Ít nhất 99 người thiệt mạng và khoảng 100 người mất tích trong trận sụp lở kinh hoàng tại khu vực khai thác ngọc thạch ở miền bắc Myanmar.
Lực lượng cứu hộ tập kết thi thể các nạn nhân ngày 22.11 - Ảnh: AFP |
Vụ việc xảy ra tại thị trấn Hpakant thuộc bang Kachin, miền bắc Myanmar vào khoảng 3 giờ 30 sáng 21.11 (giờ địa phương), nhưng đến hôm qua giới chức nước này mới loan báo.
Theo truyền thông Myanmar, đống đất đá khổng lồ được thải ra từ quá trình khai thác ngọc thạch đã bất ngờ đổ sập, chôn vùi hàng chục lều trại của các công nhân cùng gia đình họ lẫn những người đào bới lậu.
Hình ảnh chụp tại hiện trường cho thấy cả một khu vực rộng lớn bị nhuộm một màu vàng chết chóc cùng hàng chục chiếc túi màu xanh chứa thi thể các nạn nhân. Không còn bất cứ dấu vết nào của sự sống ngoài những nhân viên cứu hộ đang ra sức đào bới.
Vào thời điểm xảy ra thảm nạn, phần lớn các nạn nhân đều đang say ngủ, nhiều người khác thì đang lợi dụng đêm tối để đào bới ngay dưới đống gạch đá để tìm ngọc vụn. Vì thế, hầu như không ai kịp trở tay.
Reuters dẫn lời một quan chức giấu tên thuộc Phòng Cứu hỏa Hpakant cho biết tính đến chiều tối 22.11 đã phát hiện 99 thi thể và vẫn còn ít nhất 100 người mất tích. “Chúng tôi chắc chắn rằng số người chết sẽ còn tăng”, ông nói. Bên cạnh đó, quan chức địa phương Nilar Myint cho AFP hay đến nay lực lượng cứu hộ chưa tìm thấy người sống sót nào mà chỉ toàn phát hiện thi thể. Ban đầu có một người còn sống khi được kéo lên từ đống đất đá, nhưng sau đó đã không qua khỏi.
Theo vị quan chức này, chưa thể xác định có bao nhiêu người sống trong khu vực bị ảnh hưởng. Hiện lực lượng cứu hộ từ Hội Chữ thập đỏ Myanmar, quân đội, cảnh sát và nhiều nhóm khác vẫn đang tích cực tìm kiếm người sống sót. Tuy nhiên, họ gặp rất nhiều thách thức do thời tiết xấu và địa hình hiểm trở.
Kachin là khu vực khai thác, sản xuất ngọc thạch chủ yếu của Myanmar và thuộc hàng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, tại đây cũng thường xuyên xảy ra nhiều vụ tai nạn, lở đất nghiêm trọng mà theo dân địa phương là do các công ty được các thế lực trong chính quyền “chống lưng” nên mặc sức khai thác theo kiểu tàn phá, bất chấp an toàn.
Một lý do khác là nhiều người tứ xứ đổ về khu vực này, đánh cược mạng sống để đào bới những đống đất đá thải ra nhằm tìm kiếm ngọc vụn, có khi bán được với giá cả ngàn USD một mảnh, theo AFP.
Ngoài ra, hồi tháng trước, Tổ chức Bảo vệ môi trường Global Witness (Mỹ) công bố báo cáo ước tính giá trị ngành khai thác ngọc thạch ở Myanmar trong năm 2014 lên tới 31 tỉ USD, gần bằng phân nửa GDP nước này. Tuy nhiên, con số được chính phủ công bố chính thức chỉ có 3,4 tỉ USD. Theo nhiều chuyên gia, lý do là vì phần lớn những sản phẩm chất lượng tốt nhất đều đã bị bán lậu sang Trung Quốc.
Bình luận (0)