Thót tim vì tiền ảo lên đỉnh, xuống đáy
Cách đây khoảng 1 tháng, giá Bitcoin tăng mạnh sau khi ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ. Nhiều nhà đầu tư cá nhân ở VN cũng hưởng lợi từ đợt tăng giá "khủng" này. Ông Đ.H.P (ngụ Q.11, TP.HCM) cho biết đã kiếm được hơn 1 tỉ đồng trong 3 tháng qua nhờ đầu tư Bitcoin. Cụ thể, vào tháng 8, ông mua 1 Bitcoin với giá 50.000 USD - tương đương 2,4 tỉ đồng. Đến tháng 11, ông bán với giá 75.000 USD/coin, thu về khoản lãi hơn 1 tỉ đồng.
Tuy nhiên, chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi sau đó, giá Bitcoin lao dốc, sụt xuống thấp hơn mốc 100.000 USD vào sáng 19.12, trong khi thị trường chứng khoán Mỹ "bốc hơi" hơn 1 nghìn tỉ USD vốn hóa. Đến sáng qua 20.12, Bitcoin tiếp tục giảm thêm 3,5%, về dưới 96.000 USD. Màu đỏ cũng tràn ngập thị trường khi các loại tiền ảo khác đang mất thêm 8 - 12% giá trị. Đây không phải là lần đầu tiên Bitcoin "đi tàu lượn", khiến những nhà đầu tư theo tiền ảo thót tim vì nguy cơ "cháy" tài khoản chỉ sau một đêm.
Anh Lê Mỹ, nhân viên văn phòng tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM) than thở: "Tôi đã tập tành mua Bitcoin khá lâu, mặc dù không sở hữu số lượng lớn nhưng vẫn theo dõi thị trường thường xuyên. Khi giá Bitcoin tăng dựng đứng, tôi đã khấp khởi mừng thầm, dự định đợi thêm vài hôm nữa sẽ bán để thực hiện những dự định mua sắm cuối năm. Thế nhưng chỉ sau một đêm, giá Bitcoin đảo chiều giảm mạnh, tài khoản của tôi chẳng những không còn tiền lời mà còn âm thêm. Cũng may là nhiều người bạn khi thấy tôi có lãi đã dự định cùng tham gia đầu tư, nhưng chưa kịp thực hiện thì giá rớt mạnh, nếu không tôi lại phải đưa đầu ra chịu trận".
Nguy kịch hơn là những người bị lôi kéo đầu tư vào những đồng tiền ảo vô danh, mô hình đa cấp. Trả lời Thanh Niên, ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), chuyên gia công nghệ đồng sáng lập dự án Chongluadao.vn, phân tích: "Ở VN, nhà đầu tư cá nhân ít mua Bitcoin do giá trị đồng này quá lớn, đòi hỏi nguồn vốn cao. Tuy nhiên, các đối tượng lừa đảo lợi dụng thông tin thị trường tiền ảo thế giới và sự thiếu hiểu biết của người dân để dụ dỗ họ tham gia ủy thác đầu tư, hoặc tham gia các đồng tiền ảo do chúng tự tạo".
Theo ông Ngô Minh Hiếu, khi dẫn dụ tham gia các sàn giao dịch nổi tiếng như Binance, Coinbase, Huobi, OKX... kẻ lừa đảo hướng dẫn nạn nhân mở tài khoản trên các sàn hợp pháp. Sau đó, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào ví hoặc tài khoản do chúng kiểm soát trên các sàn này. Mục đích là lợi dụng uy tín của sàn để nạn nhân tin tưởng rồi chiếm đoạt tiền. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp lừa đảo dụ tham gia các sàn tiền ảo giả mạo (tự tạo), thường có giao diện chuyên nghiệp nhưng không có pháp lý, không giao dịch thật, và thường sập sau khi lừa đảo thành công.
Cách thức lừa đảo là dụ dỗ nạn nhân nạp tiền vào sàn bằng những lời hứa hẹn lợi nhuận cao. Một số đối tượng còn dùng tiền của người sau chia cho người trước theo hình thức đa cấp, hoặc hiển thị số dư, lợi nhuận ảo trong tài khoản. Khi nạn nhân muốn rút tiền, đối tượng sẽ yêu cầu đóng thêm các khoản phí (như phí rút, thuế, xác minh tài khoản…) rồi chiếm đoạt toàn bộ.
Vỡ nợ, thất nghiệp
Nhiều người thân, bạn bè bàng hoàng khi nghe tin N.H.M, mới ngoài 30 tuổi, bị đơn vị đang công tác cho thôi việc vì dính vào tiền ảo. Tuy nhiên, đó là hậu quả đã được dự báo từ trước khi anh M. không thoát được sự cám dỗ của tiền ảo. Cách đây 5 năm, N.H.M khi còn là một giảng viên trẻ đã tự "làm mới" bản thân bằng cách vay 500 triệu đồng của người thân để đầu tư vào tiền ảo. Lợi nhuận đâu không thấy, khi anh vỡ nợ lần thứ nhất, bố mẹ không giàu có gì nhưng phải rút hết tiền tiết kiệm, bán đất đai để cứu con.
