Gặp gỡ nước Mỹ

30/12/2014 15:10 GMT+7

Tôi thích thời tiết Houston mùa này, ít nhất là trong những ngày ở lại. Có gì giống giống Hà Nội thu. Mưa rải chỗ này, nắng trám chỗ kia, thoắt đi thoắt đến. Dìu dịu khí trời buổi sớm để găn gắt nắng rám quả bòng xế chiều.

Tôi thích thời tiết Houston mùa này, ít nhất là trong những ngày ở lại. Có gì giống giống Hà Nội thu. Mưa rải chỗ này, nắng trám chỗ kia, thoắt đi thoắt đến. Dìu dịu khí trời buổi sớm để găn gắt nắng rám quả bòng xế chiều.

Gặp gỡ nước Mỹ 1
Thu hoạch táo tại một trang trại người Việt ở Mỹ (ảnh tác giả cung cấp)
Vậy nên bách bộ khi mặt trời còn náu đâu đó không chỉ giúp khỏe chân khỏe cẳng mà còn là cái thú khó diễn đạt thành lời. Người Mỹ không dùng hè đường để thể dục thể thao như ta dù nó rộng thênh thang (với họ việc này đã có các công viên), buổi sớm ở đây vắng ngắt, tha hồ vừa đi vừa ngắm chim, ngắm sóc dạn dĩ trên đường hoặc tư lự về đủ thứ trên đời.
Mọi bệnh nhân đều được điều trị bình đẳng
Dẫu vậy, ngay buổi đầu tiên tôi chạm một người Việt. Gặp nơi xứ người, lại cùng trạc tuổi, chúng tôi liền trở thành đồng hành mỗi sớm. Kể, mới điều trị ở bệnh viện về, đang giai đoạn hồi phục. Mấy bữa đầu chỉ đi được mươi phút, nay sau mươi lăm ngày đã bách bộ được ba, bốn chục phút, khỏe ra, đang lên cân. Kể, hồi ở “bển’’ đã một đôi lần bị đau, đi khám được cho toa dạ dày, nghĩ cũng chắc vậy vì rồi thấy đỡ. Đến lần vừa rồi đau dữ, vô bệnh viện ở đây họ phán ngay bệnh tim. Bác sĩ trợn mắt nhìn rồi cho chuyển lập tức đến một bệnh viện khác để mổ, bệnh viện này lại chuyển đến một bệnh viện chuyên ngành và nơi đây, sau hội chẩn người ta bảo các mạch máu của tôi bị nghẽn cả rồi nhưng can thiệp bằng phẫu thuật chưa chắc đã cho kết quả tốt. Bác sĩ, cẩn trọng và quyết đoán, đặt ba cái stent nong mạch cho hiệu quả tức thì.
Thật may mắn. Nằm bệnh viện một tuần rồi về nhà, điều trị tiếp theo chỉ dẫn của họ. Mới đi kiểm tra lại, các chỉ số xấu đều giảm rõ rệt. Hỏi tốn bộn tiền lắm hả? Anh bảo mới qua đây với con gái, chưa có thẻ bảo hiểm chi cả, ngoài một cái thẻ vàng cho người nghèo. Mà thẻ này không được chấp nhận ở nơi anh điều trị, kết toán lên đến 32 000 Mỹ kim. Bệnh viện biết tình cảnh, tìm các cơ sở pháp l‎ý để giúp anh trang trải cũng chỉ giảm được 40% số tiền trên. Lại thêm một lần may nữa: kết cục trường hợp của anh được một phái đoàn kiểm tra của nhà nước biết đến và họ cho miễn phí hoàn toàn. Họ chu đáo thế thì mình phải “cám ơn” thế nào, tôi hỏi. Không, tuyệt đối cấm. Đã có quy định, quà tối đa là hai mươi đô, chủ yếu là hoa. Anh kể, rời bệnh viện về nhà chừng hai mươi hôm thì nhận được một văn bản từ bệnh viện, đề nghị cho ý ‎ kiến nhận xét cụ thể và thẳng thắn về quá trình điều trị. Tôi được biết, anh bảo, đã có bệnh nhân được bệnh viện cử người đến tận nhà tặng quà vì lời nhận xét họ cho là xác đáng và hữu ích.
