Sau gần 4 năm chuyển đến nơi ở mới, 878 hộ dân tái định cư của
H.Quế Phong (Nghệ An) có nguy cơ bị đói vì chưa được cấp đất sản xuất.
Người dân bản Huồi Muộng (xã Tiền Phong) lo thiếu đói vì gạo hỗ trợ sắp hết - Ảnh: Khánh Hoan |
Những hộ dân này nằm trong số hơn 1.300 hộ dân phải rời bỏ nhà cửa, ruộng nương đến ở tại 13 điểm tái định cư thuộc các xã Đồng Văn, Thông Thụ, Tiền Phong để nhường đất cho thủy điện Hủa Na. Dù thủy điện đã khánh thành, phát điện từ cuối năm 2013 nhưng đến nay, phần lớn người dân vẫn phải “ngồi chơi xơi nước” vì không có đất sản xuất.
“Không biết lấy gì mà ăn”
Đứng tựa vào hàng rào, phía sau là những ngôi nhà sàn khá đẹp, bà Vi Thị Yến (bản Huồi Cụt, xã Tiền Phong) than thở: “Nhà đẹp, đường cũng đẹp nhưng về đây sống khổ hơn nơi cũ. Ở quê cũ nhà tui có nhiều ruộng, mỗi năm thu được hơn 2 tấn lúa, đất rừng thì trồng quế, cá thì dưới suối rất nhiều, tha hồ ăn chứ không phải khổ sở như về đây”.
Năm 2011, bà Yến cùng 136 hộ dân về bản này sinh sống, được chủ đầu tư hỗ trợ tiền dựng nhà, mỗi người mỗi tháng 30 kg gạo trong vòng 4 năm và hứa sẽ được chia mỗi người 200 m2 đất ruộng, 300 - 400 m2 đất vườn và 3 ha đất rừng. Thế nhưng, đến nay, gia đình bà chỉ mới được chia 3 ha đất rừng, còn đất vườn và đất ruộng chưa có tấc nào.
“Đất rừng họ chia nhưng không cắm mốc, không biết chỗ nào để trồng cây nên đang để không. Đất vườn và đất ruộng không có, cả nhà phải đi vào rừng hái măng. Hết mùa măng thì về ngồi không, chẳng biết làm gì”, bà Yến than thở.
Trưởng bản Huồi Cụt Hà Văn Phòng cho biết, đến nay, cả bản chưa được chia ruộng nước, như lời hứa ban đầu của UBND huyện và chủ đầu tư thủy điện. Đất rừng đã được chia từ năm 2013, mỗi hộ từ 1 - 3 ha.
“Nhiều hộ ở đây cũng đang kêu bị thiếu đất rừng nhưng UBND huyện và chủ đầu tư vẫn chưa vào đo lại. Đất rừng khi chia, họ phun sơn lên cây để làm mốc nhưng sau đó dân chặt cây, mất dấu nên chưa nhà nào dám trồng cây vì sợ trồng lên đất người khác”, ông Phòng nói.
Theo thỏa thuận, chủ đầu tư thủy điện sẽ hỗ trợ cho người dân gạo ăn trong vòng 4 năm chia thành 16 lần. Đến nay, bản này đã được hỗ trợ 14 lần gạo. “Còn 6 tháng nữa là hết gạo hỗ trợ, nếu không có ruộng thì dân sẽ không biết lấy gì ăn”, ông Phòng lo lắng.
Tại bản Huồi Muộng (xã Tiền Phong), 118 hộ dân cũng đến tái định cư từ năm 2011. Nhìn những căn nhà sàn mới nằm dọc hai bên đường được rải nhựa hoặc đổ bê tông, tưởng rằng người dân nơi đây có cuộc sống ấm no. Thế nhưng, họ vẫn đứng ngồi không yên khi cái đói đang cận kề, trong khi đất sản xuất chưa có.
“Không có ruộng, không có rừng, nhà ta phải đi làm thuê, nhưng cũng không ai thuê”, anh Lô Văn Dung, bản Huồi Muộng than thở. Trưởng bản Huồi Muộng Lô Văn Thứ cho biết, một số hộ đã phải đóng cửa nhà, vào lại quê cũ để làm ăn, đánh cá vì nếu cứ ở nhà thì chết đói.
Có thể thất hứa với dân
Ông Trương Minh Cương, Phó chủ tịch UBND H.Quế Phong thừa nhận, việc cấp đất cho người dân tái định cư thủy điện Hủa Na là quá chậm do lỗi của chủ đầu tư. Theo ông Cương, đến nay mới chỉ cấp khoảng 40% diện tích đất sản xuất cho dân, trong đó, đất rừng và đất vườn mới có 5/13 điểm tái định cư được cấp đủ, đất ruộng có 6/13 điểm đã được cấp.
“Có khả năng chính quyền và chủ đầu tư sẽ phải thất hứa với người dân ở 5 điểm tái định cư trên địa bàn vì chi phí khai hoang đất ruộng quá cao”, ông Cương nói.
Theo ông Cương, khi quy hoạch, đơn vị tư vấn đã không tính toán được sự thay đổi môi trường nên khi làm xong đường thì diện tích đất nông nghiệp dự kiến cấp cho người dân bị thiếu nước, hoang hóa. UBND huyện đang vận động người dân chuyển sang nhận nuôi 1 con bò thay cho nhận 200 m2 đất ruộng, nhưng dân không chịu vì sợ nhận bò, bò chết thì bị đói.
“UBND huyện đang làm thủ tục chuyển đổi và sẽ cấp đủ đất rừng cho dân. Riêng đất ruộng thì đang rất khó. Chúng tôi đang vận động dân để họ nhận bò về nuôi, nếu không sẽ phải chấp nhận phương án phục hồi đất hoang hóa thành đất ruộng để cấp cho người dân, dù dự kiến chi phí cải tạo đất sẽ rất lớn”, ông Cương nói.
Bình luận (0)