Gánh phí, nhiều doanh nghiệp vận tải thua lỗ

28/11/2018 06:51 GMT+7

Phí chồng phí , thiếu trầm trọng bến bãi, cộng thêm loạt bất cập về chính sách đang đẩy rất nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa container vào tình trạng thua lỗ triền miên, đứng trước bờ vực phá sản.

Chạy cũng lỗ, không chạy cũng lỗ
Cả tháng tiền hàng DN lãi được khoảng 6,6 triệu đồng. Trong khi các chi phí cố định như tiền thuê bãi, bảo dưỡng, bảo hiểm lên đến hơn 18 triệu đồng/tháng. Lỗ triền miên như vậy DN nào chịu cho nổi
Ông Phạm Văn Lợi, Giám đốc Công ty vận tải Trưởng Lợi
Đều đặn hằng tháng, các chi hội thuộc Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM đều tổ chức cuộc họp ghi nhận tình hình hoạt động của các hội viên. Khoảng hơn 1 năm trở lại đây, những cuộc họp này đã dần trở thành điểm hẹn để các doanh nghiệp (DN) có cơ hội gặp nhau... than lỗ.
Ông Phạm Văn Lợi, Giám đốc Công ty vận tải Trưởng Lợi, than: DN của ông có 60 chiếc container nhưng giờ phải giảm bớt số lượng, chỉ còn có 35 chiếc, mà cũng chỉ hoạt động phân nửa. Số còn lại bán sắt vụn 1/3 giá cũng không ai mua. Nguyên nhân do giá dầu tăng cao trong vài năm trở lại đây, từ mức 12.000 đồng/lít nay tăng lên 18.000 đồng/lít (chênh nhau 6.000 đồng) dẫn đến chi phí cho một chuyến xe tăng lên. Trong khi đó, giá dịch vụ lại không đổi, thậm chí còn giảm so với thời điểm 3 năm trước, khiến các DN hầu hết đều lỗ nặng. Không chỉ chi phí nhiên liệu, tình trạng “phí chồng phí”, phí cầu đường, phí bảo trì đường bộ... liên tục tăng càng thêm gánh nặng lên các DN vận tải.
Ông Lợi dẫn chứng: Chở một chuyến hàng từ H.Bình Chánh đi đường Nguyễn Văn Linh về khu vực Đồng Nai, đoạn đường chỉ 45 km nhưng có tới 3 trạm thu phí, đóng tổng cộng 470.000 đồng, chiếm 20% tổng chi phí
1 chuyến hàng. Thêm phí bảo trì đường bộ nữa là thành 540.000 đồng/chuyến. “Một chuyến như vậy tiền cước được 2,5 triệu đồng, trừ đi tất cả chi phí chỉ còn lại 220.000 đồng tiền lãi. Tính ra cả tháng tiền hàng DN lãi được khoảng 6,6 triệu đồng. Trong khi các chi phí cố định như tiền thuê bãi, bảo dưỡng, bảo hiểm lên đến hơn 18 triệu đồng/tháng. Lỗ triền miên như vậy DN nào chịu cho nổi”, ông Lợi than thở.
Tình trạng trên không phải chỉ của riêng 1 - 2 DN. Có đến hơn 80% DN thuộc Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM đang phải gánh lỗ hằng ngày. Đáng nói, nhiều DN khốn khổ vì cho xe chạy thì chịu lỗ hơn 100 triệu đồng/năm, nhưng để xe nằm bãi còn lỗ nặng hơn, có khi gấp đôi. Nguyên nhân, theo ông Đỗ Xuân Phú, Chi hội trưởng Chi hội Liên minh sức mạnh (Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM), là do xe không hoạt động, đậu trong kho cũng vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ, trả tiền bến bãi... Bên cạnh đó, đóng phí cao nhưng hệ thống hạ tầng hiện hữu lại chưa đáp ứng được, ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả kinh doanh của các DN. Nếu đường thông hè thoáng, 1 DN có thể chạy 2 chuyến hàng/ngày trong nội đô TP.HCM, nhưng tình trạng kẹt xe xảy ra liên miên, khiến mỗi ngày chỉ chạy được 1 chuyến hàng. Trong khi DN mua vé qua các trạm thu phí và phí bảo trì đường bộ thường đóng trọn gói theo tháng, theo năm, tắc đường xe không chạy được vẫn phải chịu phí, tốn thêm cả tiền nhiên liệu, chi phí cơ hội của nhà vận tải cũng mất đi.
Cạnh tranh không công bằng
Theo tính toán của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, nhu cầu vận chuyển hàng hóa không hề giảm, thậm trí còn tăng lên theo từng năm. Tuy nhiên, cước vận chuyển vẫn giảm là do số lượng phương tiện thừa quá nhiều, cung vượt gấp cầu nhiều lần.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Công ty dịch vụ vận tải Kim Phát, lý giải: Cách đây vài năm, Chính phủ siết chặt xe chạy quá tải, quá khổ, các DN phải gia tăng đầu xe để chở hàng đúng theo quy định. Tuy nhiên thời gian qua, việc buông lỏng hoặc không kiểm soát được tình trạng quá tải, sang tải khiến vấn nạn này tái diễn, phương tiện đầu tư mua mới trước đó bị dư thừa vì lượng hàng hóa dồn cho xe quá tải.
Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều DN chủ hàng tự bỏ vốn, đầu tư mua xe, mặc dù cam kết chỉ chở hàng nội bộ nhưng thực tế vẫn chở hàng hóa bên ngoài. Các đối tượng này không cần phải xin giấy phép hay đáp ứng các điều kiện về kinh doanh vận tải như phù hiệu xe, thiết lập quản lý hồ sơ xe... tạo cạnh tranh không công bằng, gây bức xúc kéo dài trong cộng đồng DN vận tải.
Cũng theo vị này, việc thay đổi “xoành xoạch” các quy định về nâng bằng C lên FC của tài xế, quy định về khối lượng tối đa cho phép kéo theo của xe đầu kéo sơ mi, rơ moóc khiến các DN trở tay không kịp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.