổ cứng dung lượng 3TB và 4TB trong tương lai, với mức giá dễ chịu hơn. Trừ khi có nhiều dây chuyền bị cháy dẫn đến thiếu hụt NAND trong thời gian tới.

Ra mắt RAM DDR5 cho máy tính để bàn

Các mẫu RAM DDR5 sẽ được ra mắt trong 2020, và sẽ có tốc độ gấp đôi so với DDR4. Điều này sẽ đem lại các cải thiện đáng kể trong các benchmark thuật toán, và kể cả trong thực tế sử dụng. Tuy nhiên, sẽ cần một thời gian dài trước khi các phụ kiện phần cứng khác hỗ trợ tốc độ DDR5, đồng thời chắc chắn giá thành cũng không hề rẻ.

Có thể thấy, phần cứng của năm 2020 hứa hẹn sẽ có nhiều thay đổi đáng nể, ảnh hưởng mạnh mẽ đến hiệu năng của máy tính để bàn. Nếu những gì dự đoán bên trên thành hiện thực, có thể chúng ta sẽ thấy các linh kiện cũ hơn giảm giá mạnh. Dù gì, những thiết bị hiện tại cũng đã đủ cho đại đa số nhu cầu người dùng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.