Ở tây nam Houston có một cộng đồng đông đúc người Việt và bệnh viện ở đấy đã dành hẳn một tầng lầu rộng rãi riêng cho các bệnh nhân cộng đồng này, luôn cả ê kíp bác sĩ và nhân viên người Việt hoặc biết nói tiếng Việt, luôn cả đầu bếp nấu món ăn Việt. Không, đừng quen miệng đánh giá đấy là sự quan tâm của “chính quyền” kẻo chính quyền cười cho. Kinh tế thị trường quyết định cả đấy, có cầu có cung. Cái đáng khen là sự nhanh nhạy, tạo ngay sản phẩm tối ưu lợi cả đôi bên, một kiểu business rất Mỹ!
Bang Texas có một Trung tâm y tế (Texas Medical Center), đặt ngay ở thành phố Houston. Trung tâm này lớn nhất nước Mỹ và lớn nhất thế giới luôn. Để hình dung, hãy nhìn vào sự đông đặc các cơ sở liên quan đến y khoa: 21 bệnh viện, 16 viện nghiên cứu, hàng chục trường đại học và cao đẳng đào tạo chuyên ngành – tất cả đều phi lợi nhuận - tọa lạc trên ngàn rưỡi dặm vuông với hơn một trăm ngàn bác sĩ và nhân viên y tế, hằng năm tiếp đón bảy triệu bệnh nhân đến từ khắp nước Mỹ và thế giới. Riêng các ca mổ và điều trị bệnh tim ở Trung tâm này đã nhiều hơn bất cứ nơi nào trên địa cầu. Không hiểu anh bạn mới quen của tôi có đã điều trị ở đây không nhưng tổng thống Nga Boris Yeltsin từng được mổ tim qua mạng từ Trung tâm này hồi những năm 90.
Tôi có lần ghé một bệnh viện ở San Francisco, bất ngờ đọc thấy dòng chữ trên tấm bảng ngay lối cửa chính: “Mọi bệnh nhân đều được điều trị hoàn toàn bình đẳng, bất kể tuổi tác, chủng tộc, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, quyền công dân hay thân phận pháp lý. Bệnh viện không được trì hoãn việc điều trị cho dù bệnh nhân‎ có hay không có khả năng chi trả hoặc bảo hiểm” (All patients have medical treatment rights equally regardless of age, race, religion, nationality, ethnicity, residence, citizenshif, or legal status. A hospital cannot delay treatment while determining whether someone can pay or is insured).
Vậy đấy. Đây là điều được quy định trong luật. Tuy nhiên, việc điều trị y tế ở Mỹ không rẻ, không ít người phải tìm đến các bệnh viện của nước láng giềng Canada có giá cả dễ chịu hơn. Cách nay không lâu, một cuộc điều tra tỷ mỉ do Michael Moore (nhà báo, đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng của Mỹ) tiến hành tại Cuba , Mỹ và Canada đã đưa ra kết luận, hệ thống y tế của Cuba là tốt và dân chủ hơn cả . Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Obama ít nhất đã ghi được dấu ấn trong vấn đề bảo hiểm y tế gây nhiều tranh cãi. Vượt lên sự phản đối gay gắt của giới khá giả do lo ngại sẽ phải đóng thuế nhiều hơn, ông đã giành được sự ủng hộ của quốc hội về Chương trình bảo hiểm y tế mang tên Obamacare, được lòng người nghèo.
