Gặp Hoàng Sa ở Lý Sơn - Kỳ 4: Bằng chứng đây!

25/04/2012 03:29 GMT+7

Hoàng Sa là lãnh thổ của Việt Nam, điều đó là bất biến. Nếu có ai đó hỏi “bằng chứng đâu?”, xin thưa: “Nó đây, “sổ đỏ” của Hoàng Sa đây!”.

>> Kỳ 3: Những hình nhân chết thế

“Sổ đỏ” đó chính là Tờ lệnh điều quân ra Hoàng Sa có từ thời Minh Mạng được dòng họ Đặng ở thôn Đồng Hộ xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn gìn giữ từ năm 1834 đến năm 2009, đúng 175 năm. Có thể xem đây là “bằng chứng” sống động nhất về chủ quyền của nước ta tại Hoàng Sa.

Bằng cách nào mà dòng họ Đặng giữ được báu vật ấy một cách nguyên vẹn trong điều kiện có quá nhiều đổi thay của thời cuộc suốt 175 năm qua cũng như sự khắc nghiệt của thiên nhiên nơi vùng đất này? Đó là câu chuyện đậm chất truyền kỳ mà sự cẩn trọng, chỉn chu của người giữ nó không thôi chưa đủ, cần phải có một ý thức rất cao về lòng yêu nước, yêu Hoàng Sa thì mới thực hiện được.

Lần giở trước đèn

Trên đường ra Chùa Hang, di tích văn hóa cấp quốc gia của Lý Sơn, trước khi gặp biển, rẽ trái theo con đường làng một quãng ngắn là gặp nhà thờ họ Đặng ở thôn Đồng Hộ. Đó là gian nhà ngói khiêm nhường nhưng ấm cúng, nép mình dưới hàng cây cổ thụ sum suê lá xanh và rực đỏ hoa giấy mùa này. Họ Đặng không phải là tộc họ lớn ở Lý Sơn, song có một nhân vật của dòng họ này đã thành “giai thoại” của làng. Đó là Đặng Văn Siểm, người đời sau ví ông như con kình ngư của biển khơi. Cũng nghe “đồn đoán” vậy thôi chứ chẳng có tài liệu nào đề cập đến nhân vật này. Cho đến mùa hè năm 2009, khi thấy Đặng Văn Siểm được nêu tên trong “Tờ lệnh”, lại được giao làm đà công thì dòng họ Đặng mới biết thêm về tổ tiên mình.

 
Trao Tờ lệnh cho Bộ Ngoại giao - Ảnh: Trần Đăng

Ông Đặng Tôn, trưởng tộc họ Đặng, là người chăm sóc hương hỏa đồng thời cũng là người duy nhất được dòng họ giao cho chìa khóa giữ chiếc rương có đựng “tài liệu quý”. Chữ Hán của ông Tôn chỉ đủ nhận mặt nhất nhị tam tứ ngũ nên ông chẳng biết gì về nội dung của các tài liệu toàn chữ Hán được cha ông trao lại đang để trong chiếc rương nọ. Theo di chúc của tổ tiên, họ Đặng quy định phải 20 năm mới được mở chiếc rương một lần. Chủ yếu là xem thử có mối mọt hao khuyết gì không để còn khắc phục. Năm 2004, ông Đặng Tôn mất, em trai ông là Đặng Lên được phép “kế tục” anh trai. Ông Lên nhớ lại: “Tôi được biết là chiếc rương kia đã được mở vào các năm 1939, 1959, 1979, 1999, đúng như quy ước của dòng họ. Lẽ ra đến năm 2019 thì mới được mở nhưng năm 2009, chỉ 10 năm sau lần mở cuối cùng, tôi xin phép dòng tộc được mở rương”. Hỏi ông Lên vì sao lại “phá lệ”? Ông nghiêm trang nói: “Hình như có ai đó mách bảo rằng, chiếc rương ấy đang mang trong lòng nó một sứ mệnh nên tôi quyết định xin phép được mở ra. Và đúng là như thế”.

Kể từ năm 2005, ngư dân Lý Sơn liên tục bị Trung Quốc bắt bớ và đòi tiền chuộc mỗi khi họ ra Hoàng Sa đánh cá, với lý do là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Nghe giọng điệu ấy, ông Lên tức lắm. Linh cảm đã mách bảo với ông rằng, tài liệu trong chiếc rương kia có thể giúp được gì chăng trong việc khẳng định chủ quyền của nước ta tại Hoàng Sa. Và rồi ông quyết định sắm một lễ cúng để “xin phép” tiên linh mở rương nhân lệ cúng xuân tháng 4.2009. Đó không phải là lần đầu tiên ông Lên chứng kiến mở chiếc rương nhưng việc “lần giở” báu vật của tiền nhân lần này, lòng ông rộn lên nỗi niềm khó tả! Gần như tập tài liệu vẫn còn nguyên nếp gấp, còn thơm mùi mực, như thể ông bà dòng họ Đặng cất chúng vào rương vừa mới hôm qua. Ông sai đứa cháu sao chụp toàn bộ tài liệu nọ và tìm người dịch giúp. Bản dịch cho biết đó là Tờ lệnh điều động binh phu ra Hoàng Sa năm 1834, trong đó, ông Đặng Văn Siểm được giao làm đà công! Dòng họ Đặng rồi cả đảo Lý Sơn, rồi tỉnh Quảng Ngãi và cả nước như sôi lên với tài liệu này.

Ý thức của dòng tộc

Ông Đặng Lên nói: “Một lần nữa tôi biết ơn tiền nhân dòng họ Đặng đã giữ được báu vật này cho đất nước. Phải rất có ý thức thì mới giữ được, vì suốt 300 năm qua, bao lớp trai làng trên đảo Lý Sơn ra Hoàng Sa, có rất nhiều tờ lệnh điều động nhưng chỉ giữ được có mỗi một tờ này. Ông cha chúng tôi đã để tài liệu ấy vào chiếc rương bằng gỗ tra bể, một loại danh mộc gần như thất truyền ở Lý Sơn này”. Cũng theo ông Lên, nếu để Tờ lệnh vào chiếc rương bằng loại gỗ khác, e có khi đã hỏng lâu rồi. Tra bể là loại gỗ chống mối mọt và giữ được độ ẩm cao, bảo vệ được lớp giấy dó và chữ viết trên đó còn nguyên vẹn.

Nghe phát hiện “sổ đỏ” cho Hoàng Sa, nhiều cuộc điện thoại “trong bóng đêm” đã tới tấp gọi về nhà ông Lên và xin mua với giá 2 tỉ đồng. Ông Lên đã chối từ và cấp báo sự việc trên với tỉnh Quảng Ngãi. Lập tức một tiểu đội cảnh sát cơ động được cấp tốc điều ra đảo để giữ Tờ lệnh và đợi ngày chuyển vào đất liền để giao cho Bộ Ngoại giao. Lần đầu tiên dân Lý Sơn mới nhìn thấy sắc phục của cảnh sát cơ động trên đảo, không phải để “trấn áp tội phạm” hay xử lý “nóng” các vụ đâm chém mà là để bảo vệ Tờ lệnh. Thế mới biết, giá trị và ý nghĩa của Tờ lệnh như thế nào.

Trước ngày đưa Tờ lệnh vào đất liền để hiến cho Nhà nước, dòng họ Đặng lại có một đêm mất ngủ. Các bà, các cô, các chị trong làng đã tề tựu về đây để cùng với con cháu họ Đặng “cúng cơm” xin ông bà cho phép được hiến báu vật ấy cho quốc gia. Trên mâm cỗ cúng ông bà hôm ấy, người ta lại thấy bày ra những món ăn quen thuộc dành cho lính Hoàng Sa thuở trước. Này là bánh nổ - một loại lương khô khá đặc thù của Quảng Ngãi, nọ là bánh thuẩn, kia là bánh ít lá gai… Đây là những loại bánh dùng làm lương khô, có thể để lâu ngày trên thuyền đi biển mà không sợ hỏng. Cách thức làm những thứ bánh đó được những người đàn bà trên đảo Lý Sơn gìn giữ hết đời này sang đời khác. Gìn giữ và “truyền đời” các loại bánh đó cho con cháu như lưu ký những kỷ niệm của tổ tiên và cũng là hâm nóng Hoàng Sa, là gieo vào lòng thế hệ trẻ hôm nay để chúng biết rằng hiện vẫn còn một góc trời của Tổ quốc nơi Hoàng Sa đang nằm trong tay kẻ khác.

Đáp lại sự hiến dâng đó của dòng họ Đặng, mới đây, đại diện Bộ Ngoại giao đã về tận Lý Sơn để trao cho tộc họ Đặng tấm bằng khen của Bộ. Thay mặt dòng tộc, ông Đặng Lên cảm ơn sự quan tâm đó đồng thời kiến nghị, nên làm cách nào đó để cho Tờ lệnh được “cựa quậy”, được phát huy tác dụng về giá trị của nó trong việc đòi lại chủ quyền đối với Hoàng Sa chứ không nên biến nó thành một thứ “hàng mẫu” trưng bày trong viện bảo tàng.

Tờ lệnh là bằng chứng về chủ quyền tại Hoàng Sa là điều không bàn cãi nữa. Nhưng, với thế hệ hậu bối của dân Lý Sơn, họ có một “tờ lệnh” khác cho riêng mình mà không cần bất cứ một ấn chỉ nào. Đó là tấm lòng của con cháu đối với Hoàng Sa, để mỗi khi nổ máy rời bến tàu, các mũi thuyền lại hướng về quần đảo ấy, bất chấp những tai ương đang chờ đón họ.

Trần Đăng - Đỗ Hùng - Hiển Cừ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.