Đây là phần thưởng ghi nhận những nỗ lực của ngành điện miền Nam trong gần 40 năm vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ, đóng góp lớn vào thành tựu kinh tế - xã hội chung của 21 tỉnh thành phía Nam.
Dự án kéo điện từ đất liền ra đảo Phú Quốc là một trong những thành tựu nổi bật của EVN SPC - Ảnh: Đình Tuyển |
Nhớ lại những ngày đầu
Tháng 8.1976, Công ty Điện lực miền Nam chính thức ra đời, chịu trách nhiệm quản lý điện từ Thuận Hải, Lâm Đồng đến Minh Hải. Đến tháng 5.1981 được đổi tên thành Công ty Điện lực 2, tiền thân của Tổng công ty Điện lực miền Nam ngày nay. Những ngày đầu mới thành lập, cơ sở rất nghèo nàn, công suất nguồn điện khoảng 800 MW, sản lượng điện là 1.253 triệu kWh (chiếm 48,52% cả nước). Ông Phạm Khai, nguyên Giám đốc Công ty Điện lực miền Nam, nhớ lại: “Lúc bấy giờ vô cùng khó khăn, các nhà máy phát điện hoạt động trong tình trạng thiếu dầu, các linh kiện thiết bị, phụ tùng hư hỏng không có dự phòng để thay thế. Lưới truyền tải 230 kV, 66 kV vận hành độc lập theo các vùng miền, lưới điện phân phối tập trung chủ yếu tại TP.HCM, rất nhiều vùng chưa hề có điện, hoạt động sản xuất, phân phối điện manh mún, chắp vá”.
Với tinh thần lao động sáng tạo, Công ty Điện lực miền Nam đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả, huy động lực lượng tham gia và chỉ trong 6 tháng đã hoàn thành nhiệm vụ khôi phục Nhà máy thủy điện Đa Nhim, củng cố các nhà máy nhiệt điện khác… Công suất nguồn toàn miền Nam tăng thêm 34,7%, góp phần đạt sản lượng 1.279 triệu kWh vào cuối năm 1976. Sau đó, hàng loạt các công trình xây dựng đường dây 220 kV từ TP.HCM về Cần Thơ, nâng cấp lưới điện từ 15 kV lên 66 kV và 110 kV được thực hiện, phát triển rộng rãi lưới điện đưa ánh sáng về nông thôn. Đến năm 2001, đưa điện lưới quốc gia vượt sông Tiền, sông Hậu về tận Đất Mũi (Cà Mau).
Theo ông Khai, có được thành tựu ấy chính là nhờ ý thức trách nhiệm về vai trò quan trọng của điện, tạo nên động lực mạnh mẽ để từng người thợ điện phấn đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Vượt khó và tăng tốc
Đất nước càng phát triển, nhu cầu điện năng càng tăng cao. Đây được xem là một thách thức lớn đối với ngành điện miền Nam. Giai đoạn 2009 - 2013, có những thời điểm hệ thống điện bị thiếu hụt công suất, kinh tế khó khăn, thời tiết mưa bão ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh duyên hải từ Ninh Thuận đến Cà Mau, lũ đầu nguồn sông Cửu Long liên tục xảy ra ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, gây nhiều thiệt hại cho lưới điện.
Tuy nhiên, với tinh thần “Điện đi trước một bước”, EVN SPC đã nỗ lực phấn đấu để luôn vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định, đáp ứng cơ bản và chất lượng điện cho phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Những năm khó khăn như vậy, sản lượng điện thương phẩm vẫn đạt 256.986 triệu kWh; doanh thu 191.970 tỉ đồng; nộp ngân sách 2.167 tỉ đồng. Quan trọng hơn, từ chỗ chỉ có khoảng 2,5% số hộ dân có điện năm 1975, đến nay đã có 98,7% hộ dân có điện.
Đặc biệt, nhiều dự án đầu tư, cải tạo lưới điện quan trọng được triển khai như: tuyến cáp ngầm 110 kV xuyên biển từ Hà Tiên ra Phú Quốc; dự án cấp điện cho 10.000 ha nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau; cấp điện các trạm bơm nông nghiệp ở An Giang; cấp điện trồng thanh long ở Bình Thuận… Nỗ lực xuất sắc của ngành điện miền Nam đã được ghi nhận khi Chủ tịch nước ký quyết định trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất.
Đón nhận phần thưởng cao quý này, ông Nguyễn Thành Duy, Tổng giám đốc EVN SPC, phấn khởi nói: “Huân chương Độc lập hạng nhất là niềm vinh dự, tự hào rất to lớn đối với toàn thể Tổng công ty. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nỗ lực vượt khó để nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực cung ứng điện, chất lượng dịch vụ đối với khách hàng, đảm bảo phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn”.
Đình Tuyển
Bình luận (0)