Gánh nặng hậu Covid-19: Nỗi buồn bị bỏ rơi

Duy Tính
Duy Tính
14/10/2021 06:45 GMT+7

Buồn vì mẹ ra đi trước mắt mà không làm gì được, buồn vì nằm viện mà không ai tới thăm, buồn vì Covid-19 gây ra đông máu dẫn đến tai biến phải mổ cấp cứu…

Trong 2 ngày gặp gỡ, trò chuyện với bệnh nhân (BN) hậu Covid-19, chúng tôi nhận ra một điều trên nét mặt họ mang rất nhiều tâm sự thầm kín và chỉ bộc lộ ra khi được ai đó gợi mở và có hướng giúp đỡ.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân hậu Covid-19

DUY TÍNH

Bất lực khi nhìn mẹ mất

Trưa 6.10, ông N.V.S (58 tuổi) cùng vợ là bà C.T.A.Th (54 tuổi, cùng ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) tìm đến Trung tâm phục hồi chức năng vật lý trị liệu và tâm lý trị liệu sau nhiễm Covid-19, Bệnh viện (BV) Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức) nhờ hỗ trợ triệu chứng khó thở, đau lưng.

Hai vợ chồng ông bà được 2 bác sĩ thăm khám riêng lẻ. Ban đầu, bà Th. chỉ nói mình sau Covid-19 bị đau nhức khớp ngang lưng, không khó thở nhưng lo lắng. Chỉ 5 phút nói chuyện, vị bác sĩ tiếp nhận khám phát hiện bà Th. có vấn đề về tâm lý thầm kín vì mạch bà Th. không ổn định. Một chuyên viên tâm lý của khoa tâm lý lâm sàng được mời đến để tham vấn cho bà Th. Còn ông S. được đi tập thở. Nếu chúng tôi không gợi mở thì ông S. và bà Th. cũng chẳng buồn kể về gia cảnh của mình.

“Cuối tháng 7.2021, cả khu phố, đầu trên, đầu dưới nhiễm Covid-19, nhà tôi ở giữa không bị. Nhưng khi được test nhanh, nhà có 8 người nhưng hết 7 người mắc Covid-19, trong đó có mẹ vợ 86 tuổi. Không ngờ mình không tiếp xúc ai mà nhiễm Covid-19”, ông S. tặc lưỡi thở dài. Theo ông S., khi mẹ vợ ông ở nhà khó thở, gọi y tế không tới, sau đó được đưa đi khu cách ly Trường cao đẳng Công thương TP.Thủ Đức. Nhìn cảnh người nằm xếp lớp, la liệt, vợ ông S. bị stress, không ngủ được.

Ông S. than thở: “Trời ơi, nhìn người ra đi mà ám ảnh, cuốn chăn đưa xuống kho, hôm sau quấn vào bao ni lông rồi cuốn băng keo và bỏ vào hòm chở đi. Vợ tôi nhìn cảnh chồng con bệnh tật, mẹ ruột ra đi trước mắt mà không thể làm gì được và ngất xỉu. Bà như thấy mình bất lực nên rất buồn, dù lúc đó nhân viên y tế đã cố gắng hết sức. Mẹ vợ mất rồi và đưa xác đi thiêu, bà con dòng họ không ai tới được, buồn lắm…”.

Ngày 13.10: Thông báo 106 ca Covid-19 tử vong tại 9 tỉnh thành

Với ông S., trước khi nhiễm Covid-19 có thể chạy bộ cả chục cây số, nhưng bây giờ đi bộ một đoạn còn không nổi. Công ty nơi ông làm bảo vệ trước khi mắc Covid-19 kêu trở lại làm nhưng ông bảo bây giờ thở còn không nổi thì làm được cái gì. Ông S. lại chép miệng, lắc đầu cảm giác như bất lực. Ông kể, vợ chồng ông tối đến xoa bóp cho nhau vì đau nhức, và nghĩ đến thời gian tới làm sao mà làm ăn gì được nữa! “Bây giờ khó thở và chỉ thèm thở ngon. Khi nào thở được một hơi sâu thì cảm giác nó ngon như ăn một món ăn ngon vậy”, ông S. tâm sự.

Sau khi chia sẻ nỗi niềm với nhân viên tư vấn tâm lý về nỗi buồn của mình, bà Th. nói với chúng tôi: Trong nhà có phòng của mẹ, giờ đi ngang phòng không thấy mẹ đâu, chỉ thấy di ảnh, nhớ lắm! Sau khi từ BV về, cứ thấy bác sĩ là bà bỗng hoang mang, sợ sệt. Sau khi được tham vấn tâm lý, chạy điện, khuôn mặt bà Th. giãn ra. Bà nói đã có chút nhẹ nhõm trong người. Hôm sau, bà Th. tiếp tục đi trị liệu…

Tập thở cho bệnh nhân hậu Covid-19

Buồn vì bị bệnh không có ai đến thăm

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, BV Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức), sau

2 tuần thành lập Trung tâm phục hồi chức năng vật lý trị liệu và tâm lý trị liệu sau nhiễm Covid-19 đã tiếp nhận khoảng 20 BN hậu Covid-19. Đa số BN đến điều trị là do khó thở, mệt mỏi, mất ngủ kéo dài, đau đầu, phổi bị tổn thương... Với BN tổn thương phổi, sau 1 tuần tập vật lý trị liệu, tập thở, chạy điện… thì hồi phục 90%. Nếu đau do các bệnh xương khớp mãn tính sẽ được chẩn đoán điều trị tiếp. Với người có vấn đề tâm lý thì chuyển sang chuyên viên tâm lý tư vấn.