Giao thông kiểu Mỹ

Đường cao tốc ở Florida - Ảnh: Getty Images
Hệ thống giao thông công cộng đường dài phục vụ dân sinh – không kể hàng không - ở đất nước rộng mênh mông và phát triển bậc nhất thế giới này dường như không phổ biến lắm. Hỏa xa và xe buýt đường dài thiếu vắng hẳn so với châu Âu, đặc biệt là Đức và Pháp. Khi cuối cùng đã đi qua năm bang và chừng hai mươi thành phố xứ Cờ Hoa, cảm nhận này được củng cố, và tôi hiểu ra. Thay vì phương tiện công cộng, nước Mỹ có một hệ thống đường giao thông bộ không đâu sánh bằng. Hệ thống này bắt đầu được thiết lập một cách chỉn chu ngay từ thập kỷ 30 của thế kỷ trước và ngày càng hoàn thiện. Đường đô thị đã đành, đường cao tốc xuyên bang, đường cao tốc quốc gia với mười, hai mươi làn xe chằng chịt khắp nơi khiến ngay người bản địa trong khi di chuyển cũng luôn phải dò mạng để đảm bảo có được cung đường “vận trù” nhất . Đường xá đã như vậy, người người đều có xe cá nhân - mà phương tiện cá nhân lại luôn luôn đắc dụng ở sự chủ động, linh hoạt – thì phương tiện công cộng hỏi có cần nhiều… Nhiều chuyến xe khách đường dài chỉ thấy ngồi trên đó một vài người.
Tôi mất một ngày từ Los Angeles đến nhà người thân ở Fresno rồi lại trọn một ngày nữa từ thành phố nhỏ nhắn xinh đẹp này đến Cầu Vàng ở San Francisco. Trên cả hai cung đường ấy, trời đã lạ mà đất càng lạ .Ở đường cao tốc quốc gia số 5 tôi phải ngừng lại không biết bao nhiêu lần vì sự huy hoàng hoang dã của cảnh sắc hai bên đường. Thung lũng, núi non tròn trịa trọc lốc không một ngọn cỏ, chỉ cần đặt vào đấy mô hình một con tầu không gian rồi chụp lấy pô ảnh, tuyên bố vừa hạ cánh xuống sao Hỏa cũng chẳng ai biết – tôi nghĩ vậy.
Hoang mạc thành vùng nông nghiệp trù phú
Không một ngọn cỏ, nhưng kỳ thực cỏ đã ngả hết qua màu sa mạc vì suốt hai năm nay “không một giọt mưa’’. Nói cho đúng thì California vốn cũng là xứ bán sa mạc. Điều lạ lùng, đây lại là nơi nông nghiệp trù phú, cung cấp thực phẩm cho cả nước. Đã cuối mùa thu hoạch mà nhiều nơi vẫn ngăn ngắt bạt ngàn rau trái, mặc kệ xung quanh trắng mốc hoang mạc khô úa. Sao kỳ vậy?
Gặp gỡ nước Mỹ 3Tác giả tại một nông trại người Việt ở Mỹ
Câu chuyện được bắt đầu từ giữa thế kỷ trước. Trong khi 70% nguồn nước ngọt của tiểu bang tập trung ở miền bắc, nơi mưa nhiều khiến nước tràn trề ngập lụt vùng châu thổ sông Sacramento – San Joaquin thì 80% nhu cầu về nước lại tập trung ở khu đô thị trung tâm và vùng đất thuận tiện cho trồng trọt phía nam. Cali do đó thiếu nước, phải mua nước từ các tiểu bang bên cạnh. Một công trình đa mục tiêu, một dự án nước lớn nhất quốc gia, trước hết là dẫn thủy nhập điền, đã được người Mỹ quyết tâm thực hiện tại đây. Gọi là công trình thế kỷ hay xuyên thế kỷ (trên thực tế nó vẫn đang được tiếp tục hoàn thiện) có lẽ cũng chưa xứng đáng vì chắc chắn công trình này còn sừng sững số một cho nhiều đời sau. Gần ba chục hồ chứa nước (lớn nhất là Quail Lake), 600 dặm kênh dẫn, năm nhà máy thủy điện và bốn nhà máy phát điện, điều tiết ngập lụt cho cả một vùng rộng lớn cũng như việc khiến khu vực này trở thành nơi du lịch giải trí hoang dã rất được yêu thích thì cũng chưa là gì so với lợi ích biến hàng vạn dặm vuông hoang mạc của California thành vùng nông nghiệp trù phú bậc nhất nước Mỹ. Cả một hệ thống mương máng nổi, ống dẫn chìm như những mao mạch chi chít dẫn nước đến từng luống đất, mà đất thì tốt, như là một sự hợp tác tuyệt vời giữa con người và tạo hóa. Câu chuyện này rồi trở thành cổ tích khi sẽ có một ngày người hát rong vừa gảy Tây ban cầm vừa kể về người khổng lồ khát nước Cali, đến lượt mình, đã trang trải hào phóng nguồn nước cho những chàng khổng lồ láng giềng như thế nào.
