Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi không thể kịp về đích, cũng như nhiều chính sách xã hội hóa và đầu tư cho bậc học này chưa được quan tâm đúng mức.
|
Ngày 16.9, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (QH) tổ chức hội nghị tham vấn các chuyên gia về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non (GDMN).
Chỉ có phép màu mới làm được !
Theo dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về GDMN của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của QH, tiến độ thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi còn rất chậm. Trên thực tế, đến nay cả nước mới chỉ có 13 tỉnh, thành phố (20,63%) được công nhận đạt chuẩn.
|
So với các vùng khác trong cả nước, vùng Nam Trung bộ, Tây nguyên và đồng bằng sông Cửu Long là những khu vực có tiến độ phổ cập rất chậm, trong đó đồng bằng sông Cửu Long là chậm nhất. Đến hết tháng 8.2014, toàn vùng mới có 23,5% huyện, quận được công nhận đạt chuẩn phổ cập cho trẻ 5 tuổi. Hiện chưa có tỉnh nào đạt tiêu chuẩn phổ cập...
Nguyên nhân chủ yếu của việc chậm tiến độ trong phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi là do cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và nguồn tài chính chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện nay vẫn còn thiếu 13.600 phòng học cho trẻ 5 tuổi nhưng chưa có nguồn tài chính để cân đối. Việc bố trí ngân sách thực hiện phổ cập gặp nhiều khó khăn, cân đối nguồn vốn đến cuối năm 2013 mới chỉ thực hiện được 45,6% so với kế hoạch trong Đề án phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Trước thực tế này, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết phát biểu: “Từ nay đến năm 2015 còn 15 tháng. Chỉ có... phép màu mới có thể giúp 51 tỉnh, thành phố còn lại đạt được chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi trong thời gian đó”.
Ngoài ra, việc dồn sức phổ cập trẻ 5 tuổi cũng ảnh hưởng đến trẻ 4 tuổi trở xuống. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước chỉ có 21,2% trẻ dưới 3 tuổi được đến nhà trẻ, kể cả ở khối ngoài công lập. Do vậy, chỉ tiêu nâng tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi được đến nhà trẻ đạt 30% năm 2015 như quy định trong Đề án phát triển GDMN giai đoạn 2006 - 2015 là khó thực hiện được.
Nhà nước và xã hội chưa quan tâm đúng mức
Giáo sư Thuyết cũng thẳng thắn nhắc đến vấn đề nhức nhối hiện nay: Một số khu đô thị, khu công nghiệp không có cơ sở GDMN, buộc người lao động phải gửi con trong các nhóm trẻ tự phát, không đảm bảo an toàn cho trẻ. Gánh nặng trông giữ trẻ dưới 3 tuổi vẫn chủ yếu dồn cho gia đình...
Việc đầu tư cho bậc học này, theo Giáo sư Thuyết là “chưa được sự quan tâm đúng mức của nhà nước và xã hội”. Việc tổng chi chỉ chiếm 11,2% tổng chi sự nghiệp giáo dục địa phương nhưng trong đó 83% là chi lương cho cán bộ, giáo viên. Theo báo cáo quốc gia về giáo dục mới được công bố, đầu tư cho GDMN trong năm 2012 là 26.000 tỉ đồng trong số 185.951 tỉ đồng. Ông Thuyết nhận định: “26.000 tỉ đồng đầu tư cho bậc học này thực ra chỉ tương đương với kinh phí để làm 30 km đường ở Hà Nội. Trong khi đó, ở một cực khác, giáo dục đại học lại phát triển quá nhanh...”.
Chưa có cơ chế khuyến khích đầu tư
Nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục hạn chế mở rộng cơ sở công lập ở những vùng kinh tế phát triển, định hướng đến năm 2010 tỷ lệ học sinh nhà trẻ ngoài công lập là 80%, mẫu giáo là 70%... Tuy nhiên, tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng do chưa có cơ chế khuyến khích nên không tạo điều kiện cho việc phát triển các cơ sở GDMN ngoài công lập có chất lượng.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng trong hoàn cảnh nguồn lực nhà nước có hạn, xã hội hóa là giải pháp rất quan trọng để phát triển GDMN. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Cần coi việc phát triển các nhóm trẻ gia đình là một giải pháp quan trọng để tất cả trẻ em được đến lớp.
Bà Huỳnh Thị Tam Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, cho biết do chủ trương xã hội hóa nên hệ thống trường công lập không được mở rộng, vì thế nhiều trẻ em phải học tại các trường và nhóm lớp tư thục. Chi phí cho việc gửi trẻ quá cao nhưng không có sự hỗ trợ của nhà nước đã làm ảnh hưởng đến điều kiện của trẻ và việc thực hiện công bằng trong giáo dục. Bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cũng cho rằng nhiều chính sách với giáo viên mầm non ngoài công lập chưa được thực hiện công bằng. Bà Nga đề nghị thay vì miễn thuế cho trường mầm non tư thục 4 năm như các bậc học khác thì cần tăng lên ít nhất 8 - 10 năm. Nếu không có ưu đãi đặc biệt hơn thì nhà đầu tư chắc chắn sẽ không mặn mà.
Thiếu gần 21.000 giáo viên mầm non Theo số liệu báo cáo của Bộ GD-ĐT, chỉ tính theo số nhóm, lớp hiện nay và quy định về tỷ lệ giáo viên/lớp, cả nước vẫn còn thiếu gần 8.000 giáo viên nhà trẻ và gần 19.000 giáo viên mẫu giáo. Có đến 1/3 số tỉnh, thành phố có tỷ lệ giáo viên/lớp mẫu giáo chỉ đạt 1 - 1,4. |
Tuệ Nguyễn
Bình luận (0)