Gần một năm Hà Nội vẫn chưa phản hồi vụ 'bôi trơn' sổ đỏ

24/08/2015 20:08 GMT+7

(TNO) Sau gần một năm cung cấp bằng chứng về vụ “bôi trơn” sổ đỏ cho TP.Hà Nội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương vẫn chưa nhận được câu trả lời.

(TNO) Sau gần một năm cung cấp bằng chứng về vụ “bôi trơn” sổ đỏ cho TP.Hà Nội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Sỹ Cương vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Boi-tron-so-doĐBQH Nguyễn Sỹ Cương phát biểu tại phiên họp chiều 24.8 - Ảnh: Trường Sơn

Đây là thông tin ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết tại phiên thảo luận của ĐBQH chuyên trách về Dự án luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân chiều nay (24.8).

Đánh giá cao việc dự thảo đưa quy định về việc ĐBQH khi chất vấn có thể cung cấp bằng chứng thông tin nhưng ĐB Nguyễn Sỹ Cương cũng đề nghị quy định không bắt buộc vấn đề này.

Theo ĐB Cương, khi ĐBQH tiếp xúc cử tri, người dân nêu vấn đề bức xúc, ĐBQH tiếp thu và khi thấy ý kiến cử tri có lý thì ĐBQH nêu vấn đề với các đối tượng bị chất vấn, ví dụ như các thành viên Chính phủ.

Lý do ĐB Cương đề nghị không bắt buộc ĐBQH phải cung cấp bằng chứng là do “trách nhiệm của đối tượng bị chất vấn là phải tìm hiểu xác minh để trả lời vấn đề đó có hay không chứ hiện tại không có cơ chế nào cho ĐBQH có thể điều tra xác minh cả”.

Theo ĐB Cương, lâu nay khi chất vấn hay có chuyện yêu cầu “bằng chứng đâu” nhưng thực tế không có cơ chế nào cho ĐBQH thực hiện điều đó. Ông Cương cho rằng, nếu ĐBQH khi chất vấn đưa được bằng chứng thì quá tốt nhưng thực tế việc đưa ra được bằng chứng nhiều khi cũng không thể hiện được tác dụng.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương dẫn chứng việc ông đã cung cấp bằng chứng về việc người dân phản ánh phải mất 8 triệu đồng “bôi trơn” mới được cấp sổ đỏ cho Hà Nội hồi 9.2014.

“Bằng chứng đã được tôi cung cấp cho thanh tra chuyển cơ quan điều tra, đến nay đã gần một năm nhưng vụ việc vẫn treo đó không có câu trả lời”, ông Cương cho biết.

Không quy định chặt giám sát sẽ vô tình tiếp tay sai phạm

Quoc-hoiTheo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay chất lượng giám sát kể cả hoạt động giám sát tối cao còn hạn chế - Ảnh: Trường Sơn

Ông Bùi Mạnh Hùng, Phó trưởng đoàn ĐBQH Bình Phước cho rằng, các hoạt động giám sát hiện nay thực tế vẫn nặng tính hình thức, “cưỡi ngựa xem hoa”. Theo ông Hùng, các quy định trong dự luật tạo ấn tượng hoạt động giám sát chỉ là “xem xét”. 

“Giám sát tối cao của Quốc hội có 7 việc thì có 6 việc là “xem xét”, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 10 việc, thì có 5 việc là “xem xét”, 4 việc khác là “giám sát” nhưng cũng có yếu tố “xem xét”…, ông Hùng cho biết.

“Không có kiểm tra, chỉ nghe báo cáo không chính xác có thể dẫn đến những đánh giá không chính xác, thiếu căn cứ thậm chí hợp thức hoá cho sai phạm. Ví dụ có trường hợp đoàn giám sát đã có kết luận, khi cử tri có ý kiến với nơi bị giám sát thì họ nói Quốc hội đã có kết luận đây... Cử tri biết họ làm sai nhưng Quốc hội đã kết luận thì cử tri cũng không làm gì được”, ông Hùng nói.

Không để kết quả giám sát “trôi đâu mất”

Thể hiện quan điểm về dự luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng vấn đề hệ quả pháp lý sau giám sát chưa được quy định rõ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay chất lượng giám sát kể cả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân cũng như của các ĐBQH còn hạn chế. Nhiều hoạt động giám sát nhưng kết quả “trôi đi đâu mất”.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, dự luật nên quy định theo hướng sau khi thực hiện giám sát phải có kết luận cho dù đó là giám sát theo đoàn hay giám sát của chỉ một ĐBQH. Chủ thể giám sát chịu trách nhiệm về tính chính xác kết luận mình đưa ra nhưng đồng thời đối tượng giám sát phải theo kết luận này. “Đây mới là then chốt nâng cao chất lượng giám sát”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.