Người Việt trên đất Mỹ
Nghề nông được quan tâm hỗ trợ với nhiều chính sách ưu tiên. Giống, phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu được cung ứng giá rẻ. Xuất hiện loại sâu hại mới là lập tức có ngay lực lượng chức năng đến tìm hiểu, khoanh vùng rồi tiêu trừ, hoàn toàn miễn phí không để nhà nông phải loay hoay. Không ít người Việt đã thành công vang dội với nghề nông.
Anh Đoàn, sang Texas thập kỷ 80, phụ với một người bạn trồng cây kiểng. Bạn già yếu, nhượng lại anh phần vốn liếng của mình. Đoàn bắt tay mở rộng trang trại. Làm ăn được, anh mua đất mở rộng thêm nữa . Rồi cây kiểng chỉ là phụ, rau trái mới là chính. Thoạt đầu cung cấp cho nhà hàng, rồi ký hợp đồng với các siêu thị. Rồi xuất qua cả Nevada và Florida. Trang trại của Đoàn phát triển nhanh, năng động và rất được tiếng về kỹ thuật thu hái đảm bảo rau trái tươi ngon. Tiếng thơm lan truyền cả nước và Đoàn được đích thân người đồng hương Texas số 1, G. Bush, gửi thư khen khi ông đang ở cương vị Tổng thống. Đoàn farm hiện nay vẫn đang giữ vững vị trí của mình, khi mỗi ngày nườm nượp xe chuyên dụng đến đây ăn hàng.
Còn Nguyễn Ba, anh từ đồng bằng sông Cửu Long đến Mỹ khi cũng không còn trẻ. Vùng phụ cận Seattle bang Washington vốn nổi tiếng với những vườn dâu bạt ngàn, anh theo mọi người đến đây làm nghề hái dâu thuê cho một ông chủ Do Thái. Công việc đơn giản, hái được bao nhiêu tính tiền bấy nhiêu. Chịu khó cũng hái được tiền. Một bữa, ông chủ phát hiện trong nhóm của anh có kẻ bỏ đất vào thùng dâu hòng kiếm thêm trọng lượng, nhận thêm tiền. Không chỉ một thùng và chắc cũng không chỉ một lần. Nổi đóa, chủ đuổi sạch đám làm công gian dối. Anh cũng nổi đóa, không đu với cách làm ăn kiểu này, kiếm chỗ khác chơi. Bỏ hết vốn liếng, vay thêm bà con, bạn bè, anh mua đất lập riêng một trang trại nhỏ. Ba mở rộng trang trại lần lần, đến một ngày nó trở nên tít tắp. Anh đã bỏ vào đấy biết bao công sức và sự cần cù, cùng cách làm việc không giống ai, có thể viết thành sách dùng cho những người muốn tham khảo. Thoắt ba mươi năm, trại dâu của Ba trở thành một trong ba thế lực nông nghiệp của vùng. Cùng với hai thế lực kia – một Nga, một Do Thái, chính cái ông Do Thái đã từng đuổi anh – họ quyết định giá cả xuất khẩu mặt hàng dâu Mỹ sang thị trường châu Âu, bạn hàng không bao giờ nản của họ, vì chất lượng cực tốt của thứ dâu không chỉ làm thực phẩm mà còn được dùng trong mỹ phẩm. Được biết, Ba vừa thành công trong việc thử nghiệm trồng lứa sâm Mỹ nổi tiếng đầu tiên, mở ra nhiều triển vọng kinh doanh. Tôi rất muốn được “thực mục sở thị”, tiếc rằng khi cất công đến đây thì vụ thu hoạch cũng vừa xong, Ba đã trở về quê nhà nghỉ ngơi trước khi quay lại cho mùa làm ăn mới.
