Gần 50.000 tỉ đồng cho giao thông TP.HCM

05/03/2012 03:09 GMT+7

Theo Sở GTVT TP.HCM, dự kiến nhu cầu vốn năm nay cao gần gấp đôi năm ngoái, lên đến 46.800 tỉ đồng nhưng chỉ có thể huy động được gần 41.200 tỉ đồng, thiếu hụt khoảng 5.600 tỉ đồng.

Nguồn vốn khổng lồ này là để triển khai đồng loạt các dự án lớn, trọng điểm của TP nhằm mở rộng, nâng cấp hệ thống hạ tầng đã quá tải, xuống cấp.


Cầu Thủ Thiêm có vốn đầu tư 1.450 tỉ đồng, thông xe từ đầu năm 2008 đến nay vẫn chưa thể cho xe tải, container đi qua vì chưa hoàn thành mạng lưới đường kết nối - ảnh: Diệp Đức Minh

Xây mới 1 triệu m2 đường

Cụ thể, trong năm nay TP sẽ xây mới thêm 1 triệu m2 đường, khởi công nhiều cây cầu, trong đó đặc biệt tập trung hoàn thiện các trục giao thông hướng tâm, khai thông các tuyến cửa ngõ.

Ở cửa ngõ đông bắc, TP sẽ mở nút thắt “cổ chai” tại cầu Sài Gòn bằng cách khởi công dự án cầu Sài Gòn 2 dự kiến vào tháng 4. Đây là một trong những dự án huy động vốn tư nhân, do Công ty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật (CII) làm chủ đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), tổng đầu tư hơn 1.200 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành sau 22 tháng.

Một dự án đóng vai trò chiến lược là tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (tuyến metro số 1) cũng sẽ khởi công hạng mục chính trong năm nay. Thực tế dự án này đã khởi công hạng mục phụ (depot bảo dưỡng, tường rào bảo vệ) từ năm 2008, song do vướng mặt bằng nên vẫn chưa thể tiến hành xây dựng hạng mục chính. Tuyến metro này được kỳ vọng tạo cú hích cho giao thông công cộng TP.HCM, dự kiến khi đi vào hoạt động trong giai đoạn 2014 - 2020.

Cũng trong năm nay, dự án cầu đường Bình Triệu 2 dự kiến tái khởi động sau hơn 10 năm đình trệ nhằm giải quyết giao thông trên trục QL13. Cầu Thủ Thiêm 2 kết nối trung tâm TP và khu đô thị mới Thủ Thiêm trong tương lai cũng khởi công trong năm nay với tổng đầu tư khoảng 1.600 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, TP tập trung vốn thi công và hoàn thành các công trình trọng điểm như liên tỉnh lộ 25B, cầu Rạch Chiếc trên xa lộ Hà Nội, mở rộng tỉnh lộ 10 và xây dựng tỉnh lộ 10B, đường Bến Vân Đồn, đường Nguyễn Thị Thập, cầu Suối Cái, cầu Rạch Tra, cầu kinh Thanh Đa, cầu Đỏ... Hai trục cửa ngõ là xa lộ Hà Nội và đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài cũng dự kiến đưa vào sử dụng một phần.

TP phối hợp Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ thi công đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, khởi công đường cao tốc liên vùng phía nam, mở rộng QL50 và đường nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường nối Tân Tạo - Chợ Đệm (của đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương)...

Sử dụng vốn còn thiếu hiệu quả

 

Ưu tiên vốn cho các công trình quan trọng

Năm 2012, TP.HCM sẽ tập trung bố trí đủ vốn đầu tư các dự án để khép kín đường Vành đai 2 và hoàn thiện các đường giao thông hướng tâm, các công trình trọng điểm và các nút giao thông quan trọng.

Năm nay cũng sẽ tập trung thi công và hoàn thành các công trình như: đường Vành đai phía đông đoạn từ liên tỉnh lộ 25B đến cầu Rạch Chiếc; liên tỉnh lộ 25B; cầu Rạch Chiếc trên xa lộ Hà Nội; tỉnh lộ 10; tỉnh lộ 10B; đường Bến Vân Đồn; cầu Suối Cái; cầu Rạch Tra; cải tạo bờ bắc và bờ nam dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ đến đường Nguyễn Hữu Cảnh; đường Nguyễn Thị Thập... Đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa từng phần hoàn thành đi vào khai thác tại các dự án: cầu kinh Thanh Đa; cầu Đỏ; xa lộ Hà Nội; đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài...

M.Vọng

Sở GTVT thừa nhận một số công trình triển khai còn chậm, đặc biệt là các công trình trọng điểm. Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP, tại buổi lễ thông xe cầu Phú Long mới đây cũng đã lưu ý vấn đề này. Theo ông Tín, cầu Phú Long xây dựng trong 3 năm là hơi chậm, yêu cầu Sở GTVT rút kinh nghiệm để đẩy nhanh công tác thi công. Nhưng ngành giao thông cũng có “lý do chính đáng” là do vướng giải tỏa và thiếu vốn đầu tư. Cụ thể các công trình như xa lộ Hà Nội, đoạn đường nối từ đại lộ Đông Tây phía Q.2 với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây... đều đang phải chờ mặt bằng để thi công.

Thạc sĩ Phạm Sanh, Đại học GTVT TP.HCM, cho rằng để tăng vốn cho giao thông, TP cần tích cực huy động vốn tư nhân thông qua các hình thức BT, BOT, PPP. Mặt khác, trong điều kiện vốn còn hạn chế, ngành giao thông càng phải biết quý đồng tiền, sử dụng vốn thật hiệu quả. Trước khi đầu tư dự án, phải đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi, cấp thiết, dự án nào cần thì đầu tư trước, chưa cần thì làm sau, không nên rót vốn tràn lan, dàn trải.

Thực tế, thời gian qua cho thấy nhiều công trình giao thông đầu tư hàng nghìn tỉ đồng song vẫn chưa phát huy hiệu quả. Chẳng hạn, cầu Thủ Thiêm vốn đầu tư lên đến 1.450 tỉ đồng, thông xe từ đầu năm 2008 đến nay vẫn chưa thể cho xe tải, container đi qua vì chưa hoàn thành mạng lưới đường kết nối.

Cầu Phú Mỹ cũng được kỳ vọng rất nhiều trong việc giải tỏa giao thông và chia tải cho cầu Sài Gòn, nhưng từ khi thông xe năm 2009 và nhất là sau khi tiến hành thu phí đầu 2010, lượng xe qua cầu ngày càng thưa thớt.

Mới đây, Bộ Xây dựng tiến hành thanh tra và cũng phát hiện hàng loạt thiếu sót trong công tác quản lý tại công trình cầu đường Nguyễn Văn Cừ, làm đội vốn và chi sai khoảng 3 tỉ đồng.

Rất nhiều dự án khác do chậm trễ đã khiến vốn đầu tư bị đội lên cao như Vệ sinh môi trường, Cải thiện môi trường nước, đại lộ Đông Tây, cầu Hoàng Hoa Thám...

Mai Vọng - Tuấn Đạt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.