Ngày 5.10, chúng tôi vào một phòng bệnh nặng tại Khoa Hồi sức và phục hồi chức năng cho BN sau điều trị Covid-19, BV Thống Nhất TP.HCM. Khu bệnh nặng hậu Covid-19 không chút yên tĩnh, BN rên rỉ vì đau, hay vì một nỗi niềm nào đó…

Nằm trên giường bệnh nặng, bà N.T.T.K (54 tuổi, ngụ Q.8) vừa thở ô xy qua mũi vừa ho. Thấy chúng tôi mặc bảo hộ, bà K. đưa mắt về hướng chúng tôi, nài nỉ: “Bác sĩ ơi, cứu em với, em ngợp quá”. Chúng tôi giải thích mình là PV và trấn an bà không nên nói chuyện, cố gắng hít thở sâu.

Từ lúc bà K. bệnh, V.A (con gái bà) theo chăm sóc. V.A kể mẹ mình nhiễm Covid-19 vào cuối tháng 7.2021 và nằm ở BV Q.12. Nhưng sau 10 ngày nằm viện thì bà bị đột quỵ, liệt nửa người bên trái. Bà phải thở máy 10 ngày. Sau 48 ngày bà khỏi Covid-19 về nhà, nhưng do quá mệt nên vào BV Thống Nhất và được chẩn đoán tràn khí màng phổi. Bà K. nằm mấy ngày sức khỏe ổn định, bác sĩ cho về nhưng bà sốt trở lại nên phải tiếp tục nằm theo dõi.

Theo chị V.A, bình thường mẹ chị rất vui, nhưng trong suốt thời gian nằm viện, bà rất buồn vì có cảm giác bị bỏ rơi. Bà buồn vì từ một người làm MC phòng trà và hay đi nhảy, mọi ngày giao du nhiều người nhưng khi bệnh thì không ai đến thăm. Bà cảm giác cô đơn vì nghĩ ai cũng bỏ mình; dù giải thích căn bệnh này không ai được vào thăm nuôi nhưng bà không tin.

“Mẹ nói rất muốn khóc nhưng không khóc được, mấy hôm nay bà đã khóc được và khóc rất nhiều”, chị V.A kể lại.

Covid-19 sáng 14.10: 849.691 ca nhiễm, 787.286 ca khỏi | Nhồi nhét người đi tiêm vắc xin

Chống chọi với Covid-19 giống như đi chiến đấu

Nằm một mình trong phòng bệnh tại Khoa Hồi sức và phục hồi chức năng cho BN sau điều trị Covid-19, BV Thống Nhất TP.HCM, buồn quá anh N.M.T (47 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) gọi Zalo nói chuyện với 2 đứa con nhỏ chưa đầy 3 tuổi. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, anh giải thích vì có vợ trễ. Anh nói 35 ngày nằm BV, nhớ con. Nhà chỉ cách BV chỉ 200 m mà không thể về thăm con được. Anh than thở, nghĩ lại 2 năm dịch bệnh, cũng 5K, cũng làm mọi thứ nhưng không ngờ bị nhiễm bệnh sau 1 lần đi mua đồ ăn trong đợt cao trào Covid-19.

Anh T. kể, mình bị nhiễm Covid-19 và được điều trị tại BV dã chiến đa tầng Q.Tân Bình từ ngày 1.9. Nhưng chỉ vài ngày sau anh tức ngực dữ dội, khó thở. Kết quả khám, chẩn đoán hình ảnh cho thấy anh bị nhồi máu do cục máu đông vì Covid-19 và phải đưa qua BV Thống Nhất cấp cứu. Anh T. được đưa mổ cấp cứu và đặt 2 stent mạch vành. “Nghe bị đông máu, mình chỉ biết phó thác cho bác sĩ chứ không biết làm gì, thở còn không nổi. Giờ được cứu sống. Nếu ở nhà chắc chắn mình sẽ chết”, anh T. tâm sự. Sau cấp cứu mổ đặt stent mạch vành, anh T. được đưa trở lại BV dã chiến đa tầng Tân Bình điều trị Covid-19 tiếp tục. Nằm ở khu bệnh nặng, anh nhìn những người nặng lần lượt ra đi mà bị ám ảnh. Anh T. nói có ngày 4 - 5 người ra đi. Giống như đi chiến đấu, ai chiến đấu không được thì ra đi, còn mình phải cầm cự để ở lại.

Sau 20 ngày khi âm tính với Covid-19, anh T. được chuyển về BV Thống Nhất điều trị hậu Covid-19. Anh mong đợi: Giờ BV Thống Nhất cho về là về liền, nằm nhà thở. Nhưng việc đầu tiên về nhà là… tắm rửa, gội đầu, sau đó là nựng con.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.