Giá trứng bình ổn đã tăng 2 lần
Cuối tuần trước mới nhận lương, anh Lương Ngọc Tài, nhân viên văn phòng ở Q.10 (TP.HCM), quyết định chở vợ con đi ăn món mì yêu thích ở quán quen trên đường Tô Hiến Thành. Anh Tài cho biết: Đây là quán quen nhiều năm, trước đây tuần nào anh cũng ghé, nhưng từ sau tết đến nay chỉ đến khoảng một lần mỗi tháng bởi cả năm nay tiền lương không tăng mà giá cả mọi thứ đều đội lên nên phải hạn chế chi tiêu tới mức tối đa. Cụ thể, anh cho biết tô mì thập cẩm tại quán này trước chỉ có 35.000 đồng; sau dịch, mở cửa trở lại thì giá lên 40.000 đồng. Đến sau tết, vào đợt xăng tăng giá mạnh, tô mì lên 45.000 đồng và đợt này anh Tài ghé vào thì giá đã là 50.000 đồng. “Họ tăng giá liên tục nhưng thật tình mình thấy cũng hợp lý, chỉ tại túi tiền mình ít, không đủ trang trải cuộc sống nên phải cắt giảm việc ăn ngoài. Chứ mình đọc báo, xem đài thấy đề xuất bỏ phí, giảm thuế gì đó để hạ giá xăng mà chờ mãi vẫn chưa thấy. Cứ tình hình này kéo dài, dân văn phòng như mình gánh gồng không nổi nữa đâu”, anh Tài lo lắng.
Nhiều sạp chợ ế ẩm vì sức mua yếu |
Chí Nhân |
Tâm trạng của anh Tài cũng là nỗi niềm chung của rất nhiều người dân hiện nay. Chiều trên đường đi làm về, chị Lê Thị Hiền ghé qua chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10, TP.HCM) mua thực phẩm bữa tối cho gia đình. Dù đã tối muộn nhưng các gian hàng ở đây vẫn còn đầy ắp các loại rau quả, thịt cá. Các tiểu thương ra sức chào mời và nài nỉ khách. Chị Hiền chỉ mua ít rau, trứng và đậu hũ “về làm cho nhanh và quan trọng là giá rẻ”. “Thịt cá bây giờ tuy giá không quá cao nhưng cũng là thứ khá xa xỉ với túi tiền của gia đình”, chị Hiền giải thích rồi chép miệng: “Mà đậu hũ, trứng bữa giờ cũng tăng giá mấy lần rồi. Ngay như trứng bình ổn giá trong siêu thị cũng đã tăng 2 lần rồi thì hỏi có thứ gì mà không tăng”.
Từ ngày 15.6, giá trứng gà, trứng vịt trong chương trình bình ổn giá của TP.HCM tiếp tục điều chỉnh tăng 2.000 đồng/vỉ 10 quả. Trước đó, đầu tháng 4, giá trứng bình ổn cũng được điều chỉnh tăng từ 1.500 - 2.000 đồng/vỉ 10 quả tùy loại.
Người dân thắt lưng buộc bụng khiến sức mua trên thị trường giảm mạnh. Tiểu thương ở nhiều chợ tại TP.HCM cho biết: Hàng hóa tươi ngon đủ loại là vậy nhưng bán chậm. Chi phí cuộc sống là những khoản cố định, trong khi giá hàng hóa liên tục tăng nên người tiêu dùng có muốn chi tiêu nhiều hơn cũng không thể vì không có khoản nào bù lại. Chính vì vậy giá càng tăng thì sức mua càng giảm; giảm từ thói quen ăn thịt cá chuyển sang ăn rau củ nhiều hơn để tiết kiệm đồng nào hay đồng đó.
Khảo sát của PV cho thấy, tháng 3 giá cả nhiều hàng quán bình dân như cơm, mì, bún, phở… khoảng 35.000 - 45.000 đồng/phần thì đến nay đã tăng thêm ít nhất 5.000 đồng/phần. Một ổ bánh mì cũng tăng ít nhất 2.000 - 5.000 đồng lên mức 22.000 - 25.000 đồng/ổ. Cứ như thế, mọi thứ đua với giá xăng dầu và vắt kiệt túi tiền của không ít người.
