Chiều 15.7, ông Phạm Văn Châu, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang (H.Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), cho biết gần 1.000 tấn mực xà khô bị tồn ứ trên địa bàn không thể xuất bán trước đây đến thời điểm này do giá mực tăng cao nên thương lái đã thu mua hết.
Theo ông Châu, trước đó, do phía Trung Quốc yêu cầu xuất khẩu mực theo đường chính ngạch thay vì tiểu ngạch nên giá mực ở địa phương giảm hơn 1 nửa, xuống chỉ còn 70.000 đồng/kg, gây nên tình trạng ứ đọng hàng trăm tấn mực khô. Hiện nay, giá mực đã tăng lên 120.000 – 125.000 đồng/kg. Với mức giá này, ngư dân đã có một khoản lời nhưng không quá nhiều.
“Tất cả số mực tồn ứ bấy lâu nay đều được thương lái thu mua rồi xuất khẩu sang Trung Quốc và Thái Lan theo đường chính ngạch”, ông Châu nói.
|
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND H.Núi Thành cũng xác nhận giá mực tăng trở lại nên gần 1.000 tấn mực khô của ngư dân trong huyện không còn gặp khó khăn trong việc tiêu thụ.
Không riêng gì tại H.Núi Thành, mà tại xã Bình Minh (H.Thăng Bình, Quảng Nam), các ngư dân cho biết khoảng 320 tấn mực khô bị ứ đọng trước đó nay đã được thương lái tới hỏi mua với giá từ 120.000 – 125.000 đồng/kg.
Trước đó, như Thanh Niên đã thông tin hơn 1 tháng qua, phía Trung Quốc yêu cầu việc nhập khẩu một số sản phẩm nông nghiệp trong đó có mực khơi khô phải theo đường chính ngạch nên tình hình tiêu thụ không được thuận lợi.
Tại H.Núi Thành có gần 1.000 tấn, tại xã Bình Minh có khoảng 320 tấn mực khô bị ứ đọng. Mực đánh bắt về không tiêu thụ được, ngư dân gặp rất nhiều khó khăn.
|
Trước tình hình này, UBND tỉnh Quảng Nam đã gửi văn bản gửi Bộ Công thương, Bộ NN-PTNN, Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản để đề nghị hỗ trợ tiêu thụ gần 1.000 tấn mực khô của ngư dân đang tồn đọng tại cảng cá An Hòa (H.Núi Thành, Quảng Nam) trong thời gian sớm nhất.
UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các bộ ngành T.Ư đàm phán với nhà chức trách Trung Quốc để mực khô được xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thương lái, chủ tàu tổ chức lại quy trình sản xuất, thu mua, chế biến theo chuỗi giá trị để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của nước nhập khẩu. Cũng như kiến nghị xúc tiến đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp trong nước chế biến các mặt hàng từ mực khô để giúp ngư dân có thể tiêu thụ được sản phẩm.
Được biết, tại tỉnh Quảng Nam có 67 tàu với hơn 3.000 thuyền viên làm nghề đánh bắt mực khơi. Sản lượng hằng năm khoảng 5.000 tấn mực khô.
Bình luận (0)