‘Gánh hát lưu diễn muôn phương’ của những người trẻ 9X

Nguyên Vân
Nguyên Vân
09/11/2021 06:16 GMT+7

Sách ảnh song ngữ Gánh hát lưu diễn muôn phương là hành trình tìm hiểu, khám phá, cảm nhận các loại hình nghệ thuật diễn xướng và dân gian Việt Nam của nhóm tác giả 9X.

Gánh hát lưu diễn muôn phương (họa sĩ: Nguyễn Hoàng Tấn, nội dung: Hồ Phương Thảo, biên dịch và hiệu đính nội dung: Ngô Mỹ Triều Giang, do Comicola ấn hành) gồm 2 phần chính: nghệ thuật diễn xướng và một số lễ hội dân gian có kèm biểu diễn diễn xướng.

Những hình ảnh sinh động trong Gánh hát lưu diễn muôn phương

Tấn Nguyễn

Chia sẻ về lý do thực hiện dự án này, Phương Thảo cho hay mỗi lần được thưởng thức một vở diễn, một loại hình nghệ thuật diễn xướng hoặc lễ hội dân gian, cô cảm nhận được sự nhiệt huyết của từng diễn viên với vai diễn của mình, cảm thấy được cùng sống, cùng yêu, ghét với chính nhân vật được hóa thân. “Mình cảm thấy rất cảm phục và yêu kính những người nghệ sĩ đã góp phần lưu giữ những loại hình nghệ thuật diễn xướng và lễ hội dân gian, đặc biệt là những loại hình đang dần mai một do ít có cơ hội được biểu diễn”, Thảo nói và mong có thể cùng các cộng sự góp một chút công sức để giới thiệu đến nhiều người hơn những loại hình nghệ thuật diễn xướng và lễ hội dân gian đầy màu sắc, mang đậm văn hóa VN, bởi hiện nay nhiều loại hình đang trong tình trạng cần được bảo tồn khẩn cấp như ca trù, hát dô...

Theo nhóm thực hiện, khi xây dựng nội dung, họ phải đối chiếu so sánh các loại tài liệu từ rất nhiều nguồn với nhau, đồng thời kiểm tra với các nguồn tư liệu của nhà nước và UNESCO. “Việc cân nhắc những nội dung nào nên đưa vào và không đưa vào để cân bằng giữa yếu tố giải trí và học thuật cũng mất nhiều thời gian và cũng để nội dung không quá dài gây nhàm chán”, Triều Giang cho biết. Trong đó, cải lương là loại hình tốn nhiều thời gian và tâm sức của nhóm cùng với các vị cố vấn nhất, bởi như Phương Thảo chia sẻ, đây là loại hình hiện còn nhiều tranh cãi chưa được thống nhất, mỗi tư liệu lại có một quan điểm khác nhau.

Về hình ảnh, theo Hoàng Tấn, khó nhất là tìm được phong cách phù hợp để thể hiện, khi nhóm đã chọn lọc qua nhiều lớp tạo hình để có diện mạo cuối cùng. Ngoài ra, việc cân chỉnh và hài hòa bố cục cũng rất quan trọng vì ở đây cần sự tổng hòa của nhiều yếu tố, từ nhạc cụ, trang phục, động tác hay tín ngưỡng…, sao cho thể hiện được nhiều nhất lượng thông tin của loại hình đó, vừa có thể tạo được sự thích thú lẫn tò mò cho những ai thử chạm mắt đến dự án. Đối với dịch thuật, theo Giang, khó khăn khi chuyển ngữ đầu tiên là tên của các loại hình, kế đến là các thuật ngữ dân gian như “đào”, “kép”, “trống chầu”, các loại nhạc cụ chỉ Việt Nam mới có…

Nhóm chia sẻ ban đầu ý tưởng dự án Gánh hát lưu diễn muôn phương là một board game (dạng trò chơi tương tác trực tiếp thông qua các vật dụng hỗ trợ người chơi), nhưng vì thị trường board game khá khó tiếp cận với nhiều người, nên nhóm quyết định dùng loại hình artbook (sách ảnh).

“Chúng mình không vội, vì mình tin rằng sự quan tâm của thị trường dành cho văn hóa/cội nguồn của dân tộc vẫn luôn có, chỉ là mình cần phải chuẩn bị thật chỉn chu. Đó là lý do mỗi dịp Giỗ tổ sân khấu hằng năm, Gánh hát lưu diễn muôn phương hy vọng sẽ mang đến cho độc giả yêu mến dự án một thông tin mới hoặc sản phẩm phái sinh dựa trên nội dung xoay quanh các loại hình nghệ thuật diễn xướng và lễ hội dân gian”, Thảo tiết lộ.

Ngoài ra, nhóm còn có nhiều ý tưởng khác sử dụng những công cụ giải trí của giới trẻ hiện đại dành cho dự án, đơn cử như trong quyển artbook đã có 2 trò chơi nhỏ kèm theo, bạn đọc có thể chơi trò thử thách trí nhớ về những đặc điểm của các loại hình nghệ thuật diễn xướng và lễ hội dân gian; hoặc biến tấm bản đồ Việt Nam được tặng kèm trong artbook trở thành một bản đồ dán sticker ghi dấu trải nghiệm du lịch cá nhân của chính mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.