“Khoái chè khoái cả… nụ cười của bà Mai”
Nhiều người dân sinh sống trên đường Lê Quang Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã quen thuộc với gánh chè của bà Mai (63 tuổi). Cứ đều đặn 10 giờ sáng hằng ngày, bà Mai sẽ đẩy xe đến trước địa chỉ 66 Lê Quang Định, bán chè bánh lọt sương sa hạt lựu.
Thời gian trôi nhanh, bà Mai có hơn 45 năm bán chè, gánh chè của bà Mai ở một góc dưới bóng cây mát rượi. Rời đường Phan Đăng Lưu (Q. Phú Nhuận) tấp nập xe cộ, khi rẽ vào đường Lê Quang Định (Q. Phú Nhuận) để tìm quán chè của bà Mai người viết cảm thấy dễ chịu hơn hẳn vì đường ít xe cộ qua lại hơn, không kẹt xe tắc đường và có nhiều cây lớn tỏa bóng mát.
|
Với những hàng quán lề đường, giờ trưa có lẽ là giờ vắng khách vì trời nắng. Tuy nhiên, ngược lại gánh chè của bà Mai có vẻ lại càng đông khách hơn vào giờ trưa. Người làm văn phòng ghé ra ăn ly chè cho mát, người dân đi chợ Bà Chiểu cũng ghé lại nhâm nhi ly chè... giải nhiệt trước khi ra về.
Bà Nguyễn Thị Loan (ngụ Q.Thủ Đức) tấp vội xe máy vào lề rồi ghé quán chè của bà Mai, như thường lệ, bà ăn một ly chè bánh lọt... thập cảm với sương sa, hạt lựu, đậu xanh, đậu đen, nước cốt dừa. Vừa ăn, bà cùng bà Mai trò chuyện rôm rả chuyện con cái, chuyện đi chợ, tiếng cười giòn tan rôm rả cả một góc đường.
|
“Tôi ăn chè ở đây lâu lắm rồi đến mức không nhớ là mình ăn từ lúc nào luôn, chị Mai bán ở đây lâu lắm rồi á. Không đi thì thôi chứ mà đi chợ Bà Chiểu là phải ghé đây ăn ly chè, mà cứ thích ăn đầy đủ. Chắc do lớn tuổi rồi nên thích ăn cái gì đó ngọt ngọt mát mát, thành thói quen luôn rồi”, bà Loan tâm sự.
|
Bà Mai bộc bạch, vì gánh chè nhỏ xíu, chỉ có vài ghế nhựa nhỏ để ngồi nên khách đến quán ăn chè chủ yếu là khách quen. Quả thật, ngồi ăn chè ở quán, bất kể vị khách nào cũng nói chuyện với bà Mai gần gũi như người trong nhà.
Thấy tôi loay hoay chụp ảnh bà Mai, một vị khách đang dựng xe đợi bà Mai gói chè mang về lên tiếng: “Cô Mai của em dễ thương lắm, cô hay cười chị cứ canh là chụp cho được khoảnh khắc đời thường của cô, khách khoái cô Mai cười lắm cho cô nổi tiếng luôn”. Một cậu bé vừa đạp xe đạp vào hẻm lại đã vội trở ngược ra để mua chè. Đưa bịch chè cho cậu bé, bà Mai nhẹ nhàng chỉ dẫn cho cậu bé về cách đổ chè ra ly rồi cho đá vào.
Bán chè nuôi cháu gái học đại học
Để có ly chè “thỏa mãn” cơn thèm của thực khách, mỗi ngày bà Mai dậy từ 4 giờ để nấu quẩy gánh đi bán. Bánh lọt được làm từ bột gạo và màu lá dứa. Bà Mai cho biết làm hạt lựu là tốn nhiều công sức nhất.
Ngoài chè bánh lọt, bà Mai còn bán thêm chè đậu xanh và đậu đen nhưng món khoái khẩu của đông đảo thực khách vẫn là món chè bánh lọt với đầy đủ phụ liệu. Mỗi ly chè chỉ 15.000 đồng.
|
Buôn bán không nghỉ ngày nào và đặc biệt là bà Mai luôn mặc áo bà ba đi bán chè hàng ngày, bà tâm sự dù bán được hay không thì bà vẫn muốn thật chỉn chu. “Ở nhà thì mình mặc đồ bộ chứ mà đến khi đi bán thì thay bà ba ra, thói quen của mình từ xưa nó vậy rồi không thay đổi được”, bà nói.
Không những vậy, bà Mai bán chè trước một tiệm bán DVD kiểu Sài Gòn xưa, thấy tôi thắc mắc thời này có ai còn nghe nhạc bằng đĩa DVD nữa, bà Mai giải thích, bà kể thời trước cô chủ có nhiều cửa hàng bán băng đĩa ở Sài Gòn, sau này gom lại rồi bán ở đây, lâu lâu vẫn có người đến mua.
|
|
“Thời gian dài như vậy nhưng không thấy thay đổi gì cả, thấy vẫn như vậy thôi, con đường này cả chợ Bà Chiểu cũng không khác ngày xưa lắm, nhà thì người ta cũng có xây lại nhiều nhưng đa số cũng là những ngôi nhà cũ như ngôi nhà mái ngói kia là đã từ lâu lắm rồi”, bà tâm sự.
Bà Mai là người gốc Sài Gòn vì nhà nghèo nên mưu sinh từ nhỏ, bán buôn đủ thứ để kiếm tiền. Đến năm 18 tuổi, bà chuyển qua bán chè. Đến sau khi lập gia đình, có con cháu, gánh hàng rong vẫn gắn bó giúp bà mưu sinh.
“Bán hết thì về lấy đâu ra giàu nhưng cũng đủ sống. Ngày xưa nuôi 3 con khôn lớn giờ vẫn nuôi tiếp đứa cháu gái đang học đại học, mong là sau này nó ra trường có thể tự nuôi được bản thân nó là tôi mừng lắm rồi”, bà bộc bạch.
Bình luận (0)