Gặp ĐBQH TP.HCM, cử tri Q.Bình Tân đề nghị giải bài toán nhà ở công nhân

05/10/2021 13:10 GMT+7

Quy hoạch nhà ở cho công nhân, tạo điều kiện cho người dân về quê, hỗ trợ người lao động ở lại TP.HCM làm việc là những kiến nghị mà cử tri Q.Bình Tân gửi đến đại biểu Quốc hội xem xét, giải quyết.

Sáng 5.10, Tổ Đại biểu Quốc hội đơn vị số 6 (thuộc Đoàn ĐBQH TP.HCM) gồm ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM và ông Hà Phước Thắng, Chánh văn phòng UBND TP.HCM tiếp xúc cử tri Q.Bình Tân trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Đa số các ý kiến của cử tri tập trung vào vấn đề phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng như quy hoạch nhà ở cho công nhân, người lao động. Trong đợt bùng phát dịch vừa qua, Bình Tân là một trong những địa bàn phức tạp nhất thành phố với số ca mắc và số ca tử vong cao.

Tổ ĐBQH TP.HCM đơn vị số 6 tiếp xúc cử tri Q.Bình Tân theo hình thức trực tuyến

Nguyên Vũ

Cử tri Hoàng Đình Thanh ở P.An Lạc cho rằng dịch bệnh đã làm bộc lộ nhiều điều cần rút kinh nghiệm đối với thành phố, trong đó vấn đề quy hoạch đô thị cần được quan tâm đặc biệt. Ông Thanh dẫn chứng Q.Bình Tân có hàng trăm nghìn công nhân, mức độ tập trung rất đông nên khi bùng phát dịch thì việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn hơn các địa bàn khác. Do đó, cử tri này đề nghị thành phố cần sắp xếp lại quy hoạch, phân tán dân cư, tránh tập trung đông người.

Tương tự, cử tri Tạ Thanh Tâm (ngụ P.Bình Hưng Hòa A) đề nghị các đại biểu Quốc hội và Quốc hội cần xem xét, hình thành những quy hoạch khoa học hơn về những khu vực nhà ở công nhân. Hiện nay, các dãy nhà trọ công nhân trên địa bàn phường có diện tích rất hẹp, không đảm bảo an toàn. “Nếu chỉ cần một phòng trọ có F0 thì dịch sẽ lây lan sang cả dãy. Các đại biểu cần xem xét, cho ý kiến để tạo điều kiện tốt nhất về nơi sinh hoạt của công nhân, giúp họ an tâm sản xuất, lao động”, ông Tâm bày tỏ.

Cũng tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri dẫn chứng câu chuyện thời sự về việc đi lại liên tỉnh “hậu giãn cách” có sự lệch pha, thậm chí cả sự cấm đoán, ngăn chặn của chính quyền một số tỉnh. Cử tri Huỳnh Trần Thanh Phong (ngụ P.Bình Hưng Hòa A) cho rằng người lao động từ thành phố về miền Tây sau đợt giãn cách là điều “không thể ngăn cản” bởi trong hoạn nạn thì gia đình là điểm tựa lớn nhất.

Ông Phong cho biết dù Sở GTVT TP.HCM đã có chủ trương hỗ trợ phụ huynh đón con em từ các tỉnh, thành khác trở lại thành phố nhưng nhiều người dân phản ánh việc này không hề dễ dàng, có địa phương cho di chuyển nhưng cũng có tỉnh, thành phản đối do một số thủ tục.

TP.HCM đề nghị phân bổ vắc xin để tiêm phủ mũi 2

Nhiều cử tri đề nghị TP.HCM cần có chính sách cụ thể để người dân ở lại thành phố tiếp tục công việc nhằm khôi phục nền kinh tế và tạo đà phát triển thời gian tới. Trong trường hợp người dân vẫn quyết tâm về quê thì các bộ ngành liên quan cần có hướng dẫn thống nhất trong việc hỗ trợ người dân “hồi hương” theo từng đợt, an toàn, trật tự và phù hợp với năng lực tiếp nhận của địa phương.

Thay mặt tổ đại biểu trả lời cử tri, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân cho biết lãnh đạo TP.HCM đã tập trung, thực hiện các biện pháp đồng bộ, quyết liệt trong suốt 4 tháng qua để kiểm soát dịch Covid-19. Dù vậy, khi nhìn lại thì cũng có nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra. Ông Nhân cho biết TP.HCM sẽ tổng kết 4 tháng phòng chống dịch nhằm đúc rút kinh nghiệm và biểu dương những đóng góp của các lực lượng trong công tác đẩy lùi dịch bệnh.

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân thay mặt tổ đại biểu trao đổi, giải đáp các thắc mắc của cử tri

Nguyên vũ

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận TP.HCM sẽ bước vào cuộc sống “bình thường mới”, sống và làm việc trong bối cảnh sự lây nhiễm được hạn chế ở quy mô nhỏ; trong đó tỷ lệ bao phủ vắc xin Covid-19 giữ vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định. Hiện TP.HCM đã đề nghị sớm được nhận thêm vắc xin để bao phủ mũi 2 cho người dân.

Về vấn đề phục hồi kinh tế, ông Nhân thống kê nhiều nước trên thế giới dành khoảng 10% GDP để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cao hơn nhiều lần so với mức 2% của Việt Nam. Trung ương, Chính phủ sẽ tiếp tục đưa ra các giải pháp để ổn định xã hội, thúc đẩy kinh tế thời gian tới. Hai năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước đều ở mức dưới 4%, điều chưa từng xảy ra trong 25 năm qua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.