Chiều nay, 15.8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gặp gỡ trực tuyến với các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành GD-ĐT khối trường ĐH. Đây là một hoạt động nằm trong chương trình Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành GD-ĐT, do Bộ GD-ĐT phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức.
Một trong những ý kiến mở đầu cuộc gặp gỡ chiều nay đến từ đại diện giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, TS Đinh Minh Hằng, Trưởng phòng Hành chính đối ngoại, giảng viên chính khoa Ngữ văn. Theo TS Hằng, trong các cơ sở giáo dục ĐH nói chung và với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nói riêng, việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của mỗi giảng viên.
Với riêng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nghiên cứu khoa học đóng góp vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế, đóng góp tích cực vào sự đổi thay chất lượng giáo dục bậc cao cũng như khẳng định vị thế của nhà trường.
Vì thế, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã có nhiều giải pháp nhằm tăng cường, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của các giảng viên; có nhiều chính sách tạo động lực cho các nhà khoa học, nhóm nhà khoa học nâng cao năng lực nghiên cứu, tạo những điều kiện tốt nhất cho cán bộ tập trung nghiên cứu theo năng lực và định hướng học thuật.
Tuy nhiên, theo TS Hằng, hiện trạng đầu tư cho khoa học công nghệ hiện nay của chúng ta còn thấp. Như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chẳng hạn: nhà trường có tới 636 giảng viên, gồm 424 TS, trong đó có 128 GS-PGS, nhưng kinh phí nghiên cứu khoa học từ Bộ GD-ĐT chỉ khoảng 6 - 8 tỉ đồng/năm. Đáng nói Trường ĐH Sư phạm Hà Nội còn là đơn vị thuộc nhóm 5 trường được đầu tư nghiên cứu khoa học cao nhất Bộ GD-ĐT. Như vậy, tính trung bình mỗi giảng viên chỉ được đầu tư từ 10 - 15 triệu đồng/người/năm. Đây là một khoản chi đầu tư chưa thu hút được sức lực của các giảng viên. Ngoài ra, hình thức đầu tư còn manh mún, nhỏ lẻ.
Theo TS Minh Hằng, Bộ GD-ĐT nên chủ động đặt hàng, dựa vào thực lực các nhà khoa học để giải quyết một vấn đề cụ thể của bộ, của xã hội đặt ra, việc đặt hàng này có thể không phụ thuộc vào nhà khoa học đó ở trường nào. TS Hằng cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết cần có các động lực, chính sách gì để thực sự khuyến khích nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong các trường ĐH!
Theo kế hoạch của ban tổ chức, đối với giáo dục ĐH, các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề như: tự chủ ĐH và vai trò đội ngũ giảng viên trong thực hiện tự chủ ĐH; nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; chuyển đổi số trong giáo dục và thích ứng của các trường ĐH với chuyển đổi số; cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới…
Các ý kiến trên cùng thông tin thu thập từ sự kiện là cơ sở quan trọng để Bộ GD-ĐT tiếp tục hoàn thiện các chế độ, chính sách, triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, lãnh đạo phù hợp với thực tiễn. Qua đó phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục, bảo đảm điều kiện về đội ngũ để triển khai thực hiện các nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Bình luận (0)