Tơ lụa xứ Quảng từng chuyển bán cho thuyền buôn nước ngoài thông qua thương cảng Hội An. Giờ đây, những 'gánh lụa Việt' cũng quy tụ nơi bảo tàng lụa đặc biệt ở phố Hội, trước khi khởi đầu hành trình ra thế giới.
Bên trong nhà ươm tơ, một điểm đến thú vị tại Bảo tàng Lụa Việt - Ảnh: H.X.H |
Tìm cây dâu chăm trong sách Ý
Lê Thái Vũ vít một nhánh trên gốc dâu cổ thụ tại Làng lụa Hội An (Hoi An Silk Village), chỉ cho chúng tôi xem lá dâu Chăm với kiểu xẻ thùy khác lạ. Anh bảo từng có một giống dâu như thế được mô tả trong cuốn Xứ Đàng Trong năm 1621 của Cristophoro Borri, khi giáo sĩ người Ý trú ngụ 5 năm tại Đàng Trong hồi đầu thế kỷ 17. Chỉ vài dòng thôi, nhưng hình bóng cây dâu cao lớn với giống tằm nuôi ngoài khí trời đã kích thích sự tò mò của giới nghiên cứu. Riêng Lê Thái Vũ, ông chủ làng lụa sinh năm 1974, lại chú ý đến chi tiết khác trong bản tường trình của Borri: tằm ăn lá dâu ấy cho ra kén với lượng tơ nhiều đến nỗi lụa sản xuất dư thừa, người nghèo cũng mặc áo lụa hằng ngày. Lụa ấy tuy không thanh và mịn nhưng bền chắc hơn lụa Tàu. Để rồi có bao nhiêu súc lụa đã xuất bán sang Nhật Bản, gửi sang Lào, đưa qua Tây Tạng, để cùng bước trên con đường tơ lụa danh tiếng.
Nhưng cuộc tìm kiếm cây dâu xẻ thùy xứ Quảng lại do người Nhật khởi xướng. Chuyến đi đầu tiên hồi năm 2003, Vũ theo chân chuyên gia Nhật Bản dạo khắp vùng rừng núi Đại Lộc, Duy Xuyên rồi trở về tay không. Mọi thứ dần rơi vào quên lãng, cho đến chuyến lùng mua nhà cổ 6 năm sau… “Nhìn thấy gốc dâu xù xì trong vườn nhà dân ở Nông Sơn, mình xúc động đến phát khóc. Không nghĩ xứ ta lại có giống dâu lạ lẫm như thế!”, Lê Thái Vũ nhớ lại. Từ manh mối ấy, anh mang về làng lụa 40 cây.
Những gốc dâu tuyệt chủng nguồn gien kia đã trở thành “hiện vật” quý và bén rễ tại bảo tàng lụa nằm bên đường Nguyễn Tất Thành, cách trung tâm phố Hội chừng 1 km. Có cả vườn dâu truyền thống Quảng Nam, mỗi năm thu 8 lứa lá để nuôi 8 lứa tằm. Có gian thờ Bà Chúa tàm tang Đoàn Quý phi. Có không gian văn hóa dệt Chăm với gia đình nghệ nhân đến từ Ninh Thuận. Có không gian trưng bày bộ sưu tập khung cửi Cửu Diễn…
“Tôi cũng muốn vinh danh những người giữ nghề như anh Hồ Viết Lý” - Vũ nói về Không gian lụa Lý, nhắc nhớ một người xứ Quảng từng dệt lụa may áo cho các nguyên thủ quốc gia. Ngay cả Zhao Feng, giám tuyển của Bảo tàng Tơ lụa quốc gia Trung Quốc, cũng thấy cuốn hút với Hoi An Silk Village và muốn lụa Việt sớm trưng bày tại Hàng Châu.
Lê Thái Vũ, ông chủ Làng lụa Hội An, bên gốc dâu Chăm cổ thụ
|
“Dệt lụa và may đo thời trang cho cả thế giới”
“Tôi muốn kể với các bạn hành trình Chúng tôi dệt lụa và may đo thời trang cho cả thế giới, một mô hình bảo tồn làng nghề tơ lụa thành công nhất tại Việt Nam”, Đỗ Khải Ly - Giám đốc dự án phát triển Bảo tàng Làng lụa Hội An - tự tin nói trước 300 doanh nhân đến từ Ấn Độ, Ý, Pháp, Thái Lan, Brazil, Singapore, Nhật Bản…
|
Chưa thành công với chiến lược “Lụa Việt cho người Việt”, nhưng Lê Thái Vũ tạm lấp đầy khoảng trống đó bằng một tham vọng khác: “gánh” lụa Việt ra thế giới. Lãnh Mỹ A, lụa Lý, lụa Quảng đã hiện diện trên đất Thái Lan trước khi có cuộc hội ngộ Hàng Châu cũng theo cách ấy. Chính ông chủ Lê Thái Vũ đã kết nối các thương hiệu lụa nổi tiếng Nhật Bản để “se duyên” cho lãnh Mỹ A hay lụa Mã Châu, Vạn Phúc, Phùng Xá… Mùa xuân 2016 này, khuôn viên Hoi An Silk Village sẽ lại tưng bừng với Lễ hội Văn hóa tơ lụa Việt Nam - Asia.
Nhiều người vẫn đang chờ xem cuộc “hôn phối” giữa cây dâu Chăm xẻ thùy với tằm nuôi ngoài khí trời để cho kén vàng. Biết tìm con tằm ấy nơi đâu? Hình như Lê Thái Vũ đang nắm giữ bí mật khi lần dò ra giống tằm quý đang được lưu giữ ở Duy Xuyên, quê Bà Chúa tàm tang, và úp mở rằng “sắp có tin vui”…
Bình luận (0)