Gần 2 tỉ USD mỗi năm chữa bệnh ở nước ngoài

27/01/2013 02:10 GMT+7

Thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm người bệnh trong nước ra các bệnh viện nước ngoài chữa trị tốn gần 2 tỉ USD, trong khi chi phí cho việc điều trị ở các nước như Singapore cao gấp hàng chục lần trong nước.

Hôm qua 26.1, tại TP.HCM Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp Báo Lao Động và các đơn vị tổ chức hội thảo “Thành tựu y học Việt Nam thời kỳ đổi mới”. Các chuyên gia y tế ở từng lĩnh vực đều cho rằng, y tế Việt Nam gần đây đã thực hiện được nhiều kỹ thuật tiên tiến; thậm chí có chuyên môn còn đào tạo cho cả bác sĩ (BS) nước ngoài. GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện (BV) Từ Dũ, cho rằng: “Việt Nam hiện là quốc gia thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm nhiều nhất khu vực Đông Nam Á, với tỷ lệ thành công cao và đã thực hiện được hầu hết các kỹ thuật điều trị hiếm muộn mà thế giới đang ứng dụng”.

TS-BS Trần Hải Yến (Phó giám đốc BV Mắt TP.HCM) cũng nói: “Về mặt chuyên môn, nhiều BS trong nước có trình độ cao, tay nghề phẫu thuật khéo léo; nhiều kỹ thuật mới được ứng dụng, cập nhật liên tục không thua kém gì các nước bạn”. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế GS-TS Nguyễn Viết Tiến, trong nhiều lĩnh vực, y học trong nước đã đạt được một số thành tựu ngang tầm với y học của khu vực và thế giới. Vừa qua, 26 công trình y tế thuộc nhiều lĩnh vực vừa được quốc tế ghi nhận là thành tựu y dược nổi bật của Việt Nam như: ghép tạng, can thiệp tim mạch, ung bướu, phẫu thuật nội soi, hỗ trợ sinh sản, nhãn khoa... “Ngoài ra, các BS của nhiều nước trong khu vực đã phải đến Việt Nam để học tập kinh nghiệm”, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nói.

Gần 2 tỉ USD mỗi năm chữa bệnh ở nước ngoài
Sự điều tiết chưa hợp lý khiến bệnh viện tuyến trên quá tải gây mệt mỏi cho người bệnh - Ảnh: Khánh Vy

Người bệnh vẫn bỏ đi

Ngành y tế trong nước cho rằng đã làm được nhiều kỹ thuật ngang tầm với các nước, vậy tại sao ngày càng có nhiều người bệnh phải ra nước ngoài điều trị? Hiện, thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm người bệnh trong nước ra các BV nước ngoài chữa trị tốn gần 2 tỉ USD. Trong khi chi phí cho việc điều trị ở các nước như Singapore cao gấp hàng chục lần chi phí trong nước; ngoài ra còn khó khăn về rào cản ngôn ngữ, nhưng nhiều người bệnh phải bấm bụng ra đi? Trả lời câu hỏi ấy, TS-BS Trần Hải Yến cho rằng, trước kia, đời sống còn khó khăn, người bệnh đến BV chỉ quan tâm đến việc giải quyết bệnh tật. Nay đời sống kinh tế, tinh thần phát triển, khi đến BV, người bệnh không chỉ đòi hỏi về khả năng chữa trị của BS, BV mà còn chú trọng đến thái độ phục vụ của BS, nhân viên, chất lượng dịch vụ, thời gian phải đợi chờ... Họ đòi hỏi BV không chỉ cung cấp dịch vụ y tế mà còn phục vụ tốt những dịch vụ khác đi kèm. “Hiện nay, trước khi chọn nơi chữa bệnh, ngoài đòi hỏi về chuyên môn, người bệnh còn đòi hỏi về phong cách làm việc của y, BS, sự sạch sẽ của BV...”, TS-BS Trần Hải Yến nói.

GS-TS Nguyễn Thi Hùng - Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) nhấn mạnh: “Chúng ta cần tìm ra bệnh (ý nói nguyên nhân người bệnh ra nước ngoài chữa trị -PV) thì mới chữa được bệnh”.

Cũng có những ý kiến cho rằng, ở ta với nhiều loại bệnh, BS điều trị, phẫu thuật tốt, nhưng cái chưa được là mổ ra rồi “quăng” bệnh nhân đó - công tác chăm sóc hậu phẫu, theo dõi người bệnh không được BS quan tâm chu đáo nên nhiều người bệnh rất sợ.

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.