Gần 100% bệnh nhân thận nhân tạo có bảo hiểm y tế chi trả

Liên Châu
Liên Châu
07/11/2021 07:26 GMT+7

Hội nghị khoa học lần thứ nhất về thận nhân tạo đã được Hội Lọc máu Việt Nam tổ chức trong 2 ngày 5 - 6.11 tại Hà Nội.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến với sự tham dự của các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản. Các báo cáo tại hội nghị đề cập các vấn đề về: tổ chức lọc máu (chạy thận nhân tạo) cho người bệnh trong đại dịch; an toàn trong lọc máu, dinh dưỡng cho người bệnh lọc máu...

Hội nghị cũng công bố kết quả khảo sát mới nhất tại 28 tỉnh Bắc và Bắc Trung bộ về một số vấn đề liên quan điều trị bệnh nhân thận nhân tạo. TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Lọc máu Việt Nam, cho biết theo khảo sát, tổng số bệnh nhân thận nhân tạo là 14.787 người. Hiện có 155 đơn vị thận nhân tạo (145 đơn vị công lập và 10 đơn vị tư nhân). Tại 28 tỉnh thành được khảo sát hiện có 490 nhân lực chuyên môn thận nhân tạo; trong đó, 74 bác sĩ chưa có chứng chỉ về thận nhân tạo. Đáng lưu ý, trong các đơn vị thận nhân tạo được khảo sát, chỉ có 1 đơn vị chạy 1 ca (tỷ lệ dưới 1%); 40% đơn vị chạy 2 ca (25,8%); 91 đơn vị chạy 3 ca (57,7%); 22 đơn vị chạy 4 ca (14,2%). Trong số 2.805 máy chạy thận nhân tạo được khảo sát tại 28 tỉnh thành, hiện có 316 máy (11,3%) đã sử dụng trên 10 năm; 980 máy (34,8%) sử dụng từ 5 - 10 năm.

Trung bình toàn quốc:

Khoảng 308,6 bệnh nhân thận nhân tạo/triệu dân.

- Cao nhất: 546,5 bệnh nhân/triệu dân tại Quảng Ninh.

- Thấp nhất: 106,3 bệnh nhân/triệu dân tại Lai Châu.

Trong số được khảo sát, gần 100% bệnh nhân thận nhân tạo có bảo hiểm y tế chi trả; chỉ 0,1% không có bảo hiểm y tế chi trả. Việc này giảm rất lớn gánh nặng chi phí điều trị, vì các bệnh nhân cần điều trị lâu dài.

Tại hội thảo, một số ý kiến thảo luận cho rằng, với đơn vị thận nhân tạo đang tổ chức chạy 4 ca, cho thấy tình trạng quá tải, có thể ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, điều trị theo dõi người bệnh; nên thay mới các máy chạy thận đã sử dụng từ 10 năm để đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Dữ liệu căn bản về khảo sát cũng cho thấy lọc máu còn nhiều hạn chế như: tỷ lệ bao phủ lọc máu còn thấp và không đồng đều (chỉ 34,5% quận huyện có đơn vị lọc máu); 100% đơn vị lọc máu nằm trong bệnh viện, chưa có các đơn vị độc lập hoặc vệ tinh tại các khu dân cư để thuận lợi cho người bệnh; người bệnh thận nhân tạo còn hạn chế trong việc tiếp cận các kỹ thuật đặc biệt…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.