Lao động là vinh quang
Xin kể chuyện này: một công ty Mỹ quyết định mua lại một công ty Pháp ở Paris, trong kế hoạch phát triển thương hiệu của mình. Thương thảo mọi điều khoản xong, họ đồng ý ký tắt trong working lunch (bữa ăn trưa làm việc) ngay tại căng tin. Vào bàn, người Mỹ chợt thấy phía trước ba nhân viên Pháp đang vui vẻ với cá hồi và rượu vang. Bữa ăn vẫn diễn ra nhưng việc ký‎ tắt được hoãn lại. Hoãn lại có nghĩa không bao giờ nữa. Việc dùng chất cồn trong công, tư sở ở Mỹ bị cấm hoàn toàn, cấm nghiêm ngặt, dù là trong bữa ăn nối buổi. Đơn giản là buổi trưa chỉ có nửa tiếng nghỉ cho việc ẩm thực thì rượu vào nếu không xâm lấn giờ làm việc thì cũng ảnh hưởng đến năng suất lao động. Một ngày 8 tiếng làm việc là 8 tiếng làm việc (với 15 phút thư giãn giữa mỗi hai tiếng), còn nửa tiếng nghỉ ăn trưa là tùy theo quy định của từng văn phòng: hoặc khấu trừ lương, hoặc kéo dài thêm giờ làm. Đây là một trong các lý do để giải thích tại sao năng suất lao động và tiền lương ở đất nước này lại cao.
Ngay từ thuở còn trên ghế nhà trường, tôi đã đọc thấy, nghe thấy không biết bao lần câu “Lao động là vinh quang’’ nhưng thực chất cũng không hiểu lắm. Chỉ biết rằng nó rất “tư tưởng’’, rất “quan điểm giai cấp’’ vì sự tôn vinh lao động. Qua bên này mới hay cái slogan ấy, “work is glory’’ không phải là của riêng ta. Vậy ở đây người ta quan niệm thế nào là vinh quang? Ở Bellingham, mua mấy thùng táo trong một khu vườn nổi tiếng rộng hàng chục hecta, tôi thật ngạc nhiên khi biết được người đeo tạp dề cùng chúng tôi bưng bê đến tận bãi xe là bà chủ, trong khi đâu có thiếu kẻ ăn người làm. Bà chủ bảo rằng chẳng bao giờ để ý ‎đến chuyện ấy, nhưng lao động giúp cho tôi tồn tại, lao động đã cho tôi tất cả, và cười rất tươi.
Một nơi tôi trú lại ít ngày, đều đều thấy một người nhập cư to con gốc Mễ (Mexico) từ sáng sớm đến tối mịt sử dụng ống thổi thu gom rác trên các hè đường trong khu vực. Anh nói rằng sức khỏe tốt thì cứ làm, nhọc mệt thật đấy nhưng thích lắm vì kiếm được nhiều tiền, nửa năm nay đều đều mỗi tháng ba, bốn ngàn đô, bên Mễ đâu có chuyện nằm mơ vậy. Anh khoe: Mới mua một chiếc xe đậu kia kìa. Sanchez nhập lậu qua đây chưa đầy ba năm, chưa được quyền gì cả nhưng tạm thời không phải sống chui lủi nữa. Anh hy vọng có thẻ nọ thẻ kia để được ở lại nhưng nếu không được vậy thì cứ kiếm tiền đã, mình có sức mà, chừng nào... Người Mễ nhập cư ngày càng nhiều trở thành vấn nạn với ông chủ lớn là chính phủ nhưng lại là cơ hội cho những ông chủ nhỏ, kể cả những ông chủ người Việt. Dòng nhập cư này thiếu kỹ năng nhưng vô địch về lao động phổ thông, có sức khỏe, chịu khổ, chịu khí hậu khắc nghiệt và chấp nhận công việc nặng nhọc.
