Gắn hộp đen để đối phó

16/02/2012 03:29 GMT+7

Theo Nghị định 91, từ đầu năm 2012 xe khách chạy trên 300 km, xe buýt, xe hợp đồng phải gắn thiết bị giám sát hành trình (hộp đen). Tuy nhiên, việc gắn hộp đen nảy sinh rất nhiều bất cập.

Theo Nghị định 91, từ đầu năm 2012 xe khách chạy trên 300 km, xe buýt, xe hợp đồng phải gắn thiết bị giám sát hành trình (hộp đen). Tuy nhiên, việc gắn hộp đen nảy sinh rất nhiều bất cập.

Mua hộp đen chuẩn ở đâu?

Anh Nguyễn Văn Hải, xã viên của Hợp tác xã vận tải Sơn Lâm, TP.HCM cho biết: Theo quy định, tôi buộc phải gắn hộp đen, nếu không, khi đăng kiểm sẽ không được chấp nhận và xe không được phép lưu hành. Trong khi đó, gắn một hộp đen, phải bỏ ra từ 3,5 triệu đồng trở lên. Tôi thực sự lúng túng không biết gắn ở đâu, mua ngoài thị trường gắn hay đến các công ty bán hộp đen để gắn? Mua bên ngoài liệu có được chấp nhận, còn các công ty chuyên gắn hộp đen liệu có đúng chuẩn, có uy tín, chất lượng?

Nhiều chủ xe là xã viên các HTX vận tải cũng có ý kiến tương tự. Hiện nay, giá của hộp đen rất khác nhau, rẻ thì 3,5 triệu, đắt thì 6 triệu, hoặc có loại giá trên 10 triệu đồng. Hàng Việt Nam, Trung Quốc, hàng do công ty cung cấp, bán ở lề đường cũng có, còn chất lượng thì chưa biết ra sao. Ông Hồ Văn Hưởng - Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết hiện có gần 30 đơn vị được phép cung cấp và lắp hộp đen cho xe, mỗi đơn vị đưa ra một giá khác nhau. “Xã viên các HTX có nhu cầu gắn hộp đen nên đăng ký với ban chủ nhiệm, ban chủ nhiệm  sẽ đứng ra lựa chọn nhà cung cấp hộp đen có uy tín, giá cả hợp lý để ký kết hợp đồng gắn hộp đen cho xe của xã viên. Khi xảy ra vấn đề với hộp đen, xã viên cứ khiếu nại với ban chủ nhiệm” - ông Hưởng đề nghị.

 
Hộp đen sẽ giúp ích rất nhiều cho việc quản lý trong lĩnh vực giao thông vận tải - Ảnh: Thanh Đông

Chỉ để đối phó

Hộp đen nhằm để lưu giữ các thông tin hành trình, tốc độ vận hành, số lần và thời gian dừng đỗ, đóng hoặc mở cửa xe, thời gian lái xe... Khi có tai nạn xảy ra, hộp đen sẽ là chứng cứ rất đắc lực cho việc điều tra.

Hiện nay, đối với các xe do cá nhân sở hữu, là xã viên của HTX, việc gắn hộp đen chỉ nhằm đối phó là chính. Anh Trần Văn Tuấn - chủ xe 16 chỗ, thành viên của một HTX vận tải cho biết: “Do xe tôi phải đăng kiểm vào đầu năm nay nên tôi mua đại một hộp đen trôi nổi gắn cho qua đăng kiểm. Còn chất lượng ra sao, tôi chẳng quan tâm”. Nhiều chủ xe khác chờ đến 1.7.2012 (thời điểm CSGT bắt đầu kiểm tra và xử phạt nếu xe khách không gắn hộp đen - PV) mới gắn hộp đen.

Giám đốc một đơn vị chuyên cung cấp thiết bị giám sát hành trình có trụ sở tại TP.HCM cho biết: Khách hàng gắn hộp đen hiện nay chủ yếu là các công ty vận tải lớn như Mai Linh, Phương Trang, Thành Bưởi… Đối với công ty vận tải, việc làm này hoàn toàn có lợi vì họ theo dõi được hành trình xe, quản lý được tài xế. Còn lại, đa số khách có xe cá nhân, là xã viên HTX thì việc gắn hộp đen chỉ nhằm để đối phó. Chỉ cần ra lề đường, mua một hộp đen, giá rẻ hơn 30% so với hàng công ty để gắn, thế là xong.

Theo ông Nguyễn Đình Thuận - Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 5003S (QL13, Thủ Đức, TP.HCM): “Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã tiến hành kiểm tra hộp đen trên các xe bắt buộc gắn. Tuy nhiên, việc kiểm tra chỉ dừng lại ở việc xe có gắn hộp đen hay không, còn quy định về chất lượng ra sao, hợp chuẩn hay không thì vẫn chưa kiểm tra vì chưa có văn bản hướng dẫn. Có lẽ đến ngày 1.7, Cục Đăng kiểm mới có văn bản hướng dẫn cụ thể”.

Thanh Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.