Gắn thi đua yêu nước với xây dựng con người VN thời kỳ mới

27/12/2010 13:00 GMT+7

(TNO) Sáng nay 27.12, Đại hội (ĐH) thi đua yêu nước toàn quốc lần VIII đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội với sự tham dự của 1.500 đại biểu (ĐB). >> Thi đua yêu nước: Tận tâm và nhìn xa >> Xả thân chống tham nhũng

Dự Đại hội có Tổng bí thư Nông Ðức Mạnh, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Thường trực Ban bí thư Trương Tấn Sang, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, các Phó chủ tịch nước, Phó thủ tướng Chính phủ, và Phó chủ tịch Quốc hội,  các Ủy viên T.Ư Ðảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở T.Ư và lãnh đạo các địa phương, các vị lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng (TĐ-KT) T.Ư nhiệt liệt chào mừng các ĐB về dự ĐH và khẳng định: “1.500 ĐB đại diện các tập thể Anh hùng, các Anh hùng, Chiến sĩ Thi đua toàn quốc, các điển hình tiên tiến của các địa phương, các lĩnh vực, các dân tộc, tôn giáo trên khắp mọi vùng miền của Tổ quốc… là những tấm gương tiêu biểu, những bông hoa tươi thắm nhất trong vườn hoa thi đua của cả nước”.

Theo Thủ tướng, phát huy truyền thống thi đua ái quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, thực hiện Chỉ thị số 39 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến, từ sau ĐH thi đua yêu nước toàn quốc lần VII đến nay, công tác thi đua và khen thưởng trong cả nước tiếp tục được phát triển, cổ vũ động viên được các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân ra sức thi đua phấn đấu, khắc phục khó khăn, đạt kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương các đại biểu dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc - Ảnh: N.Minh

Thi đua không phải vì khen thưởng

Báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2006 - 2010, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2011 - 2015, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng TĐ-KT T.Ư cho biết, 5 năm qua, hưởng ứng các cuộc phát động thi đua yêu nước của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận tổ quốc, các bộ, ban, ngành, đoàn thể nhân dân và các địa phương trong cả nước đã có nhiều đổi mới trong hoạt động, tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi, với các hình thức thi đua đa dạng, phong phú, có sức lan tỏa.

Nội dung thi đua được gắn kết với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đấu tranh phòng chống tham nhũng”, thi đua thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tuy nhiên, báo cáo tổng kết cũng chỉ ra những nhược điểm, hạn chế của phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua. Đó là: phong trào thi đua có nơi còn biểu hiện hình thức, thiếu thường xuyên, liên tục, phát động nhưng thiếu các biện pháp tổ chức cần thiết bao gồm cả điều kiện và nguồn lực cán bộ để làm nòng cốt cho phong trào.

Nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu thi đua - khen thưởng giai đoạn 2011 - 2015 cũng được nêu trong báo cáo. Đáng chú ý là “phong trào thi đua phải nhằm tập trung giải quyết những nhiệm vụ công tác trọng tâm như: Phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực…, đồng thời góp phần giải quyết những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn như: Ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, giảm thiểu tai nạn giao thông, xóa đói giảm nghèo...”.


Các đại biểu dự Đại hội - Ảnh: N.Minh

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh đến một số nhiệm vụ phong trào thi đua yêu nước cần tập trung thực hiện, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là phải “tiếp tục tạo sự chuyển biến sâu sắc hơn về nhận thức để mọi người thấy rõ vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua”.

Cần gắn các phong trào thi đua với việc xây dựng, bồi dưỡng con người Việt Nam trong thời kỳ mới, phát triển toàn diện về ý thức làm chủ, ý thức trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khỏe và lao động giỏi, sống có văn hóa và tình nghĩa; giàu lòng yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính…

Tổng bí thư Nông Đức Mạnh

“Việc biểu dương, khen thưởng kịp thời có ý nghĩa rất to lớn. Thi đua trước hết không phải vì khen thưởng, nhưng làm tốt việc khen thưởng thì sẽ kích thích phong trào thi đua tốt hơn. Có thi đua tốt, hiệu quả thiết thực thì mới được khen thưởng. Có lựa chọn đúng những lá cờ đầu, những điển hình tiên tiến để khen thưởng kịp thời, chính xác thì khen thưởng mới có tác dụng”, Tổng bí thư nhấn mạnh.

Buổi sáng cùng ngày, ĐH cũng đã nghe hai báo cáo điển hình đại diện cho lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp do ông Nguyễn Hữu Tuyến, Tổng giám đốc Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro (Bộ Công thương) và PGS.TS.Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Trâm, ĐH Ngoại ngữ Hà Nội (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Trong số 1.500 ĐB tiêu biểu về dự ĐH lần này, có 161 ĐB là thành viên Hội đồng TĐ-KT T.Ư và Chủ tịch Hội đồng TĐ-KT các bộ, ban, ngành, đoàn thể, tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; 338 ĐB là cá nhân Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; đại diện tập thể Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Chiến sĩ thi đua toàn quốc được phong tặng trong 5 năm qua.

1.001 ĐB là điển hình tiên tiến, tiêu biểu xuất sắc trên các lĩnh vực đời sống, xã hội (chiếm 67%), trong đó có 323 ĐB là nữ (chiếm 22%); 148 ĐB là người dân tộc tiêu biểu đại diện cho 53 dân tộc (chiếm 11%); 322 ĐB tiêu biểu cho tài năng trẻ, thiếu niên nhi đồng xuất sắc, công nhân, nông dân, trí thức, đại diện tôn giáo, nhân sĩ, nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sĩ… (chiếm 21%); 64 ĐB tiêu biểu trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; 63 ĐB trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”; 10 ĐB là người Việt Nam ở nước ngoài và 5 người nước ngoài có công với Việt Nam.

ĐB cao tuổi nhất là Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu 94 tuổi, ĐB trẻ tuổi nhất là em Trần Ngọc Diễm Huyền 10 tuổi, học sinh lớp 5, trường Tiểu học Nam Thành Công, quận Đống Đa, Hà Nội.

5 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã phong tặng 67 tập thể và cá nhân danh hiệu Anh hùng Lao động; 691 Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 11 Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương các loại do có những thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực phát triển kinh tế.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.