Nhưng về sự cần cù vươn lên thì phải kể đến người Việt. Người Việt đến Mỹ có thể đếm thành bốn thế hệ: Những người đến trước 75, những người đến trong 75, những người ra đi bằng thuyền, và những người đến theo diện đoàn tụ. Người ta nhận ra những người đến Mỹ trong những điều kiện càng khó khăn càng thành đạt, nhìn theo diện rộng. Họ muốn khẳng định mình, không chỉ vì cuộc sống. Mọi thứ đều khác ở vùng đất lạ, họ phải đào tạo chuyển đổi nhưng hầu hết phải bắt đầu lại từ đầu khi chẳng còn trẻ nữa. Những người Việt đến Texas có thể là một ví dụ về điều tôi muốn đề cập. Texas, xứ sở của dầu hỏa và theo đó có một nền công nghiệp cơ khí phục vụ cho việc khai thác dầu rất phát triển. Rất nhiều người Việt đến đây theo nghề thợ hàn, thợ tiện, những công việc vất vả, lam lũ, nhưng được hưởng lương theo sản phẩm, chỉ cần trước hết sự chăm chỉ chưa vội cần chứng chỉ, bằng cấp. Họ vào tập sự - gọi là helper – biết việc rồi thì sẵn sàng bỏ giờ nghỉ, thông tầm. Lao động nặng nhọc cho thu nhập cao đã đành, chính sách cũng giúp họ tiến lên con đường học vấn. Người Việt chẳng những cần cù mà còn khéo tay, từ thân phận helper làm giỏi, có sản phẩm đẹp, họ được phép thi nâng bậc với lý thuyết tự tích lũy, học thêm ngoài giờ, và trở thành người có bằng cấp, chứng chỉ không cần qua đào tạo cơ bản. Rất nhiều người Việt ở đây có thu nhập cao, trở thành trung lưu với đời sống sung túc từ những công việc vất vả.
Lại nói về sự "kết dính"
Quan hệ thương mại Việt – Mỹ tăng tốc ấn tượng qua chỉ số kim ngạch buôn bán hai chiều hằng năm, mà Mỹ nhập nhiều hơn xuất, nhưng khá lạ là rất ít hàng Việt được bán ở đây. Món cà phê mà Việt Nam bảo đứng nhất nhì thế giới cũng không có mặt. Đừng nói chế biến sâu làm tăng giá trị (kiểu như quảng cáo ở nhà về thứ café chuyên cho não sáng), nội chế biến “nông”, đem nguyên hạt rang lên mà bán cũng chẳng thấy đâu. Mà thứ này trong các siêu thị đến từ hàng chục quốc gia chứ đâu có ít (châu Á có Indonesia), đủ mọi màu sắc từ đen cháy classic french đến nâu nhạt carmenlita, đủ mọi hương vị từ thuần đến loại thêm coca hay trà... Không có Việt Nam chen chân. Đành nghĩ rằng Việt Nam chỉ có khả năng thu hái xong đóng bao xuất thô nguyên hạt để cuối cùng mang thương hiệu kẻ khác?
Tôi nghĩ các hội đoàn Việt ở đây nên tích cực góp phần quảng bá hàng Việt hơn nữa, có thể coi đó như là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cộng đồng. Như về ẩm thực thôi, nếu ta lập được những hội đồng trông coi riêng việc này thì quá tốt. Món ăn Việt được ngợi ca ở những tiêu chí của ẩm thực hiện đại: bắt mắt, ít dầu mỡ, và đặc biệt là tươi xanh (người Hoa cũng thích thú ở điểm này mà họ gọi là qing dan, không đồng nghĩa hoàn toàn với từ thanh đạm trong tiếng Việt), vậy tại sao ta không nhấn mạnh nó? Và cũng nên giữ lấy cách chế biến, nguyên liệu và gia vị truyền thống, như người Hàn, người Nhật ở đây làm với món kim chi của mình, chứ phở, mì Quảng, bún bò Huế...đã có vẻ khác xa gốc của nó rồi.
