Ông Nguyễn Hồng Công từ chối tiếp xúc và không cho chụp ảnh - Ảnh: Xuân Vương |
Lúc 13 giờ 30, gặp ông Đinh Xuân Đại, Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn, hỏi chuyện và nhờ ông Đại chỉ cách gặp được ông Nguyễn Hồng Công. Ông Đại nói: "Việc ông Công tìm được vàng thật hay không thì xã không biết. Vì ông Công không báo cáo với chính quyền". Tuy nhiên, ông Đại một mực cho rằng: "Ông Công mắc bệnh hoang tưởng. Ông ta mới trở lại Hóa Sơn được hai tháng và mới dựng xong căn lều nhỏ chứ chưa đào...".
14 giờ, chúng tôi làm việc với ông Đinh Thanh Tiến, Trưởng công an xã Hóa Sơn. Ông Tiến cho biết: “Ông Công đi khỏi nơi đào vàng từ ngày 19.6. Sáng 20.6, công an xã viết giấy triệu tập và cùng lực lượng biên phòng đóng trên địa bàn xã tìm ông về trụ sở làm việc nhưng chưa thấy ông ấy đâu cả".
Khoảng 14 giờ 45 phút, công an xã tìm thấy ông Công và đưa về trụ sở UBND xã. Sau khi làm việc khoảng 1 tiếng, ông Công rời khỏi trụ sở ủy ban.
Chúng tôi tiếp cận nhưng ông lẩn tránh, không chịu tiếp xúc. Thấy chúng tôi đưa máy ảnh lên, ông tỏ thái độ rất bực bội rồi bỏ chạy thẳng về phía trước, lội băng qua con suối cạn. Chúng tôi cố gắng vượt lên thì ông quay mặt đi và lấy tay che ống kính máy ảnh. Trông ông dạo này khỏe hơn nhiều so với những ngày một mình chui sâu trong lòng đất đào từng xô đất đá xách ra.
Công an xã Hóa Sơn cho biết trước đó không lâu, ông có đến trao đổi với công an rằng ông đã tìm thấy kho báu trong hang cây đa (miệng hang có cây đa). Ông đưa tay vào và đã chạm được cửa kho báu. Nhưng lúc đó, nhìn trong hang ra ngoài sáng, ông thấy có người chặn lại. Hỏi ai chặn thì ông nói đó là người bị giết sau khi chôn vàng hiện về ngăn cản.
Ông Đinh Thanh Tiến, Trưởng công an xã Hóa Sơn, cho biết khi đến làm việc ở trụ sở ủy ban, ông Công có cầm theo tờ trình ghi ngày 11.6.2011 mà chúng tôi đã dẫn ở bài trước, tờ trình vẫn chưa được gửi đi.
Trong tờ trình này, ông Công viết rằng qua quá trình nghiên cứu và tự giải mã nay ông đã tìm được nơi cất giấu của cải của vua Hàm Nghi. Nhưng liền sau đó ông lại viết:
"Nhưng thực ra đây là công trình xây dựng, nơi cất giấu kho báu của vua Tự Đức trước khi quân Pháp xâm chiếm ba tỉnh miền Đông, Sài Gòn - Gia Định. Đây là công trình có sự chuẩn bị chu đáo, được lựa chọn và lợi dụng vào một hẻm núi do hai khe nhỏ tạo nên. Sau khi chuyển hai con suối cạn chảy về hai hướng phía trên, họ đã cải tạo lòng khe thành một đường hào sâu 18m, dài 100m. Miệng hai bờ sông rộng 50m, đáy rộng 2m với tỏa y là 50 độ, phía dưới đáy xếp đá hộc, có kẽ hở để thoát nước và sát vách bên phải từ ngoài vào để hở 3x5 cm. Từ 9m trở lên chắn ngang 5 dãy đá, mỗi dãy dày 5m, cao 9m đè ngang lên dãy đá chặn dọc phía dưới, mỗi dãy đá chắn ngang dài 50m. Sau đó lấp đất đá ngang bằng với mặt bằng tự nhiên của sườn khe và phủ lên 1m đất. Sau đó toàn bộ bề mặt 5.000 mét vuông đất được lợp phía trên một lớp đá hộc. Những hòn đá được gắn dày và to 0,5m tạo cho giống đá tự nhiên...".
Ông Công mô tả, khi làm xong công trình thì trả lại dòng chảy tự nhiên cho hai dòng suối để xóa dấu vết, sau đó đặt tên cho khe, thôn, làng xã... để nhớ nơi cất giấu. Ông Công cho rằng để tạo ra công trình như thế vào thời điểm đó phải cần 200 quân lính làm việc trong 3 năm, khai thác một lượng đất đá 30 triệu mét khối...
Ông viết: "Để trả lời được bí ẩn công trình này, tôi phải trả giá mất gần 30 năm và tiêu tốn gần 2 tỉ đồng. 1.825.000.000đ" (con số sau chắc ý ông muốn nói chính xác ra). Từ đó, ông yêu cầu được hưởng 20% giá trị kho báu thay vì 10% như các tờ trình trước.
Ông Đinh Thanh Tiến cho biết thêm, trong cuộc làm việc nói trên, ngoài việc đưa tờ trình, ông Công còn đề nghị cán bộ xã đề nghị lên huyện, tỉnh lập am thờ để cúng bái vong linh nghĩa quân và những người chôn kho báu trước khi khai quật. Còn nếu không lập am thờ thì bản thân ông cũng "không dám sờ vào" mà tỉnh có muốn khai quật cũng không được.
Lãnh đạo UBND, công an xã yêu cầu ông Công đăng ký tạm trú tại địa phương thì khi đi đâu phải báo tạm vắng; muốn làm (đào bới tìm kho báu) phải xin phép để xã trình lên trên; từ nay ông không được tiếp xúc với người lạ, không được tự ý cung cấp thông tin không xác thực làm cho mọi người hiếu kỳ tìm đến và có thể đào bới gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Ông Công hứa chấp hành.
Cũng như ông Công đã hứa chấp hành nhiều năm trước, yên ắng một thời gian, ông lại tiếp tục công việc tìm kho báu giữa chốn rừng thiêng với một suy đoán hết sức mơ hồ.
Ông đã gần 60 tuổi và đã mất 30 năm cô độc.
Nguyễn Thế Thịnh - Quang Nam - Xuân Vương
Bình luận (0)