Doanh nghiệp cũng kiệt sức
Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, một trong hai đơn vị cung cấp trứng bình ổn giá, cho biết: “Chi phí đầu vào vẫn cứ tăng chưa có điểm dừng. Việc thành phố cho điều chỉnh giá vừa qua chỉ làm giảm một chút áp lực thôi chứ chưa thể hết lo. Với tư cách là doanh nghiệp (DN) tham gia bình ổn giá, công ty cố gắng duy trì hoạt động vì trách nhiệm cộng đồng, giữ giá được đến lúc nào hay lúc đó. Nhưng nếu giá xăng tăng cứ kéo mọi thứ tăng giá, DN chịu đựng hết nổi thì lại phải xin điều chỉnh tiếp”.
Theo ông Thiện, giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng 30 - 40% kể từ đầu năm. Thêm vào đó, lương cơ bản cũng tăng, mà ngay cả lương cơ bản không tăng thì DN cũng phải điều chỉnh để công nhân đủ sống thì họ mới ở lại làm việc. Rồi chi phí nguyên vật liệu như bao bì, phí logistics, phí cầu đường đều tăng. “Vừa rồi tôi nghe mức phí cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cao đến giật mình… Tất cả những phí đó đều đổ dồn lên DN và đi ra giá thành sản phẩm. Hy vọng các bộ, ngành nghiên cứu giảm thuế, giảm phí xăng dầu để chặn đà tăng giá xăng dầu giúp bình ổn thị trường thì DN yên tâm sản xuất”, ông Thiện kiến nghị.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN Hàng VN chất lượng cao, cho biết hiện tại các DN cũng gặp rất nhiều khó khăn vì sức mua yếu và chi phí sản xuất tăng mạnh. Có thể nói, chưa bao giờ họ phải gồng gánh và chống chọi với tình hình khó khăn từ mọi phía như hiện nay.
Còn ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, trong cuộc họp định kỳ tháng 5, thừa nhận: Doanh thu bán lẻ 5 tháng đầu năm ước đạt 275.967 tỉ đồng, tăng 8,1% so cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, hàng hóa dồi dào nhưng sức mua còn yếu, xu hướng tăng giá của nhiều loại hàng hóa và lạm phát có thể khiến người dân tiết kiệm chi tiêu. Để vực dậy sức mua, TP.HCM phải tổ chức chương trình khuyến mãi “Mùa mua sắm hè 2022 - Shopping Season” với hàng ngàn sản phẩm được giảm giá. Một trong những mục tiêu chính của chương trình khuyến mãi nhằm tăng cường kết nối DN với người tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, góp phần khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh.
Xi măng tăng giá lần thứ 3 theo xăng dầu
Hiệp hội Xi măng VN cho biết: Ngành xi măng đối diện với áp lực tăng chi phí đầu vào do giá nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng, đặc biệt là xăng dầu và than đá. Chính vì vậy, hàng loạt đơn vị thành viên gửi thông báo điều chỉnh giá bán xi măng trong những ngày qua. Đây là đợt điều chỉnh giá lần thứ 3 kể từ đầu năm. Thời gian điều chỉnh giá mặt hàng này đang có xu hướng rút ngắn lại và biên độ tăng có xu hướng nới rộng hơn hai đợt trước. Đợt tăng giá này có sản phẩm tăng đến 140.000 đồng/tấn, mức tăng phổ biến là 80.000 - 100.000 đồng/tấn (trong khi các lần trước mức tăng 50.000 - 80.000 đồng/tấn). Giá xi măng hiện tại ở mức trung bình khoảng 1,1 - 1,2 triệu đồng/tấn. Theo Hiệp hội Xi măng VN, vì giá tăng nên sức mua xi măng giảm mạnh thời gian qua và chỉ trông đợi vào lĩnh vực đầu tư công.
Bình luận (0)