Tôi có người anh em con dì con già, nghĩa là rất thân. Hồi kháng chiến chống Pháp, nhà anh ở trong thành còn gia đình tôi ở Việt Bắc. Chiến tranh kết thúc, cả nhà anh di cư vào Nam. Bặt tin. Do đất nước nước chia cắt nhưng cũng một phần tại lòng người. Ngại bóng ngại gió. Rồi khi thống nhất đất nước, tôi từ trên núi đến tìm thì anh đang đi học tập. Đùng một cái, được tin cả nhà anh đã đến Mỹ. Anh đi trước bằng thuyền rồi bảo lãnh, giỏi làm sao tất cả đều đến nơi an toàn và bây giờ đang ăn nên làm ra. Anh em gặp nhau, mừng tủi. Anh bảo, không đơn giản như chú nghĩ đâu. Được như hôm nay, phần không nhỏ là nhờ ở sự hào phóng đùm bọc của người dân Mỹ, đáp lời kêu gọi của các tổ chức thiện nguyện. Đó cũng là một câu chuyện dài…
Người Việt ở đây là người Việt Nam hay người Mỹ, hoặc giả bao nhiêu phần trăm này và bao nhiêu phần trăm kia? Nếu có một câu hỏi như vậy thì tôi nghĩ bài viết này có lẽ cũng trả được phần nào. Cuối năm, mùa của lễ hội. Người Việt vừa huyên náo cùng dân Mỹ trong hội hóa trang Halloween, quay sang đã thấy lễ Tạ ơn đến gần và đâu còn xa nữa, mùa Noel. Nhưng vẫn nghe họ hỏi nhau: “Tết này, bác về Việt Nam cả nhà à?”, “Anh chị định ở lại bao lâu?”… Và vẫn kịp tổ chức trong cộng đồng những lễ hội riêng như hội chợ La Vang đầy màu sắc ở Houston. 
Gần bốn chục năm rồi, cũng nên nói về chuyện này một cách cởi mở hơn. Những năm cuối của thế kỷ trước, ý kiến vẫn còn đối nghịch: phủ định hay khẳng định? Mất hay được, ai mất ai được?
Trước năm 1975, người Việt định cư ở nước ngoài chỉ đếm đến con số vài chục ngàn. Sau 1975 tăng nhanh dần lên, bây giờ đã là dăm ba triệu người. Nhờ một phần ở cộng đồng này, ta thấy thế giới xích lại gần hơn. Nhờ một phần ở cộng đồng này, thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn. Cộng đồng Việt ở Mỹ là cộng đồng trẻ. Trẻ nghĩa là đang tràn năng lượng, sung sức.
Nếu hiểu khái niệm cộng đồng không chỉ là một tập hợp - tập hợp theo nghĩa đen và nghĩa rộng – mà còn là một kết dính thì người Việt ở nước ngoài có lẽ chẳng kém người Trung Hoa, hơn cả người Hàn, người Nhật, người Ấn, người Philippines…, những dân tộc châu Á khác. Còn hơn cả người Trung Hoa, sự kết dính này luôn làm dậy sóng lòng họ trước mỗi biến động của tình hình trong nước. Còn hơn cả người Philippines khi số tiền mà họ ki cóp tiết kiệm hàng năm gởi về giúp người thân chẳng kém bao nhiêu số tiền người Phi ở nước ngoài đông gấp ba lần họ (13 triệu người) gởi về. Sự kết dính đã làm mờ đi khái niệm tha hương, điều dễ tạo nên mặc cảm nơi người xa xứ. Trời ạ, đến vừa phát hoảng lẫn phát khóc ở hội chợ La Vang, khi thấy những bà bán rau, bán cá (để lấy tiền ủng hộ nhà thờ), áo cánh đụp hai ba chiếc cho đỡ lạnh, mẹt rau chậu cá bày bên đường, khê khê cái giọng nhà quê mời chào nào có khác gì ở chợ Đường Cái gần Hà Nội?
***
Tôi vẫn đang hăm hở cuộc hành trình, chợt sờ vào túi không còn nghe cảm giác sột soạt, như ai đó thì bảo là đã “viêm màng túi”. Thế, đành phải dừng cuộc chơi. Từng một lần cưỡi ngựa xem hoa; còn lần này, một tháng rong ruổi bờ tây rồi bắc và nam nước Mỹ, trải nghiệm sòng bài Las Vegas, kinh đô điện ảnh Hollywood, thung lũng khoa học Silicon và vân vân, nhưng ngó vào bản đồ vẫn chỉ là một góc nhỏ xíu. Cả một vùng miền trung và miền tây nước Mỹ mênh mông với những thành phố vừa nghe tên đã biết là rất Mỹ, đặc trưng Mỹ: Washington, New York, Philadelphia, Baltimore, Boston, Atlanta, Chicago, Detroit…còn chưa biết ở đâu, mặt mũi như thế nào thì không hiểu đặt tiêu đề bài viết là: “Gặp gỡ nước Mỹ” có phải là một sự liều lĩnh không đây?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.