Những tưởng sau lần đó, N.H.M đã biết sợ mà tập trung cho công việc giảng dạy. Thế nhưng, chỉ một thời gian sau, gia đình lại tá hỏa khi nghe anh tiết lộ số nợ đã lên đến 800 triệu đồng vì vẫn âm thầm đầu tư vào sàn ảo. Hiện nay chủ nợ ở khắp nơi gọi điện thoại cho người thân, bạn bè, thậm chí gọi đến tận cơ quan anh để hăm dọa lãnh đạo nhằm đòi tiền. Trước hậu quả hết sức tai hại, đơn vị nơi anh M. đang công tác phải tiến hành xem xét cho anh thôi việc. Gia đình vợ của anh M. cũng lo lắng, gây áp lực buộc phải ly hôn vì sợ liên lụy đến người thân. Cùng đường, bế tắc, anh N.H.M chỉ có thể tự trách bản thân mình quá u mê, đâm đầu vào tiền ảo để rồi tan cửa nát nhà, mất cả công danh sự nghiệp khi tuổi đời còn khá trẻ.
Bà L.Đ.M.H, một nạn nhân của đầu tư tiền ảo tại Đà Nẵng, kể lại vào tháng 3.2020, do thường xuyên tìm hiểu các hình thức đầu tư, bà được một người giới thiệu là nhân viên sàn GKFX có trụ sở tại số 1 Lê Đình Lý, Q.Hải Châu nhắn tin qua Zalo đề nghị đầu tư chứng khoán, cổ phiếu quốc tế. Ban đầu bà H. từ chối nhưng do liên tục bị nhắn tin, gọi điện thoại, tư vấn rủ rê nên bà xiêu lòng, đồng ý tham gia. Tháng 3.2020, bà H. mở tài khoản trên phần mềm MetaTrader 4 với số tiền ban đầu nạp vào tài khoản là 998 USD.
Sau khi nạp tiền vào tài khoản, bà H. được một người tên Ánh gọi từ số điện thoại 0852500xxx giới thiệu là "nhân viên cấp cao" của sàn GKFX đi học ở nước ngoài về để hướng dẫn "vào lệnh" và nói bà buộc phải đảm bảo cam kết theo đúng hướng dẫn đặt lệnh mới có lợi nhuận. Người này hướng dẫn bà nạp tiền thêm và đặt lệnh ngược với xu hướng thị trường để tài khoản âm hết số tiền đã nộp. "Do thiếu hiểu biết và tin tưởng vào lời hứa sau khi nạp tiền vào sẽ rút được số tiền gốc về luôn trong ngày nên trong thời gian từ tháng 3 đến 4.2020, tôi thực hiện 17 lần, nộp số tiền 315.000 USD (tương đương 8 tỉ đồng) vào tài khoản, và thực hiện giao dịch theo hướng dẫn đặt lệnh, chốt lệnh của nhân viên này. Kết quả của những lần giao dịch như vậy là tài khoản của tôi đã bị "cháy" hoàn toàn", bà H. kể. Sau đó, bà còn bị một đối tượng khác hứa hẹn sẽ giúp gỡ vốn và tiếp tục mất thêm 2 tỉ đồng.
Tại tọa đàm "Nâng cao năng lực phòng chống tội phạm lĩnh vực tài chính trên không gian mạng" được tổ chức mới đây, lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM cho biết: Hậu quả của các vụ việc, vụ án này đã gây xáo trộn, mâu thuẫn trong gia đình, mất mát tình cảm giữa người thân, bạn bè với nhau, thậm chí dẫn đến xung đột, bạo lực đối với trường hợp cho vay mượn tiền nhưng bị hại không có tiền trả hoặc trường hợp xấu nhất do không chịu nổi áp lực về tiền bạc nên đã tự chấm dứt cuộc sống của mình. Đây là một thực trạng nhức nhối mà người dân cần phải tự nâng cao cảnh giác để tránh lâm vào cảnh đường cùng, vỡ nợ.
Trong 9 tháng năm 2024, Công an TP.HCM đã tiếp nhận, thụ lý 461 vụ lừa đảo trực tuyến với số tiền thiệt hại rất lớn, khoảng 982 tỉ đồng. Trong khi đó, công tác điều tra, khám phá các vụ án này còn nhiều hạn chế, mới khởi tố 242 vụ. Các vụ lừa đảo đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế của người bị hại, thiệt hại đối với người dân rất lớn, trung bình mỗi vụ, người dân thiệt hại khoảng 5 tỉ đồng (có thể là tiền của người bị hại hoặc tiền mà người bị hại vay mượn từ người khác).
Bình luận (0)