Gửi được thư về nhà!
Sống nhiều năm ở cái thôn núi xa lắc tỉnh Quảng Tây, chị Phương cũng dần nói được tiếng dân tộc, thành người làng tự lúc nào, nhưng nỗi nhớ quê và hy vọng có ngày trở về vẫn không nguôi ngoai.
Rồi chị cũng gặp được một số người Việt bị bán sang đấy làm vợ. Mỗi người một hoàn cảnh. Một chị quê ở Hải Hưng (tên gọi cũ của Hưng Yên và Hải Dương), không rõ tên tuổi, bị điên suốt năm năm nay, chỉ cười nói suốt ngày, quê hương bản quán không còn nhớ ai.
Cái thẻ cử tri từ lần đi bầu cử ở quê là giấy tờ duy nhất chị này mang theo mình. Sinh bốn đứa con, người gầy quắt, cứ lủi thủi ngoài nương từ sáng đến tối mịt, thu được cân ngô, tải thóc lại bán để gửi sổ tiết kiệm do chồng quản lý, muốn mua cân muối cũng phải xin chồng...
Một chị khác quê ở Thanh Hòa, Vĩnh Phú (tên gọi cũ của Vĩnh Phúc và Phú Thọ) sang đấy được 18 năm, đã lên chức bà ngoại, nhớ quê quá, viết thư về Việt Nam bị gia đình nhà chồng phát hiện còn dọa đánh...
Chị Phương gắng học tiếng dân tộc để làm vỏ đậy thân phận kẻo bị lộ là người Việt khi đi ra khỏi làng, vì bọn buôn người luôn trực rình bán bất kỳ người phụ nữ Việt nào đi nơi khác. Đàn ông mua vợ không hiếm, công an Trung Quốc ngại xử lý, các chị chỉ còn biết lặng lẽ sống cam chịu.
Và rồi chị Phương gặp một cơ may. Cái làng nhỏ bé một chiều đông bỗng ầm ĩ chuyện có người đàn ông Việt Nam tên Lương sang đón đứa cháu bị bán sang đây năm 1998. Anh Lương đã giúp chị chuyển một lá thư tay về Hà Nội.
Tái ngộ sau 13 năm
Chị Đào Thị Dung, chị gái của chị Phương kể, khi nhận thư tay của em gái gửi về, gia đình rất sốc và đã có ý định sang Trung Quốc tìm chị Phương, nhưng lúc đó kinh tế quá eo hẹp.
Mấy năm nay, chị Dung lấy cớ sang Trung Quốc du lịch, mang theo địa chỉ đã ghi trong lá thư tay ngày nào quyết tìm em gái. Dò hỏi mãi vẫn không ra manh mối. Tình cờ được một nữ hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc giúp đỡ, hứa đi tìm giúp.
Nhìn ngôi nhà khóa kín cửa, chị Dung lại càng hốt hoảng lo em Phương bị giấu, nhưng may mắn mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, Phương từ ngoài nương chạy về. Hai chị chị ngỡ ngàng không biết nói gì...
Sau một ngày ở lại, chị Dung đã thuyết phục gia đình người Trung Quốc cho chị Phương về Việt Nam thăm gia đình.
Công an quận Hai Bà Trưng cho biết đã triệu tập một số đối tượng liên quan vụ lừa bán chị Phương. Còn chị Phương cũng vừa mới trở lại Trung Quốc thăm hai đứa con mà chúng chưa một lần biết đến quê ngoại và câu chuyện của mẹ. |
Về Hà Nội, chị Phương vẫn mặc chiếc áo mang từ ngày bị bán sang Trung Quốc. Vạt áo phớt hồng đã sờn vai, lốm đốm những vết mốc.
Gia đình chị Phương đánh tiếng, gọi cô bạn cũ tên Thoa lên nhà gặp mặt. Ba lần liền thất hứa, chị ta bất ngờ hẹn gặp gia đình chị Phương tại số 300 Lạc Trung lúc sáu giờ tối.
“Tôi chỉ có ý tốt tìm công ăn việc làm cho Phương, không ngờ đứa em gái nó lại bán Phương sang Trung Quốc, tôi không có tội”... Cuộc gặp đã trở nên đôi co mỗi lúc một to tiếng trong quán cà phê.
Nhưng rồi người phụ nữ tên Thoa không thể giải thích được chuyện đã thậm thụt rủ chị Phương đi mà không nói với gia đình chị Phương, rồi chuyện mang bán trộm chiếc xe đạp của bạn, chuyện viết thư sang Trung Quốc căn dặn đứa em gái phải tìm mọi cách ngăn cản chị Phương về Việt Nam kẻo bị nguy hiểm...
Mọi người yêu cầu chị Thoa vào nhà xin lỗi ông bà và toàn thể gia đình trước việc làm của mình, để thấy nỗi khổ của gia đình bao năm tìm kiếm và cũng là nỗi khổ của chị Phương phải chịu đựng sau ngần ấy năm.
Chị Thoa khước từ ý tốt của gia đình chị Phương, và bất ngờ bộp lại: “Chị cần bao nhiêu tiền là đủ?”.
Thư chị Phương gửi về nhà năm 1998 có đoạn: Bố mẹ ơi kể từ ngày con xa quê hương, đất nước, đến nay đã hơn hai năm, cũng là hơn hai năm uất hận kẻ đã lừa con… Con nghe nói công việc ở nhà cũng không được thuận lợi lắm. Con biết được là do lá thư của Thoa Sử (tức Trần Thị Thoa) viết sang cho em nó, nó cũng nói trong thư là gia đình bảo con vào Lâm Đồng, còn ở cơ quan chưa ai biết gì về hành động lừa người của nó. Vì nó, mà con bây giờ phải ôm hận nơi đất khách. Nó còn bảo em nó đừng cho con về nước vì con về bây giờ là nguy hiểm đến nó, và nó còn bảo không cho con chơi với người Việt mình, con biết được vì em rể nó là người Hoa không biết tiếng Việt mang cho con đọc hộ, em gái nó không có nhà. |
Theo Nhóm PV / Tiền Phong
Bình luận (0)