Chung kết Học viện cải lương khép lại vướng phải nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Thay vì chọn 1 quán quân như dự định, ban tổ chức cùng giám khảo quyết định chọn 5 thí sinh chiến thắng (Biện Thuy, Tú Tri, Quách Phú Thành, Hùng Vương và Melany Trần) và 5 á quân (Lương Vĩ, Kim Cương, Minh Thái, Tuấn Kiệt và Bảo Ngọc). Điều đó đồng nghĩa với việc 10 thí sinh vào chung kết đều có danh hiệu.
Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến trái chiều nổ ra về kết quả chung cuộc của Học viện cải lương. Nhiều khán giả đồng tình với quyết định của nhà sản xuất, cho rằng việc tìm kiếm thế hệ trẻ yêu và muốn gìn giữ cải lương mới là điều quan trọng. Một tài khoản bình luận: “Nhiều quán quân, á quân như vậy cũng tốt. Mong các bạn trẻ có thêm động lực đưa cải lương trở lại thời hoàng kim". Người xem khác chia sẻ: “Rất khó nên việc chọn như vậy theo tôi là vẹn cả đôi đường".
Tuy nhiên, nhiều khán giả không đồng tình với quyết định này của ban tổ chức. Một số ý kiến cho rằng việc trao cùng lúc 5 giải quán quân là điều chưa từng có trong các gameshow, đồng thời làm giảm giá trị của danh hiệu vốn chỉ nên dành cho người xứng đáng nhất. Một khán giả nêu quan điểm: “Quán quân chỉ nên là 1 chứ sao lại là 5. Gọi là thi thì phải có nhất, nhì, ba, tư, cái này là tốt nghiệp đúng hơn là quán quân". Tài khoản khác bày tỏ: “Thi thố phải rõ chứ trời, sao có vụ lãng thế".
Trao đổi với chúng tôi về những tranh cãi xoay quanh kết quả chung cuộc, đại diện nhà sản xuất phản hồi: “Không phải ngẫu nhiên khi ngay sau vòng casting, Học viện cải lương đã có một vòng thi bước đệm mang tính thử thách với các kỹ năng thi - ca - vũ - nhạc - kịch. Cho đến vòng bán kết, với top 10 thí sinh, ban giám khảo đã có sự phá luật khi quyết định giữ nguyên 10 gương mặt đầy triển vọng, tài năng. Rất may mắn khi nhà sản xuất và đặc biệt là khán giả đã tôn trọng và ủng hộ vòng thi không loại thí sinh này”.
Theo nhà sản xuất, mục đích cuối cùng của chương trình Học viện cải lương không hẳn là các ngôi vị quán quân hay á quân. Người đại diện chia sẻ thêm hành trình 12 tập vừa qua là cơ hội để ban giám khảo hướng tới việc tìm ra những gương mặt kép chánh, đào thương cùng với dàn diễn viên tính cách tương lai, với hài - độc - lẳng - mùi - lão… như một “của để dành” cho sân khấu cải lương thời gen Z.
“Và rõ ràng, với mục tiêu ấy, với tiêu chí đo ni đóng giày trên từng chất giọng, phong cách biểu diễn, với nỗ lực tạo ra một không gian học nghề, giao lưu mở rộng, trình diễn… Giờ đây Học viện cải lương đã hoàn thành ý nguyện của mình, đó là giới thiệu một tập thể diễn viên trẻ và mới, một “gánh hát” thu nhỏ với bảng phân vai đã định hình và sẽ tiếp tục rèn giũa bài học làm nghề, làm người”, phía nhà sản xuất phản hồi.
Bình luận (0)