Gap year là khoảng thời gian "tạm dừng" sau một quá trình học tập hoặc làm việc nhằm mục đích nghỉ ngơi, khám phá bản thân hay thực hiện một kế hoạch còn dang dở, học thêm những điều mới. Gap year thường kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm.
Đi làm là chuyện cả đời nên không phải vội
Sau khi hoàn thành 4 năm đại học ở Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), chị Lê Trần Mỹ Ngọc (23 tuổi, TP.HCM) đã lên kế hoạch gap year 1 năm để đi du lịch, trải nghiệm cuộc sống.
Theo chị Ngọc, lựa chọn đi làm ngay hay gap year sau khi tốt nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, mục tiêu nghề nghiệp, định hướng tương lai của mỗi người.
"Cá nhân tôi thì không nặng nề chuyện phải có việc làm ngay sau khi ra trường. Thay vì đi làm, tôi muốn dành thời gian để khám phá bản thân. Bên cạnh những kiến thức học được ở trường thì một vốn sống phong phú cũng là hành trang để tôi vững vàng hơn về sau", chị Ngọc nói.
Cũng theo chị, chuyện đi làm là chuyện cả đời, chúng ta có đến 40, 50 năm để làm việc. Vậy tại sao không cho mình một khoảng thời gian ngắn để trải nghiệm và thử những điều mới trước đó. Có thể khi nhìn bạn bè dần ổn định, có công việc đàng hoàng còn bản thân vẫn lông bông sẽ hơi lo lắng, áp lực. Nhưng quan trọng hơn hết vẫn là xác định được đích đến và tin tưởng vào lựa chọn của mình. Gap year cũng không phải chỉ để ăn chơi suốt ngày mà phải có kế hoạch chi tiết để không lãng phí.
Chị Ngọc cho biết thêm, trong quá trình gap year, chị sẽ làm những công việc bán thời gian để có tiền trang trải cuộc sống.
"Tuy không đi làm ngay nhưng tôi biết mình phải tự lo, không thể ăn bám ba mẹ được nữa. Và nếu tôi muốn đi được nhiều nơi, có nhiều trải nghiệm mới, tôi cũng phải có tiền, có những nguồn thu nhập thụ động để chi trả", chị Ngọc bày tỏ.
Gap year có làm kiến thức dần mai một?
Ngoài lý do tài chính, nhiều bạn trẻ chọn đi làm ngay sau khi ra trường còn là vì sợ quên đi kiến thức.
"Sau khi học xong, về cơ bản tôi đã nắm được những kiến thức chuyên môn của ngành, có thể ứng dụng vào thực tế khi đi làm. Việc đi làm sớm còn giúp tôi xây dựng được mạng lưới quan hệ với những người cùng ngành từ sớm. Nếu gap year, tôi nghĩ chúng ta không nên buông bỏ kiến thức hoàn toàn. Có thể dành ra chút ít thời gian để ôn tập, cập nhật kiến thức, xu hướng hay thậm chí đi học thêm để nâng cấp vốn kiến thức sẵn có", chia sẻ của anh Trần Viết Hùng (25 tuổi, TP.Đà Nẵng).
Anh Hùng cho hay bất kỳ ngành nghề nào hiện nay cũng đòi hỏi sự cập nhật kiến thức liên tục vì tính chất đào thải của thị trường lao động rất cao. Đặc biệt là các công việc liên quan đến công nghệ, kỹ thuật, máy móc… nếu lâu không dùng đến kiến thức chắc chắn sẽ thâm hụt ít nhiều. Ngay cả những người có thâm niên đi làm cũng phải không ngừng học hỏi nên với người trẻ đó lại càng là điều tất yếu.
Chị Nguyễn Thị Bích Thủy (29 tuổi, TP.HCM) có chia sẻ, nếu tìm việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, có thể bạn chỉ cần cạnh tranh với những người đồng trang lứa. Nhưng nếu quay lại sau một khoảng thời gian gap year, bạn còn phải cạnh tranh với các thế hệ trẻ sau này.
"Các bạn trẻ ngày càng giỏi, có những bạn mới ra trường nhưng kinh nghiệm làm việc, hoạt động xã hội rất phong phú. Họ cũng am hiểu về công nghệ, nhanh nhạy trước những biến đổi của thị trường, đáp ứng tốt các tiêu chí của nhà tuyển dụng. Bản thân tôi nghĩ chúng ta không nên để kỳ nghỉ của mình kéo dài quá lâu, chỉ nên vừa đủ để bản thân nghỉ ngơi, phục hồi, sau đó sẽ đi làm để sớm ổn định", chị Thủy nói.
Chị nhấn mạnh thêm, khi còn trẻ, chưa vướng bận chuyện gia đình, con cái, chị muốn được "hết lòng hết dạ" với công việc.
"5 năm sau khi ra trường, theo tôi là khoảng thời gian vàng để chúng ta đi nhanh, tiến đến gần với mục tiêu tự do tài chính. Sau khi ổn định rồi, tôi có thể gap year để nghỉ ngơi, mỗi người sẽ có một thời điểm thích hợp riêng cho mình", chị Thủy cho hay.
Bình luận (0)