Gặp Steve Jobs ở Việt Nam

24/09/2012 09:13 GMT+7

Thế giới rục rịch nhắc đến Steve Jobs, chuẩn bị kỷ niệm một năm ngày mất của ông. Công chúng Việt Nam cũng có cơ hội nhớ về người thay đổi cả thế giới, khi đến triển lãm Tư duy khác biệt.

“Hi vọng”, một trong số tác phẩm về Steve Jobs trong triển lãm “Tư duy khác biệt”.
Đại sứ quán Mỹ bắt đầu phát thông tin đầu tiên về cuộc triển lãm do ĐSQ làm bà đỡ, khai mạc đúng ngày mất của Steve Jobs 5-10. Không chỉ đơn thuần là chân dung của con người này, triển lãm quy tụ 21 tác phẩm độc đáo - đưa công nghệ thông tin vào hội họa, gắn liền với cuộc đời ông. Chủ đề có lẽ chưa từng thấy hoặc rất hiếm trong dòng chảy hội họa Việt Nam

Có dịp gặp người nảy ra ý tưởng này-TS Nguyễn Đức Tiến, chuyên ngành tài chính, ngân hàng - mới thấy những thứ khô khan như máy tính, phần mềm cũng dễ thành cảm hứng dạt dào.

Tự nhận mình say mê nghiên cứu Steve Jobs và hãng Apple, anh Tiến theo đuổi dự án nghệ thuật này một cách như lên đồng cả năm qua, dù nghề nghiệp và bản thân anh chẳng có chân nào trong giới nghệ thuật. Sau nhiều cuộc thử nghiệm thất bại, anh tìm được tiếng nói với họa sĩ Bùi Văn Khoa.

Khi cả thế giới ca ngợi Steve Jobs bằng đủ những ngôn từ hoa mỹ nhất- cuối tháng 7, tạp chí Times của Mỹ đáng giá tầm ảnh hưởng của Steve ngang với Albert Einstein, Thomas Edison, G. Washington - điều công chúng xem 21 tác phẩm này có thể đọng lại những cảm xúc đời hơn.

Trong số 21 bức, không ít tranh phần nào thể hiện dấu mốc cách mạng công nghệ gắn chặt với thương hiệu quả táo, và Steve Jobs.

Những tín đồ của sản phẩm công nghệ dán tem Steve hẳn thích thú với những bức: Làn sóng thứ nhất, thứ hai về các cuộc cách mạng Iphone, Ipad; khái niệm hệ nhị phân ứng dụng trong công nghệ vượt bậc của Apple, hay một bức tranh ấn tượng thể hiện cửa hàng đặc trưng của Apple.

The Disciplines khắc họa Steve cùng với Bill Gates, hai người khổng lồ của công nghệ thế giới với hai tư duy khác biệt. Một Bill Gates cả đời đeo đuổi sự bùng nổ trong phần mềm, người còn lại luôn đau đáu sự khác biệt, cách tân trong công nghệ phần mềm tích hợp với phần cứng.

Làm nên cảm xúc của số tác phẩm này có lẽ không nằm ở những thứ công nghệ, những thành quả gắn với ông, hay các thông điệp của BTC hiện hữu trong thông cáo, lời phát biểu.

Không dưới ba lần người xem bắt gặp cặp mắt của Steve Jobs, ám ảnh. Nói như cách của họa sĩ là vừa soi mói, vừa thông minh và luôn đau đáu tìm kiếm sự khác biệt.

Tất cả những dấu ấn công nghệ ấy không để lại ấn tượng cho tôi bằng bức Hi vọng. Khi mắc bệnh ung thư, Steve không ngừng cầu nguyện được sống đến ngày con mình tốt nghiệp trung học.

Trong ngày lễ ấy, Steve Jobs dẫn con ra nhà kho, chọn một trong hai chiếc xe đạp đang đi tặng lại cho con. Steve trong màu áo xanh đứng cạnh con, nhưng chìm khuất hơn cậu con trai tươi cười vận áo khoác đỏ, rất ăn vào màu vầng trời đằng sau lưng hai cha con.

Di sản Steve muốn con thừa kế không phải là đống của cái kếch xù, mà ông đặt niềm tin ở cậu con trai, có thể phát huy cả di sản ông để lại sống động như vầng trời âm ỉ cháy đằng sau lưng.

Ở bức tranh này, người xem bắt gặp lại các gam màu sáng chủ đạo đỏ, xanh, cam trong nhiều bức khác, tỏa mùi sống động, sôi sục của con người yêu công nghệ.

Có thể gọi triển lãm này là 21+1, khi có thêm một bức điêu khắc chất liệu thép và composit của nghệ sĩ điêu khắc Lê Đình Quỳ cao trên 2m.

Tượng bán thân Steve Jobs được đặt trên trụ bắt nguồn từ bệ đỡ hình tròn, bên dưới khắc họa bức tranh nổi tiếng của Picasso - cuộc họp của các nhà triết học cổ với đại diện bảy nhà khoa học cơ bản của nhân loại.

200 thiệp mời vẽ chân dung Steve Jobs

Triển lãm Tư duy khác biệt khai mạc sáng 5-10, mở cửa cho công chúng từ chiều 5-10 đến 7-10 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, 31 Tràng Thi, Hà Nội.

Anh Nguyễn Đức Tiến tiết lộ, với lòng yêu mến đặc biệt dành cho Steve Jobs, các nghệ sĩ kỳ công thiết kế thiệp mời gồm ký họa chân dung Steve Jobs bằng mực đen, mặt sau viết tay lời mời bằng bút lông.

Dù 21 bức tranh đã hoàn thành, những ngày này họa sĩ Bùi Văn Khoa cặm cụi vẽ chân dung Jobs trên thiệp mời. “200 bức chân dung không giống nhau, nhưng cái thần của Steve chắc chắn có”, họa sĩ nói.

Theo Toan Toan / Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.