Thống kê của Đại học Johns Hopkins tính đến sáng 25.4 cho thấy có 2,79 triệu người nhiễm Covid-19 trên toàn cầu, trong đó gần 196.000 người tử vong.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng những số liệu nói trên có thể chưa phản ánh đúng thực tế vì việc xét nghiệm còn hạn chế, nhiều nước chỉ xét nghiệm những ca bệnh nghiêm trọng.
Tại Mỹ, hơn 890.000 người bị nhiễm và số người tử vong đã vượt mốc 51.000 vào ngày 24.4, theo tờ The Washington Post.
Con số bệnh nhân và người tử vong dự kiến sẽ tiếp tục tăng ngay cả khi một số điểm nóng như bang New York được cho là đã qua đỉnh dịch. Tính đến nay lực lượng y tế đã tiến hành gần 4,7 triệu cuộc xét nghiệm tại Mỹ.
Ý là nước có số người tử vong nhiều thứ hai thế giới với gần 26.000 người trong gần 193.000 người bị nhiễm. Xếp sau đó về số người tử vong lần lượt là Tây Ban Nha (22.524 người), Pháp (22.278 người) và Anh (19.566 người).
|
Tây Ban Nha ghi nhận một số tín hiệu tích cực khi số ca tử vong ngày 24.4 tăng ở mức thấp nhất trong vòng 1 tháng và số người hồi phục lần đầu tiên cao hơn số ca nhiễm mới.
Quốc hội Tây Ban Nha vừa thông qua đề nghị kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ngày 9.5 trong khi Thủ tướng Pedro Sanchez thông báo sẽ bắt đầu nới lỏng phong tỏa vào giữa tháng 5 nhưng sẽ diễn ra chậm.
|
Tại Anh, chính phủ dự kiến sẽ xem xét về việc nới lỏng quy định phong tỏa từ ngày 7.5 nhưng đang chịu nhiều áp lực phải đưa ra kế hoạch cụ thể, theo AFP.
Tại Pháp, quyết định tương tự cũng dự kiến được đưa ra vào thời điểm đó nhưng giới chức y tế cho rằng Covid-19 vẫn đang lây lan ở mức cao, kêu gọi người dân tuân thủ quy định cách ly.
Tại Đức, nước có số ca nhiễm nhiều thứ năm thế giới (154.545 ca), nhà chức trách đang đề phòng cho “đợt sóng” thứ hai sau khi nới lỏng các quy định cách ly xã hội ngăn dịch.
Bình luận (0)