Trên thành nhiều cây cầu đẹp ở các thành phố lớn đã xuất hiện những 'ổ khóa tình yêu' của các đôi uyên ương treo lủng lẳng một cách tự phát
và 'phong trào' đang có vẻ ngày càng lan rộng.
Gắn khóa tình yêu trên cầu tình yêu Đà Nẵng - Ảnh: Huy Đạt |
Có nên cho gắn khóa tình yêu trên cầu không, gắn thế nào, gắn ở đâu đã trở thành việc đáng phải bàn.
Nhu cầu… gắn khóa
|
Không chỉ ở Cần Thơ, cũng chẳng riêng ở VN, một số người muốn gắn khóa lên cầu để bày tỏ tình yêu của mình với ai đó. “Nghi lễ” khóa tình yêu khá tương đồng về hình thức: đôi uyên ương dùng ổ khóa khóa lên cầu mong tình yêu mãi bền vững, rồi ném chìa khóa xuống sông. Tại TP.HCM, dọc hai bên thành cầu Thủ Thiêm cũng có nhiều ổ khóa được các bạn trẻ khóa vào thành cầu. Cầu Long Biên (Hà Nội), trước năm 2011 cũng từng có nhiều khóa tình yêu, nhưng đến năm 2011, không biết vì lý do gì hàng loạt khóa trên cầu bỗng nhiên biến mất. Khóa tình yêu cũng được thấy trên cầu Tràng Tiền, Huế.
Nằm trong chuỗi công trình Bến du thuyền và CLB Thể thao dưới nước của Công ty CP DHC-Marina, cầu tình yêu ở TP.Đà Nẵng được xây dựng theo ý tưởng những cây cầu treo ổ khóa tình yêu nổi tiếng trên thế giới như Pont des Arts (Pháp), Hohenzollern (Đức), Milvio (Ý) hay Tretriakovsky (Nga). Trên thành cầu là ổ khóa của những cặp tình nhân mắc vào, lưu giữ lại với mong muốn tình yêu của họ được vĩnh cửu. Mỗi ngày, cầu tình yêu đón hàng trăm lượt người đến tham quan. Dịp lễ Tình nhân, ngày Quốc tế phụ nữ 8.3, cầu tình yêu luôn trong tình trạng quá tải. Theo lãnh đạo Sở VH-TT-DL, cầu tình yêu hoạt động từ hơn 1 năm nay thực sự là điểm dừng chân mới đầy thu hút cho du khách khi đến với Đà Nẵng.
Tình yêu không cồng kềnh, nặng nề
Nếu được cho phép, cầu đi bộ Cần Thơ sẽ trở thành cây cầu đầu tiên do nhà nước xây dựng được phép treo khóa tình yêu trong cả nước. Nó khác hẳn với những cây cầu người dân tự phát treo khóa lên. Điều đó cũng có nghĩa là kèm theo nó sẽ phải có một đề án, những tính toán kỹ thuật cụ thể để không ảnh hưởng tới sức tải của cây cầu.
Sức tải của thành cầu này, theo một kiến trúc sư, hoàn toàn có thể tính được. Chỉ có điều sau đó thì bỏ khóa đi đâu, lại là chuyện khác. “Có thể phải bỏ đi bằng cách chọn ngẫu nhiên. Như thế thì có thể người dân lại không thích lắm”, kiến trúc sư này cho biết. Ông Phạm Trung Lương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, cho rằng không cần phải sợ việc gắn khóa tình yêu bị cho là lai căng văn hóa. Tuy nhiên, cần phải có một cảnh quan phù hợp với khóa tình yêu. “Cảnh quan ở đó nên được xây dựng sao cho thật lãng mạn”, ông nói.
Bà Nguyễn Thu Thủy, công tác tại Trường ĐH KHXH-NV - ĐH Quốc gia Hà Nội, nhận xét điều quan trọng là cần đảm bảo “sức khỏe” cho cầu. Vì thế, có thể dùng nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, có nước trồng cây sắt trên đó có thể treo khóa được nhiều hơn. “Nếu treo thì nên khuyến cáo treo loại khóa nhỏ, nhiều màu. Ở Trung Quốc, thay vì treo khóa người ta treo chuông, nhẹ hơn và kêu vui tai”, bà Thủy nêu ý kiến.
Về việc treo khóa này, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu âm nhạc, đề xuất có thể kết hợp khóa tình yêu với văn hóa bản địa. Nhiều dân tộc ở VN có một loại “khóa tình yêu” đặc biệt là buộc chỉ cổ tay. Buộc chỉ cổ tay cũng là một nghi lễ cầu may với nhiều dân tộc. Loại khóa này theo ông Loan rất nhẹ, lại có ý nghĩa. “Dùng chỉ có phải hay hơn cái khóa không. Cái khóa nó vừa công nghiệp, vừa cồng kềnh. Nếu đây dùng sợi chỉ bằng nhựa thì có phải đẹp bao nhiêu, có thể còn sáng tạo kết chỉ theo tên từng người rồi buộc với nhau thì đẹp biết mấy. Sợi bằng ni lông thì cũng bền với thời gian chẳng kém gì khóa”, ông nói.
Bình luận (0)