Gần 1.000 km đường sông nội bộ bị lãng phí: Sông dài nhưng thiếu bến

17/10/2017 07:49 GMT+7

Cuối tháng 9, Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist) ra mắt 7 tuyến du lịch đường sông mới. Nhưng nếu không cải tạo đường thủy nội bộ thì du lịch đường sông tại TP.HCM vẫn khó phát triển.

Du lịch đường thủy chết vì ô nhiễm
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du Ngoạn Việt, đơn vị khai thác tuyến du lịch đường sông đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đánh giá sông Sài Gòn với độ sâu lý tưởng từ 6 - 12 m, rất thuận tiện cho các tàu vận tải có trọng tải lớn và tàu chở du khách có mớn nước hơn 6 m đi lại dễ dàng.
Ngoài con sông chảy qua trung tâm TP còn có các nhánh sông, kênh, rạch bao quanh các quận nội thành, tạo ra bức tranh trên bến dưới thuyền sinh động. Ðoạn cuối sông Sài Gòn là rừng ngập mặn Cần Giờ, khu sinh quyển thế giới, nơi có những di tích lịch sử và khu du lịch nổi tiếng, tạo thuận lợi khai thác nhiều tour, tuyến hấp dẫn.
Ngược lại với lợi thế trời cho, hầu hết các tour du lịch đường thủy trên địa bàn TP đều đang trong tình trạng “lay lắt qua ngày”. Điển hình là tour du ngoạn trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, “phát pháo” đầu tiên trong chiến lược phát triển du lịch đường thủy nội đô, sau 2 năm đi vào hoạt động nay đang chật vật cầm cự.
Nguyên nhân, theo ông Xuân Anh, do sông, kênh, rạch chưa được cải tạo, môi trường nước ô nhiễm. Như kênh Tàu Hủ, tàu thuyền chỉ đi được khi nước lớn. Nước rút, lòng kênh lộ đầy rác thải, bốc mùi hôi thối. Tàu du lịch di chuyển đã khó, càng không thể kinh doanh ăn uống được. Tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tình trạng vứt rác, phóng uế bừa bãi, gây phản cảm cho du khách.
Một nguyên nhân khác khiến doanh nghiệp (DN) ngại đầu tư khai thác du lịch thủy là bởi người Việt chưa có thói quen du lịch trên sông. Hiện nay, các đơn vị kinh doanh theo mùa. Mùa cao điểm khách quốc tế từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. 6 tháng còn lại là mùa khách nội địa, lại trùng với mùa mưa nên dù phải đầu tư thêm nhiều sản phẩm ca múa nhạc nhưng số lượng khách vẫn rất ít. “Người Việt yêu cầu phải có ăn uống, vui chơi giải trí nên đầu tư phải nhiều hơn. Rồi tiền thuế, tiền điện, bảo trì tàu thuyền liên tục. Trung bình mỗi năm công ty lỗ 1 tỉ đồng cho việc duy trì sản phẩm này”, ông Anh cho biết.
Bến du lịch giống bến... đò ngang
Theo ông Phan Xuân Anh, khó khăn trong khai thác du lịch đường thủy hiện nay còn nằm ở việc đầu tư bến bãi và cảnh quan ven bờ. TP.HCM mới đầu tư 8 bến sông từ kênh Tàu Hủ đến Q.9, Rừng Sác, Bình Khánh… Tuy nhiên, các bến này chỉ như bến đò ngang vận chuyển khách, không phải bến du lịch đúng nghĩa.
Thậm chí có bến còn bố trí bất hợp lý như bến vào trước chùa Long Hoa (Q.7) là nơi nước cạn, thuyền không đậu được. “Bến du lịch phải có nhà vệ sinh sạch sẽ, có không gian cho các hoạt động vui chơi giải trí. Phần này TP chỉ cần cho chủ trương để DN tự làm", ông Anh đề xuất và cho biết, hiện TP mới chỉ có 2 bến tàu gồm 1 bến tại kênh Nhiêu Lộc và bến kia tại Khu sinh quyển Cần Giờ là đúng chất bến du lịch.
Có bến rồi, kết nối giao thông cũng là một vấn đề cần tính toán để thuận tiện cho việc di chuyển vào sâu các điểm đến. Ông Xuân Anh cho biết khi đưa vào kinh doanh đầu tư tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, DN mới chỉ được cấp giấy phép, chưa được cơ chế thuê mặt bằng. “Chỉ có 2 miếng đất nhỏ ven bờ, không thể xây dựng chỗ đậu xe. Khách đi đến bến Q.1, không có chỗ để xe, rồi đi thuyền đến bến Q.3 thì lấy gì đi về? DN muốn đầu tư xe điện để trung chuyển cũng không có chỗ đậu”, ông Anh than.
TS Nguyễn Khắc Thuần, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kỷ lục, cho rằng thực chất đi đường thủy là để hiểu những cái trên bờ. Cần phải bố trí để khách tham quan các di tích lịch sử, trải nghiệm ẩm thực, văn hóa hai bên bờ sông, bờ kênh. Đi trên sông kết hợp lên bờ, hình thành các tour nhỏ trong một tour lớn.
Phải xây dựng các bến đỗ, chỉ cần đủ cho các xe trung chuyển phục vụ khách đến điểm tham quan. Ở những nơi đặc biệt có thể dùng xe điện hay các phương tiện đơn giản như xe ngựa, tận dụng hết những gì độc đáo của VN, tạo ấn tượng cho du khách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.