Gặp lại người tuyên án Năm Cam

01/03/2008 15:44 GMT+7

Chánh án TAND TP.HCM Bùi Hoàng Danh, vị quan tòa nổi tiếng “lạnh” khi thăng đường, từng là chủ tọa xét xử vụ Năm Cam – một vụ án hình sự chưa từng có trong lịch sử tố tụng Việt Nam, đã dành cho PV Thanh Niên cuộc chuyện trò cởi mở.

* Chào anh Ba Danh, hình như bây giờ nói vào gặp anh và có hẹn trước mà cũng phải trình thẻ, rồi chờ, không được “chạy ào” như mấy năm trước nữa?

- Bạn hỏi vậy thì mình nói cái này trước. Phương châm của mình là gần dân, giúp dân, học dân, hiểu dân. Hai “ki-ốt” bên ngoài mà bạn nhìn thấy, mua rất tốn tiền, nhưng thông tin, dữ liệu được trích xuất lên đó. Người dân bây giờ đến nộp đơn kiện thì được nạp vào máy. Bà con chỉ việc đến đó nhấn nút thì biết được đơn của mình do ai giải quyết, giải quyết đến đâu. Chỗ này rất quan trọng. Nó kiểm soát hai mặt. Dân nộp đơn ngày nào, tố tụng quy định bao lâu khi nhận đơn thì phải giải quyết. Nếu anh nhận đơn rồi, đơn đó đã chuyển cho thẩm phán A, B, mà không giải quyết, dân khiếu kiện thì lãnh đạo sẽ xử lý cán bộ trong việc thực thi công vụ. Rồi sáng thứ năm hằng tuần mình đều có lịch tiếp dân, nếu bận thì ủy quyền cho phó chánh án tiếp, để nghe bà con nói.

Trước khi nhận nhiệm vụ chánh án, vào tháng 10.2003, mình cũng từng cùng ban lãnh đạo tòa án nghiên cứu, đưa ra nhiều đề án nhưng chưa thực hiện được. Và những gì có thể nhìn thấy bây giờ đều là thành quả của giai đoạn đầu thực hiện cải cách hành chánh tư pháp. Để có hôm nay phải giải quyết rất nhiều chuyện. Nói thật với bạn, cũng nhức đầu lắm!


Chánh án Bùi Hoàng Danh và phu nhân - ảnh do gia đình cung cấp
* Ở hội nghị triển khai công tác đầu năm của TAND Q.1 thấy có nhiều chuyện hay. Quá trình “làm phẳng” thế giới quan tòa đang diễn ra rất nhanh ở đó. Ở đó có ông chánh án được bầu là chiến sĩ thi đua duy nhất cấp toàn quốc năm vừa rồi, mà công lớn là nhờ ứng dụng công nghệ. Còn ở cấp thành phố thì các quan tòa đang làm gì với máy vi tính?

- Sở Bưu chính Viễn thông – được sự chỉ đạo của UBND thành phố đã hỗ trợ tòa thành phố rất mạnh. Cộng với nguồn kinh phí của TAND tối cao rót xuống, tòa đã làm xong giai đoạn 1. Bây giờ đang bắt đầu vào giai đoạn 2. Ý tưởng trong đề án công nghệ thông tin này là phải trang bị, mỗi thư ký và thẩm phán một máy tính riêng. Dự tính trên 1.000 máy. Hiện nay đã trang bị 560 máy rồi. Từng hệ thống đang được nối mạng, rồi sẽ mở rộng ra toàn ngành, đến các sở ngành liên quan tại thành phố và lên tới TAND tối cao.

* Còn yếu tố con người?

- Đúng, mình đầu tư công nghệ, nhưng ai sử dụng nó? Chiến lược đào tạo cũng chia làm mấy giai đoạn. Từ nay đến 2010, từ 2010 đến 2015, rồi từ 2015 đến 2020. Mình đã tính toán hết, có kế hoạch cụ thể rồi. Bây giờ cán bộ ở tòa toàn là cử nhân hết, chiến lược đào tạo chuyên môn sẽ nâng lên từ thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư, đào tạo trong nước và ngoài nước. Trước nay mình cũng chịu khó đi lòng vòng một số nước để xem xét chuyện này. Trình độ của thẩm phán, công chức ngành tòa án phải ngang tầm khu vực và thế giới. Đào tạo nghiệp vụ là như vậy. Nhưng song song đó là hai mặt nữa, chính trị và tin học. Người thẩm phán bây giờ nghiệp vụ giỏi nhưng phải có bản lĩnh vững vàng và sử dụng thành thạo công nghệ. Kế hoạch đào tạo để đáp ứng yêu cầu của mình tập trung vào ba vấn đề đó.


