Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đã có 15 hội nghị toàn quốc để giải quyết vấn đề logistics, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, dịch vụ. Tuy nhiên, logistics vẫn là khái niệm còn rất mới ở Việt Nam, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm để phát triển loại hình kết nối hạ tầng giao thông, luân chuyển hàng hóa có tính chiến lược này.
“Tổ chức giao thông vận tải hiện nay mới đơn tuyến, chỉ tập trung vào đường bộ, chưa có biện pháp kết nối hiệu quả. 45 % xe khi quay về không chở hàng (chạy rỗng), làm sao chi phí không cao?”, Thủ tướng nêu vấn đề và cho rằng, nếu chúng ta không làm, doanh nghiệp nước ngoài sẽ làm, trong khi nước ta chưa có doanh nghiệp mạnh về logistics.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải nhận thức rõ gánh nặng chi phí là rào cản lớn nhất với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, trong đó có chi phí logistic, ảnh hưởng đến cạnh tranh của kinh tế đất nước. Cùng với nỗ lực về cải cách thủ tục hành chính, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế... thì việc cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí logistic phải được quan tâm đúng mức, thực hiện có hiệu quả với những hành động cụ thể.
Tại hội nghị, Thủ tướng đề nghị các đại biểu làm rõ các giải pháp thực thi hiệu quả, kịp thời với nền kinh tế về dịch vụ logistics, trong đó về thể chế, chính sách, thảo luận làm rõ quy định pháp luật đã đầy đủ chưa, cần sửa đổi, bổ sung quy định nào. Thứ hai là hạ tầng và kết nối hạ tầng của các lĩnh vực giao thông, khắc phục tình trạng hạ tầng chưa đồng bộ, kết nối cảng, nhà ga, sân bay còn nhiều cách trở.
Thứ ba, là tính kết nối của các loại hình vận tải, đây là vấn đề còn nhiều tồn tại khi vận tải đường thủy, đường sắt chiếm thị phần rất thấp. Hiện đường bộ chiếm đến 80 % thị phần vận chuyển, dẫn đến ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông cao. Bên cạnh đó, tính kết nối chia sẻ của doanh nghiệp chưa hợp lý, như còn tình trạng vận tải một chiều. Mục tiêu quan trọng là giảm chi phí, nếu không giảm thì nền kinh tế không cạnh tranh được.
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước. Hiện chi phí logistics vào khoảng 20 - 21 % GDP, đứng thứ 4 trong số các nước ASEAN, trong đó lĩnh vực giao thông vận tải chiếm khoảng 59 - 60 % tổng chi phí logistics.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công cho biết, chi phí vận tải luôn chiếm tỉ lệ cao nhất trong tổng chi phí logistics, ở Việt Nam tỉ lệ này khoảng 59 %.
Theo khảo sát sơ bộ, chi phí vận chuyển container loại 40 feet bằng đường bộ từ Hà Nội vào TP.HCM khoảng 35 triệu đồng, cao gấp hơn 2 lần so với vận chuyển bằng đường biển và hơn 3 lần so với vận chuyển bằng đường sắt.
Đối với vận tải quốc tế, do phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được chuyên chở bằng tàu nước ngoài và do tập quán mua CIF bán FOB nên giá cước vận tải trong nhiều trường hợp chịu sự áp đặt của các hãng tàu nước ngoài. Đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đi biển xa, trên 50% lượng hàng vẫn phải trung chuyển qua nước khác nên phát sinh thêm chi phí rất lớn.
Bình luận (0)