Tôi đã gặp lại nàng trong thời gian bộ phim André Menras: Một người Việt Nam do Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương thực hiện đang được bấm máy, bộ phim nói về mối tình của tôi đối với đất nước Việt Nam.
Trong câu chuyện dài đầy xáo động về cuộc đời Việt Nam của tôi, nàng là hiện thân của một thời yêu đương nồng cháy. Nàng không hề thay đổi. Đúng là nàng rồi: Tập hồ sơ dày trong tài liệu lưu trữ của viện bảo tàng đã khẳng định nhân thân của nàng. Những ngày gian khổ cuối cùng cũng đã được đền bù bằng phút giây hạnh phúc này đây! Chỉ cần ta không bỏ cuộc, chỉ cần ta tiếp tục dấn bước đi tới...
Là ai, chuyện gì vậy, có lẽ bạn sẽ hỏi tôi như thế?
Từ nhiều năm nay, cùng với các bạn “tà ru” (tù ra), những cựu tù nhân chính trị của chế độ Sài Gòn cũ từng bị giam giữ trong nhà lao Chí Hòa và sau đó là Trại 6B ở Côn Đảo, chúng tôi đi tìm dấu vết của chiếc radio ngày xưa giúp chúng tôi từ trong trại giam bắt được tin tức từ mặt trận, tin về những cuộc đấu tranh ngoại giao, về những cuộc thoái lui của quân thù cũng như về sự ủng hộ của bạn bè khắp năm châu. Trong cái thế giới mà bọn cai ngục chỉ muốn bưng bít mọi thứ hầu dễ bề bóp nghẹt đời sống tinh thần và dập tắt ý chí đấu tranh của tù nhân, thì tin tức cũng giữ vai trò cốt tử đối với tinh thần chẳng khác gì máu đỏ cần cho huyết quản, như dưỡng khí nuôi sống từng tế bào cơ thể vậy. Đó là những thông tin giúp chúng tôi nắm tình hình bên ngoài để thường xuyên tổ chức những cuộc đấu tranh lớn hoặc nhỏ trong nhà tù, để kịp thời định hướng đấu tranh và chuyển hướng khi cần. Vậy đó, nhờ chiếc radio Sony 3 băng tần - và nhiều chiếc radio khác - mà tiếng nói của tự do đã có thể len vào tận các xà lim tối tăm để truyền dưỡng chất thiết yếu và soi sáng con đường đấu tranh của chúng tôi.
Thú thật tôi đã trào nước mắt khi gặp lại chiếc đài ấy tại Hà Nội, phòng 24 Bảo tàng Cách mạng, vào buổi sáng sớm ngày 8.12.2011, nằm trong tủ kính trưng bày với dòng ghi chú đơn giản: “Đài song tù nhân nhà tù Côn Đảo dùng để nghe tin Sài Gòn giải phóng”. Thương thay cho số phận những hiện vật trưng bày trong các nhà bảo tàng! Với lịch sử luôn tuyệt vời, sống động và đầy sắc màu là thế, nay chúng lại trở thành vật vô hồn nằm trơ trọi bên cạnh vài con chữ chú thích lạnh lùng trên tờ nhãn trắng bám đầy bụi!
Giá như chiếc radio ấy có thể kể lại thiên sử thi thần kỳ về nỗi gian truân phải giấu mình, về những đôi tay - mạnh khỏe hoặc run rẩy, từng ôm ghì lấy nàng như thể nàng là một phần máu thịt của họ, những đôi tai dán chặt vào nàng hệt như đang lắng nghe tiếng thủ thỉ của người tình yêu dấu, giọng nói các tên cai ngục mỗi lần lùng sục tìm kiếm nàng, có lần đã suýt chạm vào nàng rồi lại bỏ đi vì không phát hiện ra… Cả một trời cảm xúc, của những cuộc đấu tranh liên tục nổ ra bất chấp những trận mưa đòn dã man, thừa sống thiếu chết, của tình đoàn kết không gì khuất phục nổi, tất cả đều ẩn chứa trong món vật dụng nhỏ bé khiêm nhường ấy.
|
24 giờ trước khi trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 93, mấy tháng trước đây ở Đà Nẵng, lão đồng chí Phạm Văn Ba, người bạn tù vong niên của chúng tôi, đã trăn trối về chiếc radio với Bùi Văn Toản, người phụ trách thông tin mật ở Trại 6B ngày xưa, từ đó chúng tôi có thêm thông tin để lần ra dấu vết của nàng.
...Ngày ấy, hằng đêm, với sự bảo vệ và cảnh giới của các đồng chí tù nhân khác, Toản bí mật nghe đài để thâu lượm tin tức rồi báo cáo lại với đồng chí Trịnh Văn Lâu (bí danh Tư Cẩn), lúc ấy là Bí thư Đảng ủy Đảng bộ Lưu Chí Hiếu1, cũng là Bí thư Đảng ủy đầu tiên của Côn Đảo sau ngày giải phóng.
Chiếc radio này được mang vào khám Chí Hòa theo con đường công khai, qua người vợ của một thường phạm người Pháp, vốn có cảm tình với cuộc đấu tranh nhân văn và chính trị của chúng tôi. Người tù này, mà tôi được phép thường xuyên qua lại ở khu ID để “chơi cờ” với anh, đã khép mắt tảng lờ khi tôi “đánh cắp” chiếc radio của anh ấy. Tôi nhờ chuyển radio cho Phạm Văn Ba, vào khoảng thời gian ấy được đưa từ Côn Đảo về đất liền để chữa bệnh và đang chờ trở ra đảo. Ba và hơn 60 đồng chí của mình ở phòng giam OB1 đã lập kỳ tích trong việc bí mật giữ gìn chiếc radio qua những trận đàn áp dữ dội trước khi họ bị đày ra Côn Đảo. Từ trong xà lim, chiếc radio vượt qua tường thành nhà giam trên chiếc cam nhông mà các tù nhân bị lèn vào chẳng khác gì súc vật. Từ đó, nàng đã lên tàu và bị nhốt xuống hầm cùng với họ. Rồi nàng vượt qua nhiều chặng lục lọi khám xét cùng bao trận đòn roi giáng lên tù nhân khi đặt chân tới Côn Đảo. Nàng phải tạm trú một thời gian trong thùng rác trước khi được đưa vào phòng giam Trại 6B. Một tổ tù nhân gồm 6 thanh niên, do Nguyễn Văn Hai (quê ở Cà Mau) phụ trách, thay nhau canh gác và bảo vệ radio thường xuyên; và khi đêm đến thì Bê (tức Ung Văn Khuê, người Long An) có nhiệm vụ gói nàng thật kỹ trong túi nhựa và đặt vào hố xí.
Đôi khi nàng còn được giấu trong hốc tường và được che chắn bởi một tấm vách mỏng ngụy trang. Các anh em khác cùng phòng giam tuy không tham gia vào việc bảo vệ và sử dụng radio, nhưng có lẽ tất cả đều biết đến sự hiện diện của nàng. Tuy nhiên, do nguyên tắc bảo mật trong tù, không ai được tìm hiểu công việc của người khác nếu việc ấy không thuộc trách nhiệm của mình. Cứ thế, nàng đã trải qua cuộc sống bí mật trong nhà giam bên cạnh những người yêu nước trong suốt hơn 3 năm trời, và là đối tượng được họ chăm chút và quan tâm thường trực. Nàng là nguồn sống, nhưng bất cứ lúc nào nàng cũng là nguyên nhân gây ra chết chóc. Nhờ có nàng mà anh em tù nhân nắm bắt kịp thời các điều khoản của Hiệp định Paris, rõ hơn cả bọn quản lý trại, và từ đó có thể định hướng thắng lợi cho các cuộc đấu tranh của mình. Với họ, nàng thực sự là vũ khí bảo vệ và tấn công.
Thế đấy, khi tôi tái ngộ với hiện vật tuyệt vời của tình đoàn kết, của trí năng, của lòng quả cảm và tinh thần đấu tranh bất khuất một thời ấy trong gian phòng trống trải của viện bảo tàng, câu chuyện của 40 năm trước tưởng đã xa xôi giờ đây đã được kết nối với hiện tại. Vào giây phút ấy, tôi bỗng nảy sinh ước muốn điên cuồng, là được ghì siết lấy nàng vào lòng mà hôn cho thỏa thích, dù hành vi ấy có thể là kỳ quặc nực cười dưới mắt những ai chưa biết câu chuyện này.
Mỗi người đều có một anh hùng để tôn vinh. Với tôi, tôi sẽ không bao giờ đánh đổi nàng với bất cứ màn hình plasma nào dù là hoành tráng nhất, cũng như sự rỗng tuếch và đinh tai nhức óc mà những thiết bị sản xuất hàng loạt theo mốt thời thượng kia cứ liên tục mỗi ngày tra tấn đôi tai mệt mỏi của chúng ta. Những làn sóng phát ra từ loa của chiếc radio cũ kỹ này thực sự mang tinh thần giải phóng.
Đặc biệt, ngày hôm nay, tôi thấy lòng luyến nhớ nàng vô cùng. Nếu có dịp nào bước vào gian phòng 24 của Bảo tàng Cách mạng, bạn nhớ nhìn kỹ chiếc radio ấy, thế nào nàng cũng sẽ tinh nghịch nháy mắt với bạn, như thể muốn nói rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dẫu ngặt nghèo và tồi tệ đến đâu, cũng không ai có thể ngăn cấm được con người trong việc kết nối và trao đổi thông tin.
Hồ Cương Quyết André Menras
(Trần Hữu dịch từ bản tiếng Pháp)
1. Lúc ấy Trại 6B gồm 10 phòng giam, mỗi phòng là một chi bộ, hợp thành Đảng bộ Lưu Chí Hiếu
Bình luận (0)