Chánh án Bùi Hoàng Danh tiếp Chánh án Tòa án Tối cao Liên bang Nga V.M Lebedev chiều 20.2.2008 - ảnh: Nghĩa Phạm
* Đi vào vấn đề sát sườn một chút, là đời sống của lực lượng này. Hiện nay vẫn có ông thẩm phán phải làm nghề tay trái như mở tiệm bán hoa, mở cửa hàng bán mứt... này nọ. Anh suy nghĩ sao khi họ cũng là con người, nghĩa là cũng có thể “rung rinh” khi đời sống gặp khó khăn. Và phía sau đó còn có gia đình, vợ con nữa?

- Bạn hỏi ý đó là rất sát sườn. Trước kỳ họp Quốc hội vừa rồi anh Trương Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao, đã làm việc với mình và các chánh án thành phố lớn và thống nhất phát biểu chính thức trước Quốc hội hai việc lớn. Thứ nhất, trong cải cách tiền lương sắp tới, tách hẳn hệ tư pháp, đặc biệt là ngành tòa án, đưa vào diện công chức có đặc thù riêng. Không ghép chung chung như trước nay mà xác định rõ công chức ngành tòa án là công chức đặc biệt, được hưởng chế độ đặc biệt, đặc thù riêng. Thứ hai, anh Trương Hòa Bình cũng trình trước Quốc hội, trong khi chờ cải cách tiền lương, trước mắt phụ cấp mỗi công chức tòa án 1 triệu đồng/tháng. Còn các chế độ khác đã có thì phải bảo đảm, chứ không thể để tình trạng như lâu nay.

* Hình như bà xã anh cũng là chánh án? Vậy những lúc xử án căng thẳng thì có gì xáo trộn trong gia đình không, ví dụ như chồng quên đón vợ, vợ quên đón con, cơm hàng cháo chợ...?

- Nói gì thì nói, mình là chánh án thành phố, vợ là chánh án quận, vợ chồng phải chia sẻ nhau thôi. Mình có hai đứa con, con gái lớn 23 tuổi, học quản trị kinh doanh và ngoại thương, tháng 4 này ra trường. Con trai thì đang học năm thứ hai ngành quản trị kinh doanh. Các cháu rất ngoan, chia sẻ với cha mẹ và cùng lo việc gia đình. Hằng ngày mình làm việc tới 12 giờ đêm và bắt đầu một ngày mới từ 4 giờ sáng mới xử lý được hết công việc. Cậu con trai tối nào cũng thức nấu mì gói cho ba.

* Anh không mập, lại khiêm tốn về chiều cao và cũng không có cơ sở gì để mọi người tin là người đàn ông khỏe mạnh. Nhưng phiên tòa Năm Cam kéo dài ròng rã suốt hơn 3 tháng, với tổng cộng 57 ngày làm việc mới kết thúc mà anh vẫn tỉnh queo, còn thoải mái chủ tọa cuộc họp báo quốc tế ngay sau khi tuyên án, anh có “thuốc tiên”?

 - Lúc đó nhiều người rất lo cho mình, thậm chí đem sâm cho mình uống. Phải la lên trời ơi tôi không có uống cái này đâu! May là mình không bệnh và huyết áp rất ổn định, chứ nếu không là bứt. Thời thanh niên, khi đánh vô giải phóng Sài Gòn năm 1975, mình nặng tới 64 kg, nhưng nó cứ tụt dần lúc nào không hay. Những năm gần đây thì cứ dao động từ 49 – 50, 51 kg.

* Nếu nhìn vào các con bây giờ và so lại tuổi thơ của mình, anh sẽ nghĩ gì?

- Mình tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi. Lúc đó mới học lớp 7. Giải phóng vô học bổ túc công nông, rồi lên đại học. Cho nên trình độ của mình, học trong thời điểm đó để đáp ứng được yêu cầu thôi, chứ còn căn cơ thì chưa được. Cho nên gia đình rất tập trung cho hai đứa con, học cho đúng bài đúng bản. Hai vợ chồng cũng dự kiến cho nó dự thi tham gia chương trình đào tạo thạc sĩ của Thành ủy để đỡ chi phí...

* Thực ra có lúc nào anh nghĩ sở thích của anh là gì không?

- Mình chỉ nghĩ là làm sao tròn trách nhiệm. Không tròn trách nhiệm là có lỗi. Trong tư tưởng lãnh đạo điều hành của mình lúc nào cũng vậy. Mình không tròn trách nhiệm đã là có tội, không cần phải vi phạm pháp luật đâu. Sau này về hưu hay “hưu non” gì thì quan điểm mình vẫn là phụng sự. Xong việc Nhà nước thì có việc xã hội.

* Nhiều người về hưu thì làm luật sư, anh sẽ như vậy chứ?

- Cái đó mình chưa khẳng định. Nhưng quan điểm thì chắc có lẽ không có. Nếu có làm thì có thể mình tư vấn pháp luật, sẵn sàng làm từ thiện cho người nghèo.

 Võ Khối (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.