Gangnam Style, điệu nhảy kết nối

18/12/2012 09:10 GMT+7

Gõ từ khóa “nhảy Gangnam Style”, chỉ trong vòng 0,31 giây đã có tới hơn 6,5 triệu kết quả. Cơn sốt của điệu nhảy ngựa này cuốn hút không chỉ giới trẻ mà cả các cụ già với nhiều cung bậc cảm xúc, ý nghĩa kết nối nhân văn.

Trên trang mạng xã hội Facebook, liên quan tới điệu nhảy này nhiều hội được lập ra như: Hội những người phát cuồng vì điệu nhảy Gangnam Style; Hội Gangnam Style với hơn ¼ triệu người thích.

Điệu nhảy này hiện diện ở khắp nơi từ chương trình chào tân sinh viên đến các sân khấu lớn của các ngôi sao ca nhạc, thậm chí, những cụ già vốn quen với những bài tập dưỡng sinh bên hồ Hoàn Kiếm cũng chuyển sang tập nhảy Gangnam Style với nhiều kiểu sáng tạo.

Từ nguyên gốc, Gangnam Style chỉ phong cách sống của tầng lớp người giàu mới nổi tại khu vực Gangnam - một quận giàu có của thủ đô Seoul (Hàn Quốc).

Điệu nhảy ngựa Gangnam Style này được sáng tác với hàm ý giễu nhại lối sống phô trương của tầng lớp nhà giàu mới nổi ở quận Gangnam, Hàn Quốc.

Ngay khi điệu nhảy xuất hiện trong một video ca nhạc đã gây ấn tượng với nhiều người từ hình ảnh đầu tiên: Một chàng béo xấu xí vỗ ngực tự xưng “Anh có phong cách Gangnam”. Nhiều bạn trẻ dùng từ này với sắc thái hài hước, châm biếm những người có cách sống xa hoa, muốn chơi trội.

Không dừng lại đó, như chính sự vui nhộn, lạ mà quen, đơn giản mà độc đáo của điệu nhảy ngựa, giới trẻ tiếp nhận từ Gangnam Style với những ý nghĩa mới khi hoà mình cùng điệu nhảy: Đó là sự thoải mái, hài hước; Thể hiện sự tự tin cần thiết để khẳng định giá trị bản thân hay kết nối với mọi người trong không gian mở.

Gangnam Style trở thành câu cửa miệng của nhiều bạn trẻ thay câu chào buổi sáng. Hình ảnh chắp hai tay lại - một động tác của điệu nhảy ngựa xuất hiện ngày càng nhiều trên các diễn đàn mạng, trong công viên hoặc đường phố…

Giới trẻ còn sáng tạo trong việc ứng dụng hiện tượng Gangnam style bằng cách Việt hóa nó. Thay vì nói Gangnam style, nhiều bạn trẻ thay bằng Việt Nam style, Bách Khoa style, Hà Nội style...

Điệu nhảy ngựa này còn trở thành ngôn ngữ không lời thể hiện sự hòa đồng sôi nổi để thu hút, kết nối đám đông. Chẳng thế mà tại nhiều trường như ĐH Công nghiệp, ĐH Xây dựng Hà Nội… hàng trăm sinh viên đã nhảy Gangnam Style trong lễ đón sinh viên mới.

Càng ý nghĩa hơn khi điệu nhảy này còn trở thành thông điệp của tình yêu. Quang Huy, một bạn trẻ ở Hải Phòng đã có màn nhảy flashmob Gangnam Style để cầu hôn bạn gái của mình.

Giờ đây, Gangnam Style đã được giới trẻ Việt Nam tiếp nhận với giá trị tinh thần, giải trí lành mạnh, vui tươi. Hơn hết, đó còn là thông điệp thể hiện sự năng động, sẵn sàng hội nhập của những người trẻ!

Theo Mai Xuân